Tuổi thơ vọng mãi yêu thương vui buồn

Trang Vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam vừa giới thiệu truyện dài Tiếng vọng ngày xanh của nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. Người đọc xúc động trước những trang văn rất đẹp; hình ảnh gia đình, làng quê, tuổi thơ cứ lần lượt hiện ra với đủ cung bậc: chan chứa yêu thương, vui buồn cơ cực, khát vọng vươn lên…

Tác phẩm có tính chất tự truyện, được kể bởi nhân vật chính là cậu bé Quyết. Đó là một đứa trẻ tầm 6 tuổi rất hồn nhiên, hoạt bát, thích khám phá thế giới bằng nhiều câu hỏi. Tuổi thơ của Quyết và những người bạn là các trò chơi dân gian, rồi bắt cá đồng, hái trái cây trong vườn vắng...

Tuổi nhỏ nhưng biết nghĩ đến việc bảo vệ thiên nhiên: “mong sớm sớm chiều chiều những con cu lửa, những bầy dồng dộc, những đàn cò… lại tin cậy về với khu vườn này cất lên tiếng hót để tuổi thơ chúng tôi được chắp thêm đôi cánh tuyệt vời của thiên nhiên, của ước mơ bay bổng”. Gia đình và quê hương là những mạch nguồn dưỡng nuôi, đánh thức bao ước mơ tươi sáng của Quyết.

Tôi rất ấn tượng với người cha trong truyện. Cha thường nghiêm khắc, mẹ dễ tính hơn. Ở đây ngược lại, cha rất hiền từ. Mẹ thường gợi chuyện, còn cha lý giải tận tường, vì ông là người hay chữ. Cha không nói nặng lời, lúc nào cũng từ tốn dạy con những bài học sâu sắc.

Bạn đọc nghẹn ngào trước những lời căn dặn của người cha: “Lỡ cha không khỏi bệnh, con lớn lên chắc sẽ vất vả nhiều... Nhưng dù gì đi nữa vẫn phải cố mà sống cho tốt. Thua bạc thua tiền chớ đừng thua ý chí, phải vươn lên như mụt măng… Nếu con ham học, ham sách vở, tuy không còn cha nhưng vẫn như thấy cha luôn ở bên mình vậy”.

Khi cha không còn, cảnh nhà hiu quạnh, khó khăn buồn tủi khiến cho Quyết như chới với giữa dòng đời. Nếu khóc được thì nỗi buồn sẽ vơi, đằng này nước mắt lặn vào trong nên niềm đau cứ âm ỉ. Tâm hồn đa cảm, thấm thía phận mồ côi, Quyết càng lặng lẽ nhưng không quên lời cha dặn.

Cậu bé sớm biết đỡ đần cho gia đình, từ nấu cơm, trông cháu, đi làm công điểm hợp tác xã, kể cả chặt tre là việc rất khó. Chắc chắn khi đặt tên Quyết, bậc sinh thành mong muốn con mình phải đủ ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt lên như mụt măng vậy!

Trong Tiếng vọng ngày xanh có hai chi tiết khiến tôi nghĩ mãi: người mẹ lễ phép đến kính cẩn với thầy giáo khi gửi con trong buổi học đầu tiên và người anh Hai lấy hai cuốn bánh tráng từ trong bọc giấy để “tiếp tế” cho em buổi trưa, chờ thi suất chiều trong ngày thi chuyển cấp. Mẹ nghèo nhưng trọng thầy quý chữ; anh Hai đã có gia đình nhưng chẳng bỏ rơi em. Giáo dục, đôi khi chỉ cần một hành động nhỏ mà đẹp cũng đủ lay động dài lâu!

Ngày ấy, thi lên cấp 3 rất ngặt. Bạn bè rớt nhiều, lòng Quyết “cảm thấy một nỗi buồn man mác” bởi rồi “tan đàn xẻ nghé”. Ở độ tuổi 15, Quyết đã biết thấu cảm, không chỉ lo cho riêng mình.

Truyện dài Tiếng vọng ngày xanh đã được NXB Kim Đồng trao giải thưởng năm 2001. Sau hơn 20 năm ra đời, tác phẩm của nhà thơ Huỳnh Văn Quốc vẫn cuốn hút bạn đọc. Ở đó có không gian làng quê gần gũi, thời gian được kể theo trình tự trước sau, cốt truyện chặt chẽ, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, miêu tả thế giới tự nhiên sinh động, tính giáo dục được chuyển tải bằng những hình ảnh, câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn.

Độc giả như được trở về và đồng cảm với ký ức ngày xanh còn đầy ắp yêu thương, vui buồn, mơ ước… của tác giả.

PHAN HUY THÙY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/300321/tuoi-tho-vong-mai-yeu-thuong-vui-buon.html