Tuổi tác của Cristiano Ronaldo và 'quy tắc trên 30' trong bóng đá

Các đội bóng hàng đầu từ lâu đã tìm cách sa thải cầu thủ ngoài 30 tuổi. Tuổi tác luôn là vấn đề khó nói trong thể thao.

Trong chiến thắng 6-1 của tuyển Bồ Đào Nha trước Thụy Sĩ ở vòng 16 đội World Cup 2022, Cristiano Ronaldo vào sân từ hàng ghế dự bị ở phút 73.

Trong khoảng 20 phút có mặt trên sân, siêu sao của "Selecao châu Âu" không có bàn thắng hay màn kiến tạo nào. Anh hoàn toàn lu mờ trước màn trình diễn của các đàn em.

Sau trận đấu, một lần nữa câu chuyện về tuổi tác và phong độ của Ronaldo lại được đặt ra. Nhiều người cho rằng thời gian đã bắt kịp huyền thoại bóng đá. Ở tuổi 37, Ronaldo được cho là đã bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp.

Trong thể thao, tuổi tác luôn là vấn đề gây tranh cãi và bóng đá cũng có rất nhiều quan niệm khác nhau về cái ngưỡng chững lại của một cầu thủ.

Ở Manchester United, có một thời gian, Alex Ferguson, huấn luyện viên của câu lạc bộ vào thời điểm đó, có xu hướng cho các cầu thủ từ 30 tuổi trở lên nghỉ ngơi thêm một ngày sau trận đấu.

Còn huấn luyện viên Arsène Wenger của Arsenal đã đặt ra "quy tắc trên 30 tuổi". Khi các tiền vệ và tiền đạo bước sang tuổi 32, ông chỉ đề nghị họ gia hạn hợp đồng thêm một năm. "Đó là quy tắc ở đây. Sau 32 tuổi, bạn thay đổi qua từng năm".

Trong khi giới hạn tuổi tác chính xác của người chơi thể thao luôn mang tính chủ quan, từ lâu thế giới bóng đá đã đạt được sự thống nhất rộng rãi. Ở một thời điểm nào đó của độ tuổi 30, các cầu thủ bắt đầu vượt qua ranh giới phân biệt mùa hè với mùa thu, hiện tại với quá khứ, đỉnh cao với xế chiều. Và ngay sau khi bước qua lằn ranh đó, cầu thủ có thể chính thức được coi là đã già.

 Ronaldo được cho lu mờ trước dàn cầu thủ trẻ tại World Cup 2022. Ảnh: Reuters.

Ronaldo được cho lu mờ trước dàn cầu thủ trẻ tại World Cup 2022. Ảnh: Reuters.

Mua trẻ bán già

Sự phân định tuổi tác từ lâu đã được thông báo qua chiến lược tuyển dụng cũng như giữ chân cầu thủ của các đội bóng trên khắp châu Âu.

Trong nhiều năm, đại đa số các câu lạc bộ lớn đều tuân theo nguyên tắc khá đơn giản: Mua trẻ bán già.

Việc Tottenham mua lại tiền vệ 33 tuổi người Croatia Ivan Perisic hồi tháng 6 là lần đầu tiên câu lạc bộ này ký hợp đồng với một cầu thủ ngoài 30 tuổi kể từ năm 2017. Liverpool đã không làm điều đó từ năm 2016.

Manchester City cũng không mua cầu thủ nào ngoài 30 tuổi trong gần một thập kỷ qua. Các thủ môn, được cho là có tuổi nghề cao nhất, là những trường hợp ngoại lệ.

Thay vào đó, những cầu thủ sắp bước sang tuổi xế chiều của sự nghiệp thường được coi là gánh nặng cần phải "thu xếp".

Ví dụ điển hình, trong mùa hè 2022, Bayern Munich đã tìm cách đẩy Robert Lewandowski (gần 34 tuổi) sang Barca và chiêu mộ Erling Haaland (22 tuổi). Tuy nhiên, thương vụ mua cầu thủ Na Uy đã không thành công.

 Manchester City chiêu mộ thành công sao trẻ Erling Haaland. Ảnh: AP.

Manchester City chiêu mộ thành công sao trẻ Erling Haaland. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Liverpool đã bắt đầu công cuộc cải tổ bằng cách thay thế Sadio Mané (30 tuổi) bằng Luis Díaz (25 tuổi) và bổ sung Darwin Nunez (23 tuổi) để thay thế Roberto Firmino, người vừa bước sang tuổi 31 hồi tháng 10.

Khi tìm cách đại tu đội hình của mình, Manchester United đã tung một loạt cầu thủ - Nemanja Matic, Juan Mata và Edinson Cavani - vào thị trường vốn đã bão hòa với các cựu binh, bao gồm cả Gareth Bale và Ángel Di María.

Lý do đằng sau xu hướng này khá dễ hiểu. Robin Thorpe, nhà khoa học về hiệu suất, người đã có một thập kỷ làm việc tại Manchester United và hiện hợp tác với mạng lưới các đội của Red Bull, nói rằng các yêu cầu của trò chơi đang thay đổi. Người ta chú trọng nhiều hơn vào việc chạy nước rút, tăng tốc ở cường độ cao.

"Những người chơi trẻ được cho đáp ứng điều đó tốt hơn so với các cầu thủ lớn tuổi", Thorpe giải thích.

Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là chiêu mộ những cầu thủ trẻ hứa hẹn "sẽ mang lại nhiều lợi ích đầu tư hơn khi muốn bán họ đi", theo Tony Strudwick, một đồng nghiệp cũ của Thorpe tại Manchester United, người cũng từng làm việc ở Arsenal.

Các câu lạc bộ có thể dễ dàng thu hồi kinh phí và thậm chí kiếm được lợi nhuận hơn từ một cầu thủ mới ngoài 20 tuổi. "Những cầu thủ già hơn, xét về góc độ kinh tế, được coi là loại tài sản mất giá nhanh chóng".

Quan niệm tranh cãi

Hai nguyên nhân kể trên có liên quan mật thiết với nhau, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ít nhất một trong số chúng có thể bắt nguồn từ logic, quan niệm gây tranh cãi.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Twenty First Group, các cầu thủ trên 32 tuổi liên tục chơi nhiều hơn ở Champions League mỗi năm. Mùa giải trước, các cầu thủ trên 34 tuổi cũng thi đấu nhiều hơn ở 5 giải đấu lớn của châu Âu, so với bất kỳ mùa giải nào trước đó.

Cựu hậu vệ Barcelona, Dani Alves, hiện 39 tuổi và quyết tâm tiếp tục sự nghiệp, nói với The Guardian hồi tháng 7: "Tuổi tác có ưu và khuyết điểm. Hôm nay tôi có một trải nghiệm mà 20 năm trước không có. Khi ở một trận đấu lớn, những người 20 tuổi cảm thấy hồi hộp và lo lắng. Tôi thì không".

Ở cả Champions League và các giải đấu hàng đầu của châu Âu, các cầu thủ lớn tuổi thắng nhiều pha không chiến hơn, rê bóng nhiều hơn, chuyền chính xác hơn (nếu họ là tiền vệ trung tâm) và ghi nhiều bàn thắng hơn.

Số lượng cầu thủ trên 30 tuổi hiện được xếp hạng trong danh sách 150 cầu thủ xuất sắc thế giới của Twenty First Group nhiều hơn gấp đôi so với số lượng cầu thủ trên 30 trong cùng danh sách được thống kê một thập kỷ trước.

Dữ liệu cho thấy rất rõ ràng rằng độ tuổi 30 không còn già như trước đây.

Từ góc độ khoa học thể thao, các con số thống kê hầu như không gây ngạc nhiên. Strudwick chỉ ra rằng thế hệ cầu thủ hiện tại ở độ tuổi 30 có thể là những người đầu tiên "được tiếp xúc với khoa học thể thao cốt lõi ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp". Vì vậy, không có lý do gì để cho rằng họ sẽ già đi với cùng tốc độ hoặc cùng thời gian với thế hệ cầu thủ đi trước.

 Luka Modric, người bước sang tuổi 37 vào tháng 9, nói đùa rằng anh có thể chơi bóng cho đến khi 50 tuổi. Ảnh: AP.

Luka Modric, người bước sang tuổi 37 vào tháng 9, nói đùa rằng anh có thể chơi bóng cho đến khi 50 tuổi. Ảnh: AP.

Thorpe nhận định tuổi nghề của các vận động viên không ngừng tăng lên nhờ cải thiện chế độ dinh dưỡng và kỹ thuật phục hồi.

"Khi tôi còn ở Manchester United, quy tắc hàng đầu là các cầu thủ trên 30 tuổi phải được nghỉ thêm một ngày sau các trận đấu. Ban đầu nó nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, sự thật là không phải lúc nào các cầu thủ lớn tuổi cũng cần nghỉ ngơi nhiều hơn".

Khi nghiên cứu và xem xét dữ liệu, nhóm của Thorpe nhận thấy rằng thời gian nghỉ ngơi mang tính cá nhân. Nhiều cầu thủ lớn tuổi có thể tập luyện với cường độ cao, trong khi một số cầu thủ trẻ cần nghỉ ngơi nhiều hơn.

Các đội bóng lớn ngày nay cũng dần nhận ra rằng "quy tắc trên 30" đã lỗi thời. Nhưng lý do thực sự khiến họ vẫn tiếp tục xu hướng "mua trẻ bán già" là câu chuyện kinh tế.

"Vòng đời của một cầu thủ có hình chữ U ngược. Nhưng kỳ vọng về tiền lương lại là tuyến tính, đường thẳng không ngừng đi lên", Strudwick nhận định.

Cách tiếp cận khoa học có thể trì hoãn thời điểm bắt đầu đường cong đi xuống của chữ U ngược và khiến phần dốc trở nên thoải hơn, những chắc chắn không thể loại bỏ hoàn toàn quy luật tự nhiên này.

Tại một thời điểm nào đó, các cầu thủ sẽ bước vào giai đoạn được gọi là "phần dốc bên kia". Và chắc chắn không một đội bóng nào muốn trả cho cầu thủ mức lương cao khi thời điểm đó đến.

Đó là điều thúc đẩy các câu lạc bộ vẫn tin vào ngưỡng 30, không phải vì cầu thủ không thể đóng góp thêm, mà là vì những gì đội bóng sẽ phải chi trả.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuoi-tac-cua-cristiano-ronaldo-va-quy-tac-tren-30-trong-bong-da-post1382746.html