Tuổi trẻ với nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc
Các thế lực phản động đã và đang tìm mọi cách tiêm nhiễm những luận điểm sai trái, hướng đến kích động bất tuân pháp luật của thanh niên, trong đó có Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS).
Sở dĩ chúng chọn thanh niên làm mũi nhọn chống phá xuất phát từ đặc điểm tâm, sinh lý, kỹ năng phát triển, muốn khẳng định bản thân nhưng lại thiếu trải nghiệm sống. Âm mưu lâu dài là gieo rắc tư tưởng hoài nghi với tương lai, tiền đồ, niềm tin vào Đảng và chế độ, từng bước tạo nên quan điểm trái ngược với nghĩa vụ và trách nhiệm. Những quan điểm, luận điệu thâm độc đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc vào tình cảm, lối sống của lớp trẻ, nếu không được định hướng đúng sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường.
Một số tổ chức ngoại vi của tổ chức phản động, nhóm Việt Tân đã công bố rộng rãi các khóa “xã hội dân sự” nhằm mời gọi một số nhóm thanh niên tham gia. Những chương trình “học bổng”, khóa “trao đổi giáo dục”, giao lưu sinh viên, thanh niên những vấn đề về giáo dục, chống biến đổi khí hậu… phần lớn là nhằm huấn luyện, đào tạo, trang bị các kiến thức chống đối. Khi thực hiện Luật NVQS, lợi dụng những trường hợp cụ thể về chính sách được đi học, học nghề để so sánh quyền lợi của số được gọi đi nghĩa vụ với số con em lãnh đạo, xem đó tạo ra bất bình đẳng. Tuyên truyền hướng dẫn các kiểu phản ứng bằng cách làm chấn thương, mờ mắt, xăm trổ trên cơ thể… để không phải tham gia vào quân đội. Thường xuyên tán phát các thông tin, kỹ năng chống đối trên không gian mạng hoặc tiếp cận trực tiếp nhằm tác động, hướng lái tiêu cực, cách thức chống phá cực đoan hoặc “bất bạo động”, từng bước gây mất ổn định xã hội trong quá trình tuyển quân.
Lợi dụng để kích động giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa chế độ và hưởng thụ của những bộ phận thanh niên trong từng địa bàn dân cư… nhằm tạo nên những phản ứng về bất bình đẳng. Lấy so sánh NVQS ở Việt Nam với “hợp đồng đi lính” ở Mỹ và các nước phương Tây; cho rằng khi vào quân đội các nước được trả lương cao, chế độ đầy đủ, đi “nghĩa vụ” dễ bị thiệt mạng, đòi phải có nhiều quyền lợi khác. Trong khi đó, một bộ phận thanh niên thiếu kinh nghiệm sống, thiếu bản lĩnh, dễ bị dao động dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, trốn tránh hoặc những biểu hiện bi lụy khi gọi nhập ngũ. Gia đình, bạn bè, các quan hệ xã hội chưa hiểu hết nội dung của Luật NVQS nên cũng tác động không nhỏ đến động viên thanh niên khi được triệu tập. Sự xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội về cách thức đối phó, quá trình sinh hoạt gian khổ trong môi trường quân đội là những hình ảnh hết sức nguy hiểm, tác động tiêu cực cần phải được sớm loại bỏ.
Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần dựa vào thế hệ thanh niên. Với sức sống và lòng nhiệt tình, thế hệ thanh niên xứng đáng được tin tưởng trao gửi niềm tin cho tiền đồ, tương lai của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, lớp lớp hàng triệu thanh niên Việt Nam đã dành trọn tuổi trẻ trên trận tuyến chống quân thù, là lực lượng xung kích, nòng cốt trên mọi tuyến đầu. Những người con mười tám đôi mươi gác lại bao ước mơ, dự định tương lai của bản thân để lên đường chiến đấu bảo vệ đất nước. Đã có hàng triệu người hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tinh thần hy sinh vì nước, vì dân để lại cho thế hệ thanh niên ngày nay phải suy ngẫm và hướng đến trách nhiệm đối với đất nước ngay trong thời hòa bình.
Yêu cầu đặt ra là cần phải tuyên truyền, giáo dục và hướng đến ý thức của giới trẻ trước tác động tiêu cực từ bên ngoài. Trong tình hình hiện nay phải hướng đến tập hợp lớp trẻ theo lý tưởng của Đảng, của đất nước, hạn chế tiêu cực của những luận điệu sai trái, độc hại, nhận diện và xử sự đúng đắn trách nhiệm với đất nước. Những kiến thức về chế độ xã hội và con đường phát triển đi lên mà toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện cần được thấm vào trong suy luận của thanh niên. Từng bước đưa vào nhà trường, huấn luyện ngoại khóa, tạo diễn đàn xã hội để nhân lên niềm tin, lòng tự hào, biến thành hành động của tuổi trẻ. Làm cho thanh niên nhận diện rõ âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không cho phép suy diễn, đòi hỏi quyền lợi đối với đất nước như “một nghề kiếm sống” ở phương Tây.
Hành vi không đăng ký NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, vi phạm về khám sức khỏe, trốn tránh... đã bị xử lý như ở nhiều địa phương thời gian qua là cần thiết. Đó là những bài học cần được tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội, nhất là những trường hợp cố tình không chấp hành. Mặt khác, phải bình đẳng, công khai, minh bạch trong từng khu dân cư, không để những dư luận tiêu cực ảnh hưởng đến ý nghĩa chính trị. Vận động trong cộng đồng dân cư có trách nhiệm chung, xã hội hóa hỗ trợ gia đình, người nhập ngũ có khó khăn khi thiếu nguồn lao động, thu nhập chính trong từng gia đình. Những người hoàn thành nghĩa vụ trở về cần được hỗ trợ, giải quyết việc làm và có chính sách cần thiết để những người xuất ngũ có niềm tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước.