Tuổi trẻ Hà Nam chung tay đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy
Ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây nguy hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã có nhiều giải pháp phối hợp hành động với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong thanh, thiếu niên (TTN), góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy (TNMT).
Xã Đại Cương (Kim Bảng) trước đây luôn được coi là điểm nóng về tội phạm, TNMT. Nhiều năm liền, TNMT trở thành nỗi ám ảnh của không ít gia đình, nhiều người đã lao vào vòng lao lý do tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Theo thống kê của Công an xã Đại Cương, trước năm 2020, trên địa bàn xã có trên 250 đối tượng nghiện ma túy trong diện hồ sơ quản lý. Cá biệt, một số gia đình có đến hai thế hệ nghiện ma túy, trong đó không ít thanh niên đang trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo đảm TTATXH. Trước thực trạng đó, năm 2018, Đoàn Thanh niên xã Đại Cương chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã triển khai mô hình “Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống ma túy”.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực, Đoàn Thanh niên xã Đại Cương phối hợp Công an xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, PBGDPL, nhấn mạnh một số nội dung: tác hại của ma túy, tình hình tội phạm, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy. Đồng thời, thiết lập hòm thư tố giác tội phạm tại các khu dân cư (KDC); tăng cường tuần tra, kiểm tra khép kín, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và TNMT trên địa bàn. Do đó, đến nay tình hình tội phạm, TNMT trên địa bàn xã cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi. Cùng với duy trì hiệu quả hoạt động mô hình “CLB phòng chống ma túy”, từ năm 2019 đến nay, Đoàn Thanh niên xã Đại Cương cũng đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an xã phát hiện, tố giác, đấu tranh, triệt xóa 58 vụ, 154 đối tượng liên quan đến tội phạm, TNMT trên địa bàn.
Anh Dương Văn Biên, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đại Cương chia sẻ: Việc tổ chức đoàn phối hợp với Công an xã thành lập “CLB phòng, chống ma túy” tại các thôn không chỉ góp phần giúp TTN tránh xa ma túy mà còn góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của người dân, động viên người dân tích cực, chủ động, tự giác tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, TNMT.
Ban Thanh niên Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy tại Trường THCS xã Tiến Thắng (Lý Nhân). Ảnh: Quang Huy
Cũng như Đại Cương, xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục) nhiều năm qua được coi là “điểm nóng” về tội phạm, TNMT. Nguyên nhân được xác định do có một số người dân Ngọc Lũ trong khi đi làm ăn xa đã mắc vào TNMT. Khi trở về quê hương, những người này đã mang theo TNMT khiến tình hình an ninh trật tự (ANTT), nhất là tình hình tội phạm, TNMT trên địa bàn xã diễn biến phức tạp. Theo thống kê từ ngành chức năng, thời kỳ cao điểm, xã Ngọc Lũ có hơn 100 người sử dụng ma túy, hàng chục người chết do mắc HIV/AIDS hoặc sốc vì tiêm chích ma túy.
Trước tình hình đó, để góp phần bảo đảm TTATXH, năm 2018, Đoàn Thanh niên xã Ngọc Lũ đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng chống TNMT vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, giao lưu văn nghệ, thể thao. Tại các nhà trường, tổ chức đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống TNMT qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt cuối tuần, nói chuyện chuyên đề và được sân khấu hóa qua các hội thi, hội diễn. Đoàn Thanh niên xã Ngọc Lũ cũng đã triển khai xây dựng mô hình CLB phòng chống tội phạm, TNMT tại các chi đoàn. Nhờ đó, đến nay tình hình tội phạm, TNMT trên địa bàn xã cơ bản đã được kiềm chế và kéo giảm.
Thiếu tá Phạm Đức Sinh, Phó Trưởng Công an xã Ngọc Lũ cho biết: Với sự phối hợp tích cực của đoàn thanh niên và lực lượng Công an xã, tình hình tội phạm, TNMT trên địa bàn xã đã được kiềm chế, giảm mạnh. Từ năm 2022 đến nay, lực lượng Công an xã phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên và các lực lượng đấu tranh, triệt xóa 18 vụ, bắt 26 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Theo thống kê từ ngành chức năng, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 1 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 674 người nghiện đang làm ăn, sinh sống ngoài xã hội, trên 400 người sử dụng trái phép chất ma túy, 314 người đang điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone, gần 200 người nghiện đang ở trong các trung tâm phục hồi chức năng tâm thần và điều trị nghiện ma túy. Nhằm nâng cao nhận thức cho TTN về tác hại của ma túy, góp phần kiềm chế phát sinh tội phạm, TNMT trong lứa tuổi TTN, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Trong đó, coi trọng đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, TNMT thông qua triển khai nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, tổ chức các cuộc thi sân khấu hóa, xây dựng các mô hình CLB giúp đỡ, cảm hóa thanh niên nghiện ma túy, TTN chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tư vấn đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên; kịp thời tuyên dương những tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, TNMT trong TTN.
Năm 2023, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã phát trên 60 nghìn tờ rơi, 418 pano, băng zôn tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức cho 100% cơ sở đoàn ký cam kết thi đua thực hiện cuộc vận động “3 không với ma túy” (không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và TNMT); duy trì 176 CLB giáo dục với pháp luật, 102 tổ, đội thanh niên xung kích an ninh, tuyên truyền phòng, chống ma túy; xây dựng 186 mô hình “KDC không phát sinh TTN mắc TNXH” tại 109/109 xã, phường, thị trấn; phối hợp tổ chức trên 2 nghìn buổi tuyên truyền, PBGDPL, thu hút trên 6 nghìn lượt đoàn viên, TTN, người dân tham gia. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh cũng đã phối hợp giúp đỡ, cảm hóa 600 TTN chậm tiến, tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng, duy trì 206 hòm thư tố giác tội phạm; hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết việc làm cho gần 200 thanh niên chấp hành xong án phạt tù, trong đó trên 30 thanh niên được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đoàn thể giúp đỡ, giáo dục 86 TTN tái hòa nhập cộng đồng; giới thiệu, tạo việc làm cho 112 thanh niên sau cai nghiện.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp bộ đoàn, công tác phòng, chống ma túy trong TTN đã và đang có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần kiềm chế phát sinh tội phạm ma túy trong TTN. Mặt khác, đề cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội đối với việc quản lý, giáo dục TTN trong giai đoạn hiện nay.