'Tuổi trẻ, hãy tự tin phất cờ, cưỡi sóng, hái sao trên trời'
Đào Đức Duy (Duy Đào) là cái tên đang rất 'hot' trên truyền thông thời gian gần đây. Anh là người Việt Nam duy nhất từ trước đến nay được đề cử Giải thưởng Grammy, cũng là đại diện duy nhất và đầu tiên của các nước Đông Nam Á được đề cử hạng mục 'Thiết kế ấn phẩm đặc biệt xuất sắc nhất'.
Trước khi lọt vào top 5 đề cử giải thiết kế tại Grammy 2023, Đào Đức Duy từng giành nhiều giải thưởng uy tín thế giới trong lĩnh vực thiết kế như: 3 lần đoạt giải thưởng của Art Director Club of New York, 2 lần đoạt giải thưởng International Design Award (Giải thưởng Thiết kế quốc tế toàn cầu), 4 lần đoạt giải thưởng của Type Director Club (Hiệp hội Thiết kế nghệ thuật chữ) và 2 lần đoạt giải Adobe Achievement Award (Thành tựu Adobe)...
Tự do trong sáng tạo và độc lập trong suy nghĩ
PV: Cảm xúc khi ngủ qua một đêm trở dậy đã thành người nổi tiếng, báo chí khắp nơi tìm đến để phỏng vấn, anh thấy thế nào?
Đào Đức Duy: (Cười...). Bố tôi từng nói với tôi rằng, nên phân biệt sự khác nhau giữa nổi tiếng và nhẵn mặt. Tôi muốn nổi tiếng bằng những sáng tạo, những sản phẩm của mình chứ không phải vì xuất hiện nhiều trên báo chí. Tôi cũng luôn hiểu khả năng của mình ở đâu và sẽ luôn cố gắng hơn, đề cử này không làm tôi giỏi lên.
PV: Khi thiết kế album cho “Ngọt”, ngay từ đầu anh đã nghĩ đến chuyện sẽ làm một thứ gì đó thật sáng tạo, có thể gửi nó đi thi đấu để mang về một giải thưởng danh giá nào đó, hay đơn thuần anh làm một công việc chuyên nghiệp và mọi thứ tự nhiên... tình cờ cứ thế đến với anh?
Đào Đức Duy: Bất cứ dự án nào, tôi đều cố gắng làm tốt nhất có thể. Tất nhiên, có những dự án mình chỉ có thể được làm đúng chứ không cần làm hay. Có những dự án sẽ cho tôi sáng tạo, thậm chí rất lãng mạn và nhiều cảm xúc. “Ngọt” để tôi được độc lập trong suy nghĩ và tự do trong sáng tạo. Với tôi, đó là những điều xa xỉ nhất trong lúc làm việc. Tôi và đồng đội nghiên cứu những tác phẩm được đề cử giải Grammy, xem chuẩn mực của “nhất thế giới” thì nó thế nào. Và, tôi muốn làm tốt nhất có thể trong khả năng của ekip, cùng những tiêu chuẩn khắt khe của bản thân. Nếu không được đề cử hay giải thưởng thì chỉ cần biết rằng sản phẩm của nhóm mình khi đặt cạnh cũng không thua kém bất kỳ thiết kế được giải. Việc được giải hay không còn nhiều yếu tố, mình không tính toán trước được.
PV: Điều khiến anh hài lòng nhất ở bản thiết kế mỹ thuật của “Gieo” là gì? Và, chắc hẳn, anh muốn truyền tải một thông điệp nào đó?
