Tuổi trẻ ngành than: Tích cực thi đua sáng tạo

Phong trào sáng tạo trẻ trong ngành than diễn ra sôi nổi trong thời gian qua đã thu hút nhiều công nhân, kỹ sư trẻ tham gia nghiên cứu, triển khai các ý tưởng cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn cho người lao động.

Trước đây, công việc tổng hợp sản lượng, đánh giá các chỉ tiêu hàng ca, hàng ngày của Phòng điều khiển sản xuất (Công ty CP Than Đèo Nai) đều thực hiện trên nhiều loại sổ sách làm tốn chi phí in và lưu trữ tài liệu. Ngoài ra, các số liệu thống kê, báo cáo, tổng hợp... ngày càng nhiều nhưng lại tính bằng phương pháp thủ công nên độ chính xác không cao và mất nhiều thời gian. Việc các đơn vị báo sản lượng cuối ca thực hiện bằng hình thức gọi điện thoại dẫn đến dễ nhầm lẫn do đọc, nghe nhầm hoặc ghi nhầm tốn nhiều thời gian.

Áp dụng tin học hóa trên khai trường mỏ lộ thiên

Áp dụng tin học hóa trên khai trường mỏ lộ thiên

Từ những hạn chế trên, anh Phạm Văn Luân -Phòng Điều khiển sản xuất đã áp dụng tin học hóa, đổi mới cách làm việc, tăng hiệu quả quản lý và điều hành sản xuất trực tiếp trên khai trường mỏ lộ thiên. Thực tế khi áp dụng tin học hóa trực tiếp trên khai trường mỏ lộ thiên thì toàn bộ sổ sách được thay thế bằng các bảng biểu, trong bảng biểu sử dụng các hàm tính toán từ cơ bản đến nâng cao và được liên kết với nhau. Qua đó giảm được thời gian làm việc, nâng cao độ chính xác và giúp ích cho công tác điều hành sản xuất.

Hiện nay, Công ty Than Quang Hanh đang tiến hành đào lò chuẩn bị khai thác dưới mức -50m. Với sản lượng khai thác, khối lượng mét lò đào lớn, các diện bắt đầu xuống sâu, điều kiện địa chất phức tạp; công tác vận tải thông gió trong quá trình đào lò khai thác gặp nhiều khó khăn; số lượng thiết bị huy động tăng kéo theo yêu cầu về nhân lực vận hành quản lý tăng theo.

Tại một số vị trí các gương lò (Phân xưởng khai thác 2, 3 và Phân xưởng khai thác 8) đang phải lắp đặt các dây chuyền vận tải than liên tục trong đường lò bằng băng tải, máng cào. Mỗi phân xưởng phải bố trí 12 người/ca sản xuất. Từ các điều kiện khó khăn trên, nhóm tác giả trẻ: Phùng Văn Đức, Lê Công Tiến, Phạm Ngọc Thuân (Công ty Than Quang Hanh) đã tính toán thiết kế, lập trình và lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển tập trung tự động hóa cho thiết bị vận tải tại các gương đào lò và thiết bị vận tải trong gương lò có nhiều thiết bị.

Theo tính toán, chi phí thiết kế và lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển tập trung tự động hóa các thiết bị vận tải trong mỏ hầm lò mất hơn 600 triệu đồng, tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ đồng so với giá mua vật tư bên ngoài và thuê lắp đặt. Giữa năm 2019, sáng kiến thiết kế hệ thống giám sát, điều khiển tập trung tự động hóa các thiết bị vận tải trong mỏ hầm lò được đưa vào áp dụng trong các gương lò tại 3 phân xưởng.

Sau hơn một năm áp dụng hệ thống giám sát, điều khiển tập trung tự động hóa các thiết bị vận tải trong mỏ hầm lò đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các phân xưởng đã giảm số lao động gián tiếp vận hành (12 người/ca sản xuất). Đồng thời còn tăng năng suất lao động, giảm sự cố thiết bị ách tắc sản xuất. Thời gian tới, nếu sáng kiến này được Tập đoàn Công nghiệp than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) áp dụng nhân rộng ra nhiều đơn vị khác sẽ mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Thời gian tới, xác định công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn là chìa khóa quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm vật tư tiêu hao, giảm giá thành sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường, TKV sẽ đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, từ đó đưa nhiều sáng kiến hơn nữa áp dụng vào thực tiễn.

Mỗi năm, tuổi trẻ ngành than đóng góp trên 500 ý tưởng và sáng kiến. Hầu hết các ý tưởng, sáng kiến đều thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng vào thực tế sản xuất và nhân rộng đến các đơn vị, cải thiện điều kiện làm việc, tiết giảm chi phí, nhân công… đã được áp dụng tại đơn vị và hoạt động an toàn, hiệu quả.

Hoàng Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tuoi-tre-nganh-than-tich-cuc-thi-dua-sang-tao-146552.html