Tuổi trẻ sống xanh
Bằng những việc làm thiết thực, nhiều người trẻ đã xây dựng cho mình thói quen 'sống xanh', giảm thiểu rác thải, tác động tích cực tới môi trường.
Thay đổi thói quen hằng ngày
Rác thải nhựa đang trở thành vấn đề đáng báo động trong những năm gần đây bởi nó gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, được các chuyên gia cảnh báo về khả năng dẫn đến thảm họa môi trường. Nhận thức được điều này, nhiều bạn trẻ đã xây dựng thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực bằng việc hạn chế rác thải, túi ni lông trong cuộc sống thường nhật.
Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Thu ở Hồng Thái (Việt Yên) đều đem theo chiếc túi vải khi đi siêu thị. Chị nói: “Trước đây, tôi thường xuyên sử dụng túi ni lông vì tiện lợi. Vậy nhưng thói quen đó đã thay đổi khi xem những bộ phim tài liệu về rác thải nhựa gây ô nhiễm nguồn đất, nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhiều loài sinh vật và con người. Do đó, tôi hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và thay thế túi ni lông bằng túi vải từ khoảng 2 năm nay bởi túi vải bền, làm sạch đơn giản và thân thiện với môi trường”.
Thay đổi thói quen không phải là việc đơn giản song mỗi ngày cố gắng dành chút thời gian phân loại rác thải, tái chế rác thải để cuộc sống thêm “xanh”, ý nghĩa và hạnh phúc thì đó hoàn toàn là điều nên làm. Đó là quan điểm của chị Hồ Kiều Oanh ở xã Nam Dương (Lục Ngạn). Qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe, chị Oanh quan tâm, tìm hiểu cách phân loại và tái chế rác thải.
Gia đình chị thường phân loại rác thải thành ba loại như: Rác vô cơ có thể tái chế gồm thùng carton, sách báo cũ, hộp giấy, vỏ lon; rác vô cơ không thể tái chế như gạch, đá, mảnh sành, thủy tinh vỡ và rác hữu cơ là thực phẩm thừa. Chị Oanh cho rằng, việc phân loại rác nhằm giảm thiểu tổng lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, xử lý. Với các loại rác hữu cơ, chị thường ủ làm phân bón cây trồng còn các loại phế liệu tái chế, chị bán cho các cơ sở thu mua.
“Sống xanh” giờ đây trở thành xu thế chung của thế giới. Điều này bắt đầu từ chính những việc đơn giản thường nhật mà ai cũng làm được như: Tắt máy xe khi chờ đèn đỏ; sử dụng năng lượng tái tạo; hạn chế đồ nhựa, ưu tiên sử dụng đồ thủy tinh, sành, sứ, inox; phân loại rác thải; tái sử dụng phế liệu thành đồ hữu ích; lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên...
Ngoài việc phân loại rác, chị còn thu gom vỏ hộp sữa tươi gửi đến một cơ sở ở Hà Nội để tái chế thành nhiều sản phẩm như: Chậu trồng cây, lót chậu, lót cốc, đĩa trang trí... giúp giảm gánh nặng rác thải ra môi trường. Từ năm 2021 đến nay, chị vẫn giữ thói quen tích trữ vỏ hộp sữa của gia đình và các hộ gần khu vực sinh sống để gửi tới công ty tái chế.
“Sống xanh” giờ đây trở thành xu thế chung của thế giới. Điều này bắt đầu từ chính những việc đơn giản thường nhật mà ai cũng làm được như: Tắt máy xe khi chờ đèn đỏ; sử dụng năng lượng tái tạo; hạn chế đồ nhựa, ưu tiên sử dụng đồ thủy tinh, sành, sứ, inox; phân loại rác thải; tái sử dụng phế liệu thành đồ hữu ích; lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Qua đó, giúp con người tác động tích cực vào môi trường, bảo vệ hành tinh xanh.
Giáo dục thế hệ trẻ
Bảo vệ môi trường sống là hành vi xã hội cần được giáo dục, tạo thành ý thức, thói quen đối với mỗi cá nhân từ khi còn nhỏ, qua những việc làm cụ thể. Với trách nhiệm của mình, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Bắc Giang và các trường học trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, đưa hoạt động giáo dục “sống xanh” vào các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm. Nhiều hoạt động phong phú, phát huy khả năng sáng tạo được đông đảo học sinh hưởng ứng như: Thi làm đồ dùng gia đình, đồ chơi từ phế liệu, trình diễn thời trang từ vật liệu thiên nhiên, thu rác đổi cây…
Mới đây, Tỉnh đoàn đã tổ chức Cuộc thi sáng tác video clip Tiktok bảo vệ môi trường với chủ đề “Vì một Bắc Giang xanh”. Sau hơn 1 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được gần 1 nghìn sản phẩm. Các video clip đăng tải trên Tiktok thu hút hơn 1 triệu lượt xem, lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa, từng bước thay đổi hành vi, nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm bảo vệ môi trường.
Thanh niên là lực lượng năng động, dễ tiếp nhận, thích ứng với những điều mới mẻ. Do đó, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm lan tỏa lối “sống xanh” trong giới trẻ và cộng đồng. Trong năm 2023, tuổi trẻ toàn tỉnh đã trồng mới hơn 400 nghìn cây xanh; xây dựng hơn 20 tuyến phố với các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”; thường xuyên tổ chức hoạt động đổi rác tái chế lấy cây xanh, chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông, bảo vệ nguồn nước, duy trì mô hình “5 xanh” (trường lớp xanh - công sở xanh - đơn vị xanh - làng xã xanh - gia đình xanh).
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, đồng chí Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn tích cực tuyên truyền, thuyết phục người dân thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt gây hại cho môi trường; khuyến khích đoàn viên, thanh niên đăng ký công trình khởi nghiệp xanh; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến theo hướng nông nghiệp xanh, sạch; tích cực phối hợp tham gia công tác kiểm tra, giám sát, tố giác hoạt động vi phạm về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên dương, khen thưởng các điển hình làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/nhip-song-tre/417467/tuoi-tre-song-xanh.html