Đào Đức Duy: Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là nó Tồn Tại. Có rất nhiều ý tưởng hay nhưng vì nhiều lý do, chúng ta không “chạm” vào được vì nó chưa được tồn tại. Các fan của “Ngọt” là những người trẻ, họ mua album vì muốn được chạm tay vào album như chạm vào một cảm xúc âm nhạc được hữu hình quá, chứ không đơn thuần là để nghe nhạc. Album “Gieo” ra mắt sau đại dịch COVID-19, khi ban nhạc đã dừng hoạt động một thời gian dài. Tôi rất thích câu nói của nhóm trưởng Vũ Đình Trọng Thắng rằng, muốn viết nhạc trẻ con cho người lớn, đó là tinh thần lạc quan, trong trẻo, hồn nhiên của tuổi trẻ. Tôi không phải là fan cứng của “Ngọt” nhưng muốn truyền tải năng lượng ấy vào thiết kế. Tôi cũng muốn nó đặc biệt, như sự tồn tại của một ban nhạc mang tên “Ngọt” trong giới âm nhạc Việt ấy.
PV: Như vậy, có những dự án anh sẽ không thích nhưng vẫn nhận lời làm. Với một người làm thiết kế chuyên nghiệp, nếu không thích anh sẽ làm nó với tâm thế nào?
Đào Đức Duy: Với “Ngọt”, dù tôi không nghe nhiều nhưng chúng tôi có sự đồng cảm của tuổi trẻ khi sống cùng thế hệ với nhau, nên dễ kết nối hơn. Ngoài thiết kế album, tôi còn thiết kế rất nhiều thứ khác, nên nhiều lúc tôi phải chọn lọc. Có những dự án, chưa làm tôi đã biết là nó sẽ không bao giờ thuộc về mình và sẽ từ chối để những dự án đấy cho người khác. Còn phần lớn thì tôi luôn muốn bắt đầu tâm thế mình chưa biết gì cả, tìm hiểu kĩ thì mình sẽ có thêm những kiến thức và góc nhìn mới để làm tốt. Tôi luôn cố gắng tìm kiếm những vẻ đẹp và sự lãng mạn trong từng dự án để hoàn thiện nó một cách hay nhất có thể.
PV: Nhắc đến Grammy là nhắc đến các sản phẩm âm nhạc, ở đó mọi chú ý dường như đổ dồn vào âm nhạc. Anh nghĩ gì về Giải thưởng Thiết kế mỹ thuật của Grammy? Không riêng anh mà với thế giới, với những người yêu âm nhạc thì giải thưởng đó có ý nghĩa gì?
Đào Đức Duy: Grammy là giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, ra đời năm 1959, họ tôn vinh tất cả những gì liên quan đến âm nhạc và từ lâu, họ đã rất chú trọng về thiết kế, “Nghe - nhìn” mà. Tôi được đề cử với vai trò là Giám đốc Nghệ thuật cho thiết kế album “Gieo”. Vì là một trong những giải thưởng âm nhạc lớn nhất thế giới nên họ muốn tôn vinh sự cộng hưởng sáng tạo của nghệ sĩ ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi hạnh phúc vì nó được một hội đồng ngoại ngành thừa nhận, điều này thực sự ý nghĩa với tôi. Tôi không thể làm cho âm nhạc hay hơn nhưng sẽ cố gắng làm cho mối quan hệ cộng sinh giữa người nghe nhạc và người làm nhạc có một chút gắn bó hơn, tạo nên hệ sinh thái đa dạng và tình cảm.
PV: Có phải anh là người hay đi săn giải không khi đã sở hữu trong tay cơ số bộ sưu tập giải quốc tế khá là “đáng gờm”? Anh có thể chia sẻ một chút về những giải thưởng trước đây anh từng đạt được?
Đào Đức Duy: Tôi không săn giải. Tôi chỉ săn những tiêu chuẩn của những người đã thắng giải. Được giải cũng giúp tôi làm được nhiều việc hơn. Những năm làm việc ở Mỹ, chỉ những giải thưởng thiết kế mới giúp tôi ở lại California làm việc dưới một diện visa đặc biệt. Nhưng, được giải thì cũng có nhiều ý vui. Ví dụ như tôi đã đoạt giải thưởng của TDC (Hiệp hội Thiết kế chữ) và được in sách “Những thiết kế chữ đẹp nhất thế giới” sau khi có giải. Lần đầu tôi biết giải này là từ cấp 3. Tôi trốn học ra Viện Goethe một mình xem triển lãm của giải thưởng đó, họ triển lãm các tác phẩm đoạt giải mỗi năm, học hỏi từ nhiều tác phẩm đến từ cộng đồng châu Âu và châu Mỹ. Mỗi lần đi đều thấy hơi cô đơn vì không có người Việt trong đó. Rồi khi mình cũng được giải và triển lãm, tôi đã rất vui. Có thể sẽ giúp các bạn trẻ giống mình hồi xưa, lạc quan và cố gắng hơn. Tôi thích điều đó hơn cả mấy cái bằng khen. Thường mỗi khi được giải, tôi sẽ quên luôn để bắt đầu một dự án mới. Với tôi dự án tiếp theo luôn là dự án tốt nhất. Tốt nhất với tiêu chuẩn cá nhân tôi thì đấy là tự thắng giải của bản thân mình rồi.
