Tướng Hiệu: Ký ức