Tuổi trẻ làm giàu từ nông nghiệp sạch
Hiện nay, các HTX trên cả nước đang từng bước trở thành nhân tố tích cực tham gia vào việc phát triển kinh tế xã hội. Nhiều HTX do thanh niên làm lãnh đạo đã đạt hiệu quả, xây dựng được các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, đem lại giá trị kinh tế, chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Những thành công trong phát triển nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị đang tạo nên bước chuyển nhanh trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, góp phần hình thành nhiều HTX, mô hình sản xuất có hiệu quả cao.
Nâng cao đời sống từ nông nghiệp sạch
Tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, mô hình trồng rau của HTX Rau an toàn Chiến Thắng, xã Thiện Phiến đã hoạt động hiệu quả theo hướng liên kết, hỗ trợ người dân địa phương trong quá trình sản xuất. Cũng từ đây, bà con nông dân đã thoát nghèo nhờ đi đúng hướng, nhiều hộ đang vươn lên làm giàu.
Hiện nay, HTX đã đầu tư xây dựng được hơn 12 nghìn m2 nhà lưới, 1 nghìn m2 nhà màng cùng 4ha diện tích sản xuất.
Bên cạnh đó, HTX đang thực hiện liên kết hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các loại rau, củ, quả cho 28 hộ nông dân trong xã với tổng diện tích trên 20ha.
Để điều hành và quản lý quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên tất cả diện tích sản xuất cho HTX, ngay khi hướng tới mục tiêu cùng phát triển, các thành viên của HTX và các hộ nông dân tham gia liên kết đều đã trải qua các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch…
Đặc biệt, HTX luôn kiểm soát chặt chẽ, tập huấn cho người lao động và đảm bảo việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học bảo đảm theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.
Anh Phạm Văn Khôi, Giám đốc HTX cho biết, từ những trăn trở về việc thoát nghèo, cùng ổn định cuộc sống, giờ đây nhiều hộ gia đình đã ấm no, có công ăn việc làm, đầu tư hơn về giáo dục cho thế hệ sau, anh mới thấy nhẹ lòng khi mình đã dám “liều” để đi đúng hướng.
Nhắn nhủ tới các bạn trẻ muốn khởi nghiệp làm giàu, anh Khôi cho rằng: “Điều quan trọng nhất khi làm bất cứ công việc gì là chữ Tâm. Từ cái tâm muốn đạt được mục đích đề ra, đến chất lượng sản phẩm tới tay người dân. Và quan trọng hơn hết là việc không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn cả cộng đồng”.
Anh cũng cho biết thêm, nhiều người làm việc tại HTX thuộc hộ nghèo và cận nghèo trước đây, giờ đều đã thoát khỏi danh sách đó. Chính vì vậy, niềm vui lớn nhất của anh cũng là chung tay góp phần vào chiến dịch giúp dân thoát nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.
Chị Đào Thị Lan, người dân xã Thiện Phiến hiện đang liên kết sản xuất với HTX cho biết: “Khi chưa tham gia liên kết sản xuất với HTX, gia đình tôi sản xuất và tiêu thụ rau theo hình thức tự do. Nhà sản xuất được loại rau nào thì mang ra chợ hoặc xuất bán cho thương lái loại rau đó nên giá bán không được ổn định, thu nhập cũng bấp bênh. Tuy nhiên, hiện nay, khi đã tham gia liên kết với HTX, gia đình tôi được tiếp cận với phương pháp sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, được HTX thu mua rau, củ, quả sau thu hoạch với giá bán ổn định nên tôi có thêm điều kiện để mở rộng, phát triển sản xuất, thu nhập hiện nay cao hơn 1 - 1,5 triệu đồng/sào/vụ so với trước đây khi tự xuất bán, nhờ đó thu nhập của gia đình tôi đã ổn định hơn trước”.
Liên kết vùng trồng tạo ra sản phẩm sạch
Bằng việc liên kết vùng trồng với nông dân tạo ra sản phẩm nông sản sạch, anh Hồ Việt Hoàng, Giám đốc HTX Hoàng Nam Phát, xã Gia Xuyên, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã thành công vươn lên làm giàu cho bản thân và đem lại công ăn việc làm hàng nghìn hộ dân.
Anh Hồ Việt Hoàng chia sẻ, khởi nghiệp ở trong lĩnh vực nông nghiệp sạch là một hành trình đầy gian nan bởi đòi hỏi người khởi nghiệp cần phải có cả tâm lực cũng như nguồn lực để theo đuổi đam mê. Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một nâng cao thì an toàn thực phẩm sẽ được người tiêu dùng quan tâm.
Người tiêu dùng ngày càng ý thức quan tâm về nạn thực phẩm bẩn tràn lan, nhìn bề ngoài rất khó để phân biệt loại rau củ quả đẹp mắt được bày bán có phun chất kích thích hay không? Nghĩ là làm, anh Hoàng luôn tự đặt cho mình mục tiêu khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ cần phải biết chắc sản phẩm an toàn.
Với cái tâm và đam mê phát triển ngành nông sản, hiện tại, HTX Hoàng Nam Phát đã tiêu thụ nội địa 10.000 tấn rau/năm cho các siêu thị và chợ đầu mối. Bên cạnh đó, Công ty của anh Hoàng cũng đã xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia… sản lượng lên đến hàng nghìn tấn.
Hay như mô hình của anh Lục Vân Anh, người dân tộc Tày, Giám đốc HTX Sáu không Farm, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái có mục tiêu mang đến người tiêu dùng sản phẩm sạch: Không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, giống biến đổi gien, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ và không canh tác trên vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm.
Anh Lục Vân Anh chia sẻ: “Mình khởi nghiệp hơi muộn so với tuổi. Nhưng phải làm thôi, đất rộng như thế này mà chỉ trồng ngô với sắn theo phương pháp truyền thống thì bao giờ mới giàu được”.
Đến nay, HTX đã xây dựng hệ thống nhà màng, nhà kính trên diện tích 5.000m² theo nguyên tắc 6 không. HTX còn liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Lục Yên cung cấp rau cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị, đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
HTX Sáu không Farm còn thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, như tạo việc làm trực tiếp cho 25 lao động là thanh niên nông thôn với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng, 10-15 lao động thời vụ, hỗ trợ 15 hộ liên kết trong sản xuất và đầu ra.
Để nông thôn không còn hộ nghèo
Anh Cảnh Chí Quân, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn chia sẻ, để nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống", văn minh, xanh, sạch, đẹp thì cần phải tập trung hướng tới phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.
Trong đó, cần tập trung vào đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, có các chính sách để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho hay, các địa phương cần tiến hành rà soát, cân đối các loại quỹ đất ở, đất sản xuất để bố trí cho những hộ nghèo có nhu cầu đất ở, đất sản xuất phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, lựa chọn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp lợi thế của mỗi địa phương để nhân rộng, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hưởng ứng "phong trào thi đua vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" để giúp các hộ nghèo thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và có điều kiện tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản trong cuộc sống.