PV: Anh nghĩ sao với hai tình huống ở Grammy 2024, mình chỉ được đề cử mà không thắng giải. Và, anh thắng giải?
Đào Đức Duy: Tôi thấy như nhau (cười...). Thắng giải vui hơn, nhưng không thắng cũng không sao. Và, với tôi như vậy là đã thắng rồi. Tôi và đồng đội đã cố gắng hết sức trong thời điểm làm rồi nên không có gì để nuối tiếc.
Tôi đang bước tiếp hành trình của ông nội và bố
PV: Có thể gọi anh là đứa trẻ sinh ra ở vạch đích? Gia đình anh có hai thứ quan trọng nhất, đó là tên tuổi và truyền thống. Hai yếu tố hội tụ cần và đủ để một hậu duệ như anh tiếp tục con đường tìm kiếm thành công.
Đào Đức Duy: Tôi thấy may mắn và biết ơn gia đình. Nhưng, tôi không nghĩ có ai sinh ra ở vạch đích cả. Vạch đích ở đâu là do mình, phụ thuộc toàn bộ vào suy nghĩ và lòng tự trọng của mỗi người. Điều quan trọng là mình sẽ làm gì lúc tồn tại. Nhiều người cho rằng, tôi sinh ra đã rất gần đích rồi, nhưng đó là đích của các bạn ấy áp đặt cho tôi, còn đích tôi tự đặt cho mình thì còn xa lắm. Thậm chí, tôi còn có nhiều đích chứ không phải một. Nhiều cái đích mà bố và ông tôi đạt được thì tôi còn chưa chạm tới. Ở nhà, tôi chẳng giỏi nhất cái gì. Thiết kế chưa giỏi hơn ông và cũng không “nghệ” như bố. Và, nếu tôi không muốn thua kém những người giỏi khác mà tôi biết, thì những cái đích của tôi vẫn còn quá xa. Quan trọng là tôi không dừng lại thì kiểu gì cũng sẽ về đích.
PV: Anh có bao giờ cảm thấy áp lực không? Và, áp lực đầu tiên không phải từ đâu xa xôi mà ngay trong một gia đình khi là cháu nội của NSND Đào Đức hay là con trai của họa sĩ Đào Hải Phong?
