Tuổi trẻ Sóc Trăng tích cực 'số hóa' các di tích lịch sử, quảng bá văn hóa, du lịch
Chỉ cần cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, mở tính năng và quét mã QR là tra cứu ngay thông tin các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đó là kết quả của các công trình thanh niên 'số hóa' các di tích lịch sử, quảng bá văn hóa, du lịch, được các cấp bộ đoàn trong tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện trong thời gian qua. Tính đến nay đã có 21 công trình 'số hóa' với trên 30 di tích, địa chỉ đỏ và điểm du lịch. Con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh (9/7/1993 - 9/7/2023) nay là Đoàn ủy Dân Chính Đảng, Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Thị đoàn Ngã Năm ra mắt 3 công trình thanh niên Tra cứu thông tin Di tích văn hóa, lịch sử Miếu Bà Chúa Xứ, Tượng đài Chiến thắng Chi khu Ngã Năm, Pháo đài thị xã Ngã Năm. Ngôi Miếu Bà Chúa Xứ lưu dấu sự ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng - Chi bộ Mỹ Quới. Tượng đài Chiến thắng Chi khu Ngã Năm là nơi đánh dấu sự trưởng thành của Đảng bộ Sóc Trăng và quân dân Thạnh Trị - Ngã Năm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Còn công trình pháo đài là địa chỉ đỏ, nơi mà lực lượng du kích Ngã Năm từng xây dựng pháo đài nhằm quan sát Chi khu Ngã Năm và các đội hình của địch để bắn tỉa, khống chế không cho địch ra ngoài bắn phá, giết hại đồng bào ta.
Bí thư Thị đoàn Ngã Năm Phan Văn Đức thông tin, những địa điểm này thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử khi đến thị xã Ngã Năm. 3 công trình thanh niên số hóa điểm di tích lịch sử mang đến tiện ích cho du khách. Thao tác dễ dàng, nhanh chóng, những thông tin về 3 địa điểm trên sẽ hiện lên đầy đủ trên điện thoại thông minh.
Huyện Trần Đề là huyện điểm chuyển đổi số của tỉnh, nên tuổi trẻ Trần Đề có những hoạt động thiết thực, góp sức đưa “làn sóng” chuyển đổi số mở rộng và mạnh mẽ. Trong đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã thực hiện công trình thanh niên cấp huyện năm 2023 “Số hóa giới thiệu di tích văn hóa các chùa đồng bào dân tộc Khmer”. Trước khi bắt tay thực hiện công trình này, Ban Thường vụ Huyện đoàn cùng với ban quản trị và trụ trì chùa xây dựng, biên tập, thẩm định tính chính xác về nội dung tin, bài liên quan các địa điểm dự kiến sẽ gắn mã QR. Tiếp đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp với VNPT Chi nhánh huyện Trần Đề tổ chức thực hiện và bàn giao các công trình số hóa.
Bí thư Huyện đoàn Trần Đề Trần Quốc Thái thông tin: “Đến thời điểm hiện tại, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp cùng VNPT Chi nhánh huyện Trần Đề và ban quản trị các chùa: Sê Rây Pô Thi Đơm Pô; Sê Rây Ta Mơn, Monyvongsaram Pnôtaniêu, ĐônKĐôn và Chông Prêk tổ chức bàn giao công trình “Số hóa giới thiệu di tích văn hóa các chùa đồng bào dân tộc Khmer” tại 5/14 điểm chùa trên địa bàn huyện Trần Đề. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn tiếp tục phối hợp thực hiện số hóa các điểm di tích văn hóa các chùa Phật giáo Nam tông Khmer còn lại trên địa bàn huyện”.
Khi công trình “vận hành” góp phần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di tích văn hóa các chùa của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Trần Đề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của tỉnh Sóc Trăng nói chung và của huyện Trần Đề nói riêng, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin số hóa thành nội dung hoạt động thường xuyên có tính chuyên nghiệp cao, nhằm bảo quản các hồ sơ, tư liệu được lưu giữ. Mặt khác, đơn giản hóa việc cung cấp thông tin từng điểm đến tới đông đảo du khách trong và ngoài địa phương dựa trên việc ứng dụng công nghệ tại các địa danh.
Đây chỉ là thành quả bước đầu trong tiến trình chuyển đổi số. Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ theo hướng “làm mới”, sắp tới đây sẽ thêm nhiều công trình thanh niên mang tên “số hóa” và có thể sẽ nâng tầm hơn, không dừng lại cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh mà đa dạng như infographic, video clip được số hóa, ứng dụng các mã QR để người dân, du khách tiếp cận thông tin về điểm đến theo hướng đa dạng, trực quan, sinh động và dễ hiểu hơn.