Tuổi nghỉ hưu cao quá, liệu người lao động có chờ nổi?
Theo nhiều bạn đọc, giảm tuổi nghỉ hưu là hợp lý nhất. Ban soạn thảo cần đặt mình vào vị trí người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích một số hạn chế của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.
Bạn đọc Phạm Cường bày tỏ: "Tốt nhất là cứ giữ nguyên là 20 năm, cần giảm tuổi chứ giảm số năm làm gì. Nên quy định cứ đủ 20 năm là được nghỉ hưu đóng ít hưởng ít đóng nhiều hưởng nhiều. Giờ giảm xuống 15 năm mà tận 60 mới được hưởng lương hưu thì quá bất cập. Ví như một người 18 tuổ đi làm liên tục thì 33 tuổi đã đủ 15 năm rồi. Nếu làm tiếp 45 tuoi thì là 25 năm vẫn phải chờ 20 năm nữa mới được hưởng lương hưu thì rút 1 lần cho nhanh".
Tương tự, một bạn đọc giấu tên đặt câu hỏi: "Thật là nghịch lý khi nghe giải thích của BHXH là rút ngắn thời gian đóng BHXH còn 15 năm để tạo điều kiện cho người tham gia BHXH trễ được hưởng lương hưu, nhưng tại sao với người đóng BHXH sớm đã đủ năm theo quy định 20 năm thậm chí kịch 35 năm thì lại không được rút ngắn tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu?".
Theo bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn, Dự thảo Luật BHXH lần này thì nên lấy ý kiến rộng rãi của người lao động. Theo bạn đọc này thì nên cho phép người lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước là nam trên 55 tuổi và nữ đủ 53 tuổi đóng BHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên ai có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để hưởng lương hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi? Vì người lao động trực tiếp khó ai mà đợi đến 60, 62 tuổi để nhận lương hưu nên họ chọn lựa rút bhxh một lần là lẽ thường tình?
Bạn đọc Lê Thái Sơn nêu thực tế: "Những ai đã từng làm việc ở khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức - TP HCM trong những ngày này sẽ thấu hiểu. Hiện tượng các công ty vốn nước ngoài đang sa thải hàng loạt những người lao động lâu năm. Họ có nhiều cách lách luật khiến cho người lao động ngậm đắng nuốt cay phải nghỉ việc. Công ty vợ mình làm được 22 năm. Công ty điều động vợ tôi về Long An và ép ký lại hợp đồng mới với mức lương 4,9 triệu đồng.
Trong khi lương hiện tại sau 22 năm là 11tr. Cùng với gần 1.000 lao động nữa. Nên tất cả số công nhân đó đều viết đơn xin nghỉ việc hồi tháng 11 năm 2022. Công ty không phải đền bù hợp đồng, không phải trả lương tháng 13...). Cùng với đó là các công ty xung quanh cũng đua nhau cho người lao động nghỉ việc. Trước là cho nghỉ việc 1-2 tháng. Người lao động vì vậy mà phải về quê hoặc xin công ty khác. Vậy là người lao động tự viết đơn xin nghỉ việc (khi ấy cty sẽ không vi phạm luật, không phải đền bù hợp đồng).
Ai mà tuổi cao, lâu năm làm việc thì cty điều chuyển nhiều nơi gây ức chế cho người lao động. Vì người công nhân sau 45-50 tuổi chế độ lương cao hơn, dù năng suất không thể nào bằng các bạn trẻ. "Điều này ban soạn thảo Luật BHXH có biết. Còn cứ giữ ý kiến độ tuổi 60-62 nghỉ hưu thì làn sóng rút BHXH một lần ngày càng nhiều" – bạn đọc này viết.
Bạn đọc Lê Văn Đạo hiến kế "Nên giữ mức nghỉ hưu tối thiểu là 20 năm. Giảm tuổi nghỉ hưu xuống (đối với nam) là 57 tuổi, (đối với nữ) là 55 tuổi. Đóng bảo hiểm dưới 20 năm (nếu có nguyện vọng) thì cho đóng tự nguyện để chờ hưu, hoặc cho rút một lần (tùy vào hoàn cảnh của mỗi người". Với bạn đọc tên Hiếu, nếu đóng BHXH trên 30 năm thì nên cho người lao động được quyền chọn chế độ được nghỉ hưu. Tương tự, một bạn đọc tên Phong bày tỏ: "Theo tôi, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (như cũ); như vậy, sẽ tạo cơ hội cho người trẻ, giảm thiểu số lượng người nhiều tuổi để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Mức hưởng BHXH sẽ tính theo số năm đóng".
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng người rút BHXH một lần luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Đáng chú ý, giai đoạn 2016 - 2021, có khoảng hơn 4 triệu người rút BHXH một lần, chưa tính số người do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 800.000 người rút BHXH một lần. Lý do một phần do chính sách có nhiều thuận lợi cho việc rút BHXH một lần, cộng thêm tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thì thời gian đóng BHXH quá dài (20 năm) cũng là yếu tố khiến người lao động chấp nhận rút BHXH một lần.
Không biết có kịp cầm sổ hưu?
Tôi năm nay 54 tuổi đóng bảo hiểm được 31 năm. Trong suốt thời gian công tác, trời phú cho không ốm đau bệnh tật gì. Bước sang năm nay, chưa tròn 54 tuổi bắt đầu ốm đau, cơ thể lão hóa, chẳng thiết gì phấn đấu gì mà chỉ mong chờ hết ngày về được nghỉ ngơi. "Đáng lẽ như quỷ định cũ 55 tuổi là sang năm là tôi đủ tuổi về hưu, nhưng tăng tuổi nghỉ hưu tôi bị cộng thêm 2 năm nữa đến tận 2026. Bới chính sách tăng tuổi nghỉ hưu này không biết bao người có kịp cầm sổ hưu không nữa. Mong rằng nhà nước nên xem lại" – một bạn đọc tên Hà tỏ bày. Bạn đọc Trần Hùng dẫn chứng: "Bố tôi đại tá quân đội theo quy định 57 tuổi nghỉ hưu thì 56 tuổi ông đã mất. Mẹ tôi 50 tuổi nghỉ mất sức thì 51 tuổi bà mất. Tính ra hai ông bà chưa được cầm tí lương hưu nào mặc dù đã đóng bảo hiểm hơn 30 năm. Vì vậy theo tôi nhà nước nên nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu.