Tuổi nghỉ hưu 2025 và các chế độ được hưởng khi giáo viên nghỉ hưu
Tuổi nghỉ hưu năm 2025 của giáo viên nam là 61 tuổi 03 tháng, giáo viên nữ là 56 tuổi 8 tháng, sau đó mỗi năm tăng đến khi nữ đủ 60 tuổi, nam đủ 62 tuổi.
Nội dung bài viết xin được cập nhật tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ năm 2025 và các chế độ của giáo viên khi nghỉ hưu theo đúng tuổi quy định trong Luật Lao động và Nghị định 135 của Chính phủ.
Tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ năm 2025
Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/NĐ-CP quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên làm việc trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình như sau:
Tuổi nghỉ hưu năm 2025 của giáo viên nam là 61 tuổi 03 tháng, giáo viên nữ là 56 tuổi 8 tháng. Từ năm 2026, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với giáo viên nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với giáo viên nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Khi nghỉ hưu đúng tuổi, cách tính lương hưu của giáo viên ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức lương hưu hằng tháng đối với người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo công thức sau đây:
Mức lương hưu hằng tháng = (Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng) x (Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội).
Trong đó:
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
- Đối với nam: Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
- Đối với nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Lưu ý: Đối với người hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng cũng sẽ được tính như trên, nhưng cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%; trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Ngoài lương hưu, giáo viên còn được nhận phụ cấp, trợ cấp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, viên chức hưởngtrợ cấp một lần khi nghỉ hưu:
“Điều 58. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.”
Theo đó, giáo viên có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Trợ cấp tuất khi giáo viên đang nghỉ hưu mất ra sao?
Nếu giáo viên nghỉ hưu mà qua đời, có thể được nhận các phụ cấp, trợ cấp như sau:
Trợ cấp mai tháng phí: Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần lương cơ sở tại tháng mà người đang hưởng lương hưu chết. Số tiền trợ cấp này hiện nay là 23.4 triệu đồng (Mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
Trợ cấp tuất hàng tháng: Theo quy định tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“Điều 67. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:
a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Đang hưởng lương hưu;…”
Theo quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân người lao động đang hưởng lương hưu mà qua đời bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân là 1.170.000 đồng/tháng, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp này là 1.638.000 đồng/tháng.
Đồng thời, số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng không quá 4 người. Vì vậy, số tiền mà thân nhân người lao động qua đời được nhận trợ cấp tuất hàng tháng tối đa là 4.680.000 đồng/tháng (nếu có 4 thân nhân đủ điều kiện nhận trợ cấp) hoặc 6.552.000 đồng/tháng (nếu có 4 thân nhân đủ điều kiện nhận trợ cấp và không có người trực tiếp nuôi dưỡng).
Trợ cấp tuất 1 lần: Căn cứ Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Điều 69. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần
Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:
Người lao động chết không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này;
Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này;
Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;…”
Theo quy định tại Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp viên chức đang hưởng lương hưu chết mà không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng thì có thể hưởng trợ cấp tuất một lần.
Mức hưởng trợ cấp tuất một lần này được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu của người đang hưởng lương hưu mà qua đời.
Nếu người đang hưởng lương hưu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng. Nếu người đó qua đời vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi nửa tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.
Mức lương cơ sở dùng để tính trợ cấp tuất một lần là mức lương cơ sở tại tháng mà người đang hưởng lương hưu mất.