Tung tin giả, cắt ghép ảnh - đừng nghĩ là đùa vui, vô hại

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và mạng xã hội, việc chỉnh sửa hình ảnh, cắt ghép video hay tạo dựng thông tin giả đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nhiều người cho rằng, việc chỉnh sửa ảnh hoặc tạo ra các câu chuyện giả mạo chỉ để 'đùa vui' là vô hại. Nhưng thực tế, hành động này không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.

Những hành vi tung tin giả, cắt ghép ảnh dù với bất kỳ lý do nào cũng không chỉ phản ánh sự thiếu ý thức mà còn gây tổn hại đến cá nhân và toàn xã hội. (Ảnh minh họa: AI)

Những hành vi tung tin giả, cắt ghép ảnh dù với bất kỳ lý do nào cũng không chỉ phản ánh sự thiếu ý thức mà còn gây tổn hại đến cá nhân và toàn xã hội. (Ảnh minh họa: AI)

Khi vui đùa trở thành nguy cơ

Mới đây, phía Hoa hậu Quốc tế T.Th đã lên tiếng chính thức xoay quanh những bức ảnh cắt ghép của cô và một nam ca sĩ lan truyền trên mạng thời gian qua. Xuất phát từ những tương tác vui của Hoa hậu và nam ca sĩ tại một chương trình trao giải âm nhạc khiến cộng đồng người hâm mộ thích thú, “ghép đôi” hai nhân vật với nhau. Để rồi từ đó, mọi chuyện đi quá xa khi nhiều người dùng công cụ AI để chỉnh sửa, ghép ảnh, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt ảnh Hoa hậu và nam ca sĩ “tay trong tay”, thậm chí xuất hiện cả ảnh cưới,...

Theo phía Hoa hậu T.Th, những hình ảnh này đang khiến khán giả hiểu lầm, có cái nhìn sai sự thật về Hoa hậu và người được cắt ghép. Hoa hậu T.Th và ê kíp mong khán giả chọn lọc thông tin để tiếp nhận, tỉnh táo trước những bài viết, hình ảnh trên các hội nhóm không xuất phát từ tài khoản chính chủ của Hoa hậu, đồng thời báo cáo những hành vi vi phạm.

Có thể nói, Hoa hậu T.Th là trường hợp khá hiếm hoi chịu lên tiếng một cách nghiêm túc khi hình ảnh của bản thân bị đem ra cắt ghép không xuất phát từ ác ý mà xuất phát điểm từ sự yêu mến, hâm mộ, đùa vui của khán giả. Những năm qua, việc người nổi tiếng bị ghép đôi cùng nhau, bị ghép ảnh tung lên mạng để thỏa mãn sự khao khát thông tin của một bộ phận người hâm mộ là không hiếm.

Có thể nói, việc cắt ghép ảnh để đùa cợt nhau trên mạng ngày càng phổ biến, khi mà công cụ AI phát triển, khiến các bức ảnh giả được thực hiện dễ dàng và giống thật hơn bao giờ hết. Cách đây ít lâu, một cô gái trẻ đã bị cắt ghép ảnh mặc bikini khi đang chơi môn thể thao thời thượng Pickleball. Hậu quả là khi bức ảnh chưa được xác minh thật giả, cô gái đã bị cộng đồng “ném đá” tới tấp. Mặc dù bức ảnh sau đó được xác minh là cắt ghép, nhưng cô gái trong sự việc đã bị ảnh hưởng không nhỏ và cho đến nay, bức ảnh vẫn tồn tại trên mạng xã hội.

Hậu quả khôn lường

Chưa nói đến việc cố ý cắt ghép với mục đích xấu, chỉ gói gọn trong câu chuyện ghép ảnh để đùa cợt cho vui, thì hậu quả cũng rất có thể sẽ đi quá xa, đối với những người bị cắt ghép ảnh. Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những hình ảnh bị cắt ghép, lồng ghép những thông tin nhạy cảm hoặc gây hiểu lầm. Một bức ảnh vốn vô hại khi qua chỉnh sửa có thể bị "nhào nặn" thành công cụ để giễu cợt, bôi nhọ hoặc xuyên tạc sự thật. Thậm chí, những video giả mạo, ghép giọng hay tạo dựng cảnh tượng phi thực tế cũng dễ dàng được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều đáng lo ngại là không phải ai cũng phân biệt được thật - giả.

Dù với bất cứ mục đích nào, hành vi tung tin giả, cắt ghép ảnh không chỉ là trò đùa vô hại. Nó gây ra những hậu quả nặng nề cho cá nhân và cộng đồng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân: Một hình ảnh bị cắt ghép sai lệch có thể hủy hoại danh dự, hình ảnh của người trong cuộc. Nhiều người trở thành nạn nhân của những "trò đùa" này, dẫn đến tổn thương tâm lý, thậm chí rơi vào khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng.

Ảnh giả đi kèm với nó là thông tin giả khi được lan truyền rộng rãi có thể gây hoảng loạn trong cộng đồng, dẫn đến các hành động thiếu kiểm soát và rối loạn trật tự trị an, bởi khi thông tin sai lệch xuất hiện tràn lan, niềm tin vào các nguồn tin chính thống và các giá trị thật dễ dàng bị “xói mòn”.

Dù với bất kỳ mục đích nào, từ đùa vui đến chọc ghẹo bạn bè hay thu hút sự chú ý, việc phát tán thông tin giả hoặc chỉnh sửa hình ảnh trái phép đều không được phép và không thể chấp nhận. Đó là hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm và quyền lợi của người khác đã được pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng. Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật trên không gian mạng; Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định mức phạt đối với hành vi tung tin giả hoặc thông tin xuyên tạc, bịa đặt...

Trong một thế giới mà thật và giả chỉ cách nhau…vài cú nhấp chuột, việc giữ gìn sự trung thực và tôn trọng lẫn nhau là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Những hành vi tung tin giả, cắt ghép ảnh dù với bất kỳ lý do nào cũng không chỉ phản ánh sự thiếu ý thức mà còn gây tổn hại đến cá nhân và toàn xã hội. Xã hội ngày càng phát triển, đi về hướng văn minh, các chế tài pháp luật ngày càng được áp dụng nghiêm, xử phạt nặng. Vì vậy, mỗi một cá nhân, khi tham gia mạng xã hội, cần tự trang bị cho mình một thái độ đúng đắn, một sự cẩn trọng, chọn lọc và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, đồng thời, cần tạo thói quen, ý thức tôn trọng quyền riêng tư của người khác, không xâm phạm, với bất kì lý do gì, dẫu chỉ là vui đùa.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tung-tin-gia-cat-ghep-anh-dung-nghi-la-dua-vui-vo-hai-post538210.html