Tuổi trẻ Sơn La hỗ trợ nông dân quảng bá và tiêu thụ nông sản
Phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, các tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá hình ảnh và thương hiệu nông sản địa phương đến với nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sơn La hiện có trên 84 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng thu hoạch năm 2023 ước đạt trên 400 nghìn tấn. Tỉnh đã xây dựng được 110 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Đồng hành với nông dân quảng bá, tiêu thụ nông sản, các tổ chức cơ sở đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động khai thác tiềm năng kinh tế số, góp phần đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bí thư Tỉnh đoàn Cầm Thị Huyền Trang, cho biết: Quảng bá, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Trung ương Đoàn đưa vào bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại hằng năm. Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo tổ chức đoàn, hội các cấp chủ động kết nối, quảng bá hình ảnh và thương hiệu nông sản Sơn La đến với nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giúp đoàn viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số để giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của địa phương trên nền tảng số.
Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh và các tổ chức đoàn đã cử ĐVTN tham gia tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% tổ, bản, tiểu khu, chủ động hướng dẫn nông dân quảng bá sản phẩm, nông sản trên các nền tảng mạng xã hội như Tik tok, Facebook, sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ mở tài khoản người mua, người bán trên sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ nông sản, hàng hóa và mua sắm vật tư, nông cụ phục vụ sản xuất; cách theo dõi bài viết, phản hồi tin nhắn của khách hàng, chốt đơn hàng, thanh toán, đóng gói sản phẩm, liên hệ với đơn vị vận chuyển… Đến nay, ĐVTN các tổ công nghệ số cộng đồng đã hỗ trợ hàng nghìn nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.
Điểm nhấn trong tháng 8 vừa qua, tại huyện Sông Mã, Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên, với nội dung “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP”.
Tại chương trình, hơn 200 đoàn viên, thanh niên, chủ thể OCOP là thanh niên, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh của thanh niên tại tỉnh Sơn La được tập huấn kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử xã hội. Đoàn viên, thanh niên cùng các TikToker, nhà bán uy tín hàng đầu tham gia livestream trực tiếp bán sản phẩm nông sản địa phương; phát sóng trực tiếp trên toàn quốc qua fanpage Thanh niên nông thôn.
Chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, 12 phiên livestream thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt vào xem, cùng 2.350 đơn hàng nông sản được bán, góp phần giới thiệu, lan tỏa hình ảnh nông sản Sơn La với nhiều sản phẩm đặc trưng đến đông đảo người tiêu dùng trong nước.
Anh Lê Văn Đức, nhà sáng tạo nội dung số, chia sẻ: Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn sẽ giúp thanh niên nông thôn hiểu rõ hơn về thương mại điện tử, cách xây dựng, phát triển kênh, các bước sáng tạo nội dung video tiktok; quy trình vận hành, phương thức và tối ưu hiệu quả bán hàng trên tiktok shop; các giải pháp tiktok live thu hút người xem và khách hàng; cách thức truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream…, góp phần đưa các sản phẩm OCOP và nông sản địa phương đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Anh Hà Văn Đại, xã Chiềng En, huyện Sông Mã, cho biết: Chương trình tập huấn giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng trực tuyến để quảng bá và giải quyết vấn đề tiêu thụ cho bà con nông dân, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm bớt sự phụ thuộc trung gian.
Cùng với đó, tại các sự kiện lớn của tổ chức đoàn, hội các cấp, như đại hội, hội nghị, hội thảo… đều bố trí không gian trưng bày sản phẩm OCOP, giới thiệu sản phẩm nông sản của thanh niên. Đồng thời, tranh thủ các ứng dụng mạng xã hội, cán bộ đoàn, hội các cấp, đoàn viên, thanh niên quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương.
Tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản địa phương, tổ chức đoàn, hội các cấp đẩy mạnh triển khai các hoạt động khai thác tiềm năng kinh tế số, góp phần tạo lan tỏa sâu rộng, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản của địa phương trên thị trường.