Đào Đức Duy: Tôi luôn tự áp lực cho mình, không phải vì danh tiếng của ông và bố mà vì tôi là người có lòng tự trọng. Hồi quyết định sang Mỹ học đại học, ở một môi trường quốc tế toàn người giỏi, tuổi trung bình của năm nhất là 26 tuổi, rất ít có sinh viên từ cấp 3 lên. Tôi là sinh viên trẻ nhất khóa tôi và cũng là người Việt duy nhất ở trường năm đó. Bố không muốn tôi áp lực nên dặn rằng, nếu con thua kém các bạn và đạt điểm 6-7 là được rồi. Nhưng, tôi nhớ ông nội tôi từng dạy bố rằng, điểm 6-7 trong sáng tạo là vứt đi. Tôi không muốn điều ấy nên hay thức học và làm những lúc các bạn nước ngoài ngủ. Tôi cũng bị phạt nhiều lần vì “giữ” sách của thư viện quá hạn. Trường tôi mỗi năm đều tổ chức các cuộc thi nhằm nhặt ra top 3 người giỏi nhất để trao thêm học bổng, nên năm nào tôi cũng cố gắng để đạt thành tích đó. Tôi có chia sẻ với bố rằng, những thứ bố và tôi đang làm là những điều ông nội muốn làm nhưng hồi đó không có cơ hội được làm. Ông tôi, NSND Đào Đức là sinh viên của khóa Mỹ thuật Kháng chiến của danh họa Tô Ngọc Vân, nơi nổi tiếng sinh ra nhiều tài hoa của nước nhà. Ông tôi rất giỏi và có gu. Ông đặc biệt yêu hội họa và thích vẽ, nhưng thời đó ông phải lái sang điện ảnh để sống. Bố tôi kể rằng, ông thường tranh thủ vẽ sau giờ làm việc, càng về sau ông càng ít ký tên vào tranh vì nhiều bức tranh, đối với ông, luôn dở dang. Ông đi làm chỉ đạo nghệ thuật cho phim và dạy bố, hướng bố theo hội họa. Trong lĩnh vực thiết kế, ông cũng có giải quốc tế. Hồi đó làm thiết kế chưa thành nghề như tôi bây giờ nhưng tôi chắc chắn có gen của ông. Khi nhận ra rằng tôi đang tiếp nối trên hành trình của ông, tôi cũng thấy có chút áp lực, nhưng là những áp lực tích cực giúp tôi không ngừng sáng tạo trên con đường của mình. Giày xỏ có hơi rộng thì khi trưởng thành hơn sẽ có lúc vừa.
PV: Anh nói gì về nghệ thuật của ông nội anh, bố anh và những di sản gia đình anh để lại. Có bao giờ xem lại những bộ phim kinh điển của ông nội anh làm, hay nghiên cứu về hội họa của bố không? Anh nghĩ gì về những thành công của họ?
Đào Đức Duy: Với hội họa của bố, điều tôi trân trọng nhất là sự thật lòng trong từng tác phẩm. Với tôi, trong nghệ thuật là nghệ sĩ phải thật lòng với chính bản thân mình. Tôi biết con đường của bố và quãng đường bố đến với một tác phẩm. Bố tôi biết rõ thế mạnh của mình và phát huy tối đa thế mạnh đó. Còn ông tôi là một người đa tài nhưng do điều kiện thời đó không thể đi đến những đích mà ông muốn. Cuộc đời ông như ngọc trong đá, thời đó những thứ ông đam mê thì lại không có đất dụng võ. Ông phải làm một nghề mà theo tôi là tay trái của ông, thế rồi vẫn tiên phong và đạt tới đỉnh cao. Tôi tiếc cho ông, nhưng tôi chuyển hóa sự tiếc nuối đó thành năng lượng, động lực để tôi đi tiếp hành trình. Có một bộ phim về ông nội mà tôi vẫn chưa dám xem, tôi chờ khi nào tôi về đích rồi mới xem. Tôi nhớ, trong phim ông dắt tôi khi còn bé đi hết cái ngõ nhà mà bây giờ chính ngôi nhà ấy trở thành studio của tôi. Điều này rất ý nghĩa và lãng mạn. Tôi thích tìm những điều lãng mạn như thế trong cuộc sống.
PV: Những giá trị mà cha ông đã tạo ra trong quá khứ vẫn nguyên vẹn nhưng những người trẻ như anh có học, ứng dụng nó trong sáng tạo nghệ thuật đương đại hiện nay không?
Đào Đức Duy: Điều tôi học được không phải là thành quả cuối cùng của thế hệ đi trước mà tôi học tâm thế và hành trình họ đã đi. Như cách ông tôi làm phim, thành quả không phải là một thiết kế mỹ thuật mà tôi sẽ học cách ông đã vượt qua bản ngã, chướng ngại vật như thế nào để đến với tác phẩm. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong một hoàn cảnh khác, nhưng chướng ngại vật thời nào cũng có, việc phải vượt qua ai cũng phải làm. Ông tôi là một cái cây cao lớn, bố tôi trèo lên rồi chọc trời chạm mây. Còn tôi thì muốn nhảy từ mây lên hái trăng, hái sao.
Cộng đồng thiết kế Việt Nam đang mạnh lên nhiều
PV: Anh được học ở ngôi trường danh tiếng tại Mỹ và có 10 năm sinh sống và làm việc ở đó, gặt hái những thành công bước đầu, có cơ số giải thưởng, có nhiều cơ hội làm việc với các “ông lớn” thế giới... Tại sao anh không làm công dân Mỹ mà lại trở về Việt Nam?
Đào Đức Duy: Nhiều người đi Mỹ tìm giấc mơ Mỹ, còn tôi đi Mỹ để thấy rằng, giấc mơ Mỹ hóa ra ở Việt Nam. Tôi nghĩ ở đâu có cơ hội thì ở đó có giấc mơ. Nhiều người cho rằng, ở đây khó khăn, còn tôi nhìn thấy đó là cơ hội. Tôi muốn tìm những điều có ý nghĩa ở Việt Nam. Ở Mỹ, chắc tôi sẽ phải đi làm thuê rất lâu cho người Mỹ. Nhiều tác phẩm do chính tôi hoặc các đồng nghiệp quốc tế khác làm nhưng không ai biết. Tôi nhớ hồi đi học, tôi đọc sách và thấy rất nhiều thiết kế ở châu Á được làm ra bởi người châu Á, ví dụ như logo của SONY được thiết kế bởi người Nhật và sách in rõ tên studio và ekip tiếng Nhật. Nhưng, xem rất nhiều sách không tìm thấy studio hay tác giả Việt nào. Và, tôi muốn thay đổi điều đó cùng thế hệ mới trong nước. Đó là lý do tại sao tôi trở về Việt Nam, tôi có mặt tại đây và bắt đầu giấc mơ phất cờ ở quê hương mình.
PV: Làm việc cả ở Mỹ và ở Việt Nam, anh có bị “sốc” văn hóa không? Anh đánh giá thế nào về công nghiệp sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế hiện nay?
Đào Đức Duy: Tôi ở đâu cũng giữ một tâm thế vững vàng nên không có chuyện bị sốc văn hóa. Cộng đồng sáng tạo Việt Nam đang mạnh lên. Mọi người đang rất cố gắng và nhanh cập nhật để không thua kém. Bây giờ, các sản phẩm sáng tạo không so sánh giữa Việt Nam với nhau nữa mà chúng ta mang ra so sánh với thế giới. Mảng thiết kế sáng tạo chắc chắn sẽ được đầu tư sâu hơn. Nhiều người làm sáng tạo hay nhìn xung quanh xem mọi người làm gì. Còn tôi thì ngược lại, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào bản thân. Không quan trọng mọi người thích gì, quan trọng là mình thích gì. Những điều mình thích và coi là hay thì sẽ tạo nên góc nhìn riêng trong sáng tạo.
PV: Anh nói rằng, anh hướng tới những sản phẩm toàn cầu nhưng mang ngôn ngữ Việt Nam. Vậy, anh có mang cái “triện” Việt Nam vào trong tất cả sản phẩm của anh không?
Đào Đức Duy: Tùy đối tượng và sản phẩm để tôi chia sẻ câu chuyện của mình. Có những sản phẩm sẽ dùng yếu tố Việt Nam, có những sản phẩm tôi không dùng nhưng nó vẫn toát ra phong vị ấy vì tôi là người Việt. Tất nhiên, dùng yếu tố bản địa phải như thế nào để nó không nuốt mình là điều rất quan trọng. Tôi kiểm soát tốt điều đó, giống như một người biết dùng cả tuốc-nơ-vít, lẫn cưa, hay búa vậy. Vừa rồi, tôi đã thiết kế cho một người rất yêu các giá trị Việt Nam, nên tôi chọn dùng chất liệu là gốm hoa nâu. Tuy nhiên, tôi không sao chép nguyên bản gốm lên sản phẩm của mình mà cách tân đương đại hơn, tự hỏi nếu làm điều đó ở thời điểm này thì sẽ như thế nào. Tôi may mắn được lớn lên trong một gia đình mà những giá trị truyền thống phủ kín. Những giá trị ấy ngấm vào tôi từ bé khi tôi không chủ động ý thức về nó. Tôi thấy may mắn vì mình đã, đang và luôn sống trong thế giới đấy và sẽ cố gắng mở rộng nó để cùng chia sẻ với những người xung quanh. Tôi tin rằng những giá trị cốt lõi đó luôn phục vụ những giá trị sáng tạo của mỗi người.
PV: Hai năm về Việt Nam, với mục tiêu chỉ làm những sản phẩm của người Việt, với anh có những trải nghiệm nào đáng nhớ?
Đào Đức Duy: Ngoài dự án “Gieo” gần đây, có lẽ trải nghiệm lãnh đạo dự án thiết kế thương hiệu Vinamilk là tôi tự hào gần nhất. Tôi rất vui vì đã mời được nhiều đồng nghiệp nổi tiếng quốc tế đến Việt Nam và cùng xây dựng một giá trị cho người Việt. Trước đây, chúng ta chỉ mới dám nghĩ tới xuất khẩu chất xám, còn bây giờ chúng ta có thể nhập khẩu chất xám. Một thương hiệu vươn đến quốc tế bắt đầu từ Việt Nam sẽ luôn khác một thương hiệu quốc tế bắt đầu từ nước khác. Bố tôi có nói với tôi rằng, chỉ người Việt mới tôn trọng các giá trị của người Việt. Và, tôi thấy may mắn khi được đóng góp cho một giá trị của người Việt.
PV: Tôi thấy anh nhắc nhiều đến sự lãng mạn trong những tác phẩm thiết kế cũng như trong đời sống, như là một sợi chỉ xuyên suốt hành trình sáng tạo của anh. Với anh, sự lãng mạn có ý nghĩa thế nào?
Đào Đức Duy: Đơn vị đo lường trong đời sống cũng như sáng tạo của tôi được tính bằng sự lãng mạn và điều này có nhiều tầng cảm xúc hơn chỉ là tình yêu đơn thuần. Như việc tôi làm tiếp công việc của ông nội cũng có tính lãng mạn. Nếu tìm được sự lãng mạn trong các việc mình làm thì đó sẽ luôn là một nguồn động lực dồi dào. Cuộc sống luôn tự kể những câu chuyện thú vị, để khi mình nhận ra, sẽ kể những câu chuyện đấy cho khán giả của mình. Tôi luôn cố tìm những câu chuyện trong tất cả những điều tôi làm. Với tôi, đó là sự lãng mạn mà tôi luôn theo đuổi.
PV: Cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của anh.
Đào Đức Duy sinh ra trong một gia đình truyền thống về nghệ thuật. Ông nội anh là NSND Đào Đức, người từng nhiều lần đoạt giải xuất sắc trong thiết kế phim nhựa cho những bộ phim kinh điển của Việt Nam như “Đến hẹn lại lên”, “Mối tình đầu”, “Đêm hội Long Trì”... Năm 1970, ông là một trong những người Việt Nam vinh dự đoạt giải thưởng thiết kế áp-phích quốc tế tại Ba Lan. Bố anh là họa sĩ nổi tiếng Đào Hải Phong, một họa sĩ tự do có nhiều triển lãm thành công trên thế giới. Năm 2000, khi sang Việt Nam, gia đình Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chọn một bức tranh của họa sĩ Đào Hải Phong cho bộ sưu tập và treo trong dinh thự riêng tại Washington DC.
Đào Đức Duy tốt nghiệp cử nhân bằng xuất sắc tại Art Center College of Design (Mỹ) - top 10 trường chuyên thiết kế thế giới và có 10 năm sống, làm việc tại đó. Anh cũng đã hợp tác với nhiều thương hiệu toàn cầu như: Google, Facebook, Pinterest, Twitter, Oppo, Logitech và rất nhiều bảo tàng cũng như trung tâm nghệ thuật đương đại tại Los Angeles (Mỹ).