Tuổi trẻ Sông Mã năng động phát triển kinh tế

Phát huy lợi thế của địa phương, sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhiều đoàn viên thanh niên ở huyện Sông Mã đã tìm được hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao.

ĐVTN Lò Văn Châm, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã chăm sóc diện tích nhãn chín sớm.

ĐVTN Lò Văn Châm, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã chăm sóc diện tích nhãn chín sớm.

Anh Quàng Văn Thăng, Bí thư Huyện Đoàn, thông tin: Hiện nay, Huyện Đoàn có trên 14.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), sinh hoạt tại 446 chi đoàn. Đồng hành với ĐVTN trong phát triển kinh tế, Huyện Đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn vận động ĐVTN chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thành lập các mô hình kinh tế tập thể. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất; nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 3.374 ĐVTN vay 151 tỷ 636 triệu đồng. Nhiều mô hình kinh tế của ĐVTN cho hiệu quả và được nhân rộng, như: Trồng cây ăn quả của anh Lò Văn Quý; nuôi bò của anh Cà Văn Hương, Đoàn xã Nậm Ty; trồng nhãn của anh Trần Doãn Khương, Trần Viết Tuấn, Nguyễn Quốc Tính; nuôi dê lấy thịt và sinh sản của anh Lường Văn Phong, Đoàn xã Chiềng Khương...; có 7 mô hình HTX do thanh niên làm chủ.

Theo giới thiệu của Huyện Đoàn, chúng tôi tới thăm mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi của đoàn viên Vì Văn Nghiêm, xã Huổi Một. Anh Nghiêm cho biết: Năm 2017, sau khi được đi tham quan, học hỏi mô hình trồng cây ăn quả ở xã Chiềng Khoong, tôi bàn với gia đình cải tạo diện tích nhãn cỏ, chuyển đổi đất trồng ngô, sắn sang trồng cây bưởi da xanh, cam. Quá trình thực hiện cũng có khó khăn về vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm. Nhưng với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn trong chuyển giao khoa học và tích cực học hỏi thêm trên sách, báo để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Đến nay, gia đình tôi có hơn 1 ha nhãn, 12 ha bưởi, 6 ha cam và 20 con trâu, bò; mỗi năm, thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Nhận thấy việc liên kết trong sản xuất của HTX hiệu quả, năm 2019, đoàn viên Lò Văn Châm, xã Chiềng Khoong, đã tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười. Anh được HTX hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và liên kết tiêu thụ sản phẩm nhãn. Hiện nay, gia đình anh có 4 ha nhãn, trong đó, 1,5 ha đã cho thu hoạch. Vụ nhãn 2023, gia đình anh thu 300 triệu đồng. Anh Châm phấn khởi nói: Tham gia HTX, tôi được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật xử lý nhãn chín sớm. Mặc dù làm nhãn chín sớm đòi hỏi kỹ thuật và chi phí cao hơn nhưng bù lại, giá bán cao hơn gấp 2-3 lần so với nhãn chính vụ. Dự kiến thời gian tới, tôi tiếp tục cải tạo diện tích nhãn già cỗi sang trồng giống nhãn ánh vàng.

Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, Huyện Đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn liên kết xây dựng các mô hình giúp đỡ ĐVTN hoàn cảnh khó khăn, như: “Ngân hàng dê”, “Vườn cây thanh niên”... Với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, năm 2017, Đoàn xã Chiềng Khương phối hợp với Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, triển khai mô hình “Ngân hàng dê” hỗ trợ ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khương, cho hay: Hiện nay, Đoàn xã có 441 ĐVTN, trong đó, còn nhiều ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn. Ban quản trị “Ngân hàng dê” đã khảo sát và lập hồ sơ từng trường hợp có sự xác nhận của bí thư chi bộ bản. Mỗi hộ sau khi được xét duyệt sẽ nhận nuôi 1 con dê đực và 3-5 con dê cái. Thời gian nuôi 18 tháng, sau đó, chuyển giao đàn dê giống cho các hộ khác. Sau 6 năm thực hiện, từ 8 con dê bố mẹ ban đầu, đến nay đã nhân lên 60 con, giúp 8 đoàn viên thoát nghèo.

Đoàn viên Cầm Văn Khoản, bản Híp, xã Chiềng Khương, chia sẻ: Đầu năm 2018, tôi được trao 4 con dê từ mô hình gồm 1 con dê đực và 3 con dê cái. Sau 15 tháng, 3 dê cái đẻ được 10 con. Trung bình mỗi năm bán từ 2-3 đợt, mỗi đợt từ 2-4 con, sau khi trừ chi phí, lãi 30 triệu đồng… Có vốn, gia đình tiếp tục đầu tư phát triển cây ăn quả. Hiện nay, gia đình có 1 ha cây nhãn và 13 con dê; thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/năm.

Duy trì và phát huy kết quả đạt được, Huyện đoàn Sông Mã tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ ĐVTN trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, chú trọng hỗ trợ thanh niên ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, nhận ủy thác vốn vay để ĐVTN có điều kiện tiếp cận với mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/tuoi-tre-song-ma-nang-dong-phat-trien-kinh-te-P81TJiOIR.html