Tuổi trẻ đồng hành cùng du lịch địa phương

PTĐT - Từ tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, cho đến khởi nghiệp từ du lịch… những năm qua, các thế hệ thanh niên Đất Tổ đã luôn tích cực đóng góp, đồng hành và có nhiều dấu ấn trong việc thúc đẩy ngành du lịch tỉnh phát triển.

Chị Lã Thị Hồng Thùy đã tự tìm hiểu và trau dồi kiến thức để trở thành HDV du lịch tại điểm, truyền tải và quảng bá được nhiều hơn vẻ đẹp truyền thống và con người Hùng Lô đến bạn bè và du khách.

Chị Lã Thị Hồng Thùy đã tự tìm hiểu và trau dồi kiến thức để trở thành HDV du lịch tại điểm, truyền tải và quảng bá được nhiều hơn vẻ đẹp truyền thống và con người Hùng Lô đến bạn bè và du khách.

Nằm trên tuyến du lịch đường sông được đưa vào khai thác từ năm 2015, Hát Xoan làng cổ đã trở thành “đặc sản” hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước liên tục tìm về làng cổ Hùng Lô để trải nghiệm. Nhận thức tiềm năm du lịch to lớn của quê hương, chị Lã Thị Hồng Thùy – cán bộ Văn hóa đồng thời là đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của xã sớm có những suy tư, trăn trở: Tuy các hướng dẫn viên (HDV) du lịch theo đoàn đều rất chuyên nghiệp và có kiến thức sâu rộng về mỗi điểm đến, nhưng nếu chính người Hùng Lô – những người hiểu rõ nhất về mảnh đất này - trở thành HDV du lịch tại điểm thì sẽ truyền tải và quảng bá được nhiều hơn vẻ đẹp truyền thống và con người nơi đây. Với suy nghĩ như vậy, chị Thùy đã tự tìm hiểu về công việc HDV thông qua nhiều hình thức như học hỏi từ các HDV theo đoàn, tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ trong và ngoài tỉnh, tự bổ sung kiến thức về du lịch địa phương từ internet cũng như tìm đến các bậc cao niên trong làng để nghe kể về lịch sử quê hương. Cùng với đam mê và sự cố gắng của bản thân, chị Thùy đã trở thành một HDV chuyên nghiệp, không những thế còn đạt giải Nhì khi thử sức trong cuộc thi “Hướng dẫn viên Du lịch tại điểm tỉnh Phú Thọ năm 2019”. Song song với việc trau dồi bản thân, chị cũng mong muốn có thêm một nguồn lực trẻ được định hướng và đào tạo bàn bản cho công việc này. Vì thế, trong mỗi cuộc họp tại xã hay với các đoàn, hội, khu dân cư, chị luôn tích cực tuyên truyền và kêu gọi mọi người, nhất là các bạn trẻ có năng khiếu tham gia vào công tác quảng bá du lịch bằng cách trở thành các HDV du lịch tại điểm.“Hiện nhóm HDV của xã có khoảng 20 người, đa số là các bạn ĐVTN và học sinh THCS trên địa bàn. Đoàn thanh niên xã thường xuyên lên kế hoạch tổ chức nhiều buổi ngoại khóa nhằm bổ sung kiến thức về du lịch cũng như phân công nhóm tham gia trực tiếp vào công tác đón và dẫn đoàn khi có khách du lịch đến. Đây đều là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu giúp ích cho công tác đào tạo nguồn HDV du lịch trẻ tại địa phương. Cũng là cách mà sức trẻ của địa phương góp phần vào phát triển du lịch.” – chị Thùy chia sẻ.

Các sản phẩm Bambamboo của anh Vũ Anh Văn được đánh giá là hướng đi mới vừa nâng cao giá trị của cây tre Việt, vừa là sản phẩm du lịch tiềm năng của tỉnh.

Các sản phẩm Bambamboo của anh Vũ Anh Văn được đánh giá là hướng đi mới vừa nâng cao giá trị của cây tre Việt, vừa là sản phẩm du lịch tiềm năng của tỉnh.

Không chỉ có chị Thùy, rất nhiều ĐVTN trên địa bàn tỉnh, bằng nhiều hình thức khác nhau đang tham gia vào việc thúc đẩy ngành du lịch tỉnh phát triển. Với tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, các mô hình phát triển du lịch, khởi nghiệp từ du lịch ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn tỉnh, thu hút được nhiều người dân và du khách biết và đến với tỉnh.

Tiêu biểu như: Mô hình cánh đồng hoa Sông Đà xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn của chị Ngô Thị Thanh Hoan, mô hình phim trường hoa ở xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng của chị Nguyễn Thị Bích Hồng hay mô hình vườn hoa hướng dương tại khu 4 xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy của chị Nguyễn Thị Thêm đã thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh.Ngoài hình thức du lịch mới này, nhiều bạn trẻ đã chọn sản phẩm du lịch vừa là hướng đi khởi nghiệp, vừa quảng bá hình ảnh địa phương. Anh Nguyễn Đức Vương, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê và anh Vũ Anh Văn, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy cùng chọn cây tre là hướng phát triển kinh tế. Hiện các sản phẩm mang thương hiệu VNS Bamboo của anh Vương và Bambamboo của anh Văn đã cung ứng cho thị trường mỗi tháng trên 3.000 sản phẩm các loại như: Cốc uống nước, bộ ấm chén, bình đựng nước, ống hút, bút, thớt, thìa, muôi... Hơn nữa, đây cũng là nguồn hàng ổn định của các công ty mây tre đan có tiếng trong nước và xuất khẩu sang các nước Châu Âu, tạo thêm một con đường đưa hình ảnh của tỉnh vươn xa. Hay như anh Bùi Đức Tuyển tại xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, hiện đang ấp ủ ý tưởng sản xuất ra một loại rượu ủ ống tre sẽ trở thành đặc sản của địa phương, ghi dấu ấn trong lòng thực khách gần xa.Bằng cách riêng của mình, tuổi trẻ tỉnh nhà đã và đang có những việc làm ý nghĩa, góp phần xây dựng Phú Thọ trở thành điểm đến thú vị, hấp dẫn trong mắt du khách, bạn bè gần xa. Việc làm này của các bạn đã chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân phát huy tiềm năng du lịch địa phương.

Hiếu Nghĩa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202103/tuoi-tre-dong-hanh-cung-du-lich-dia-phuong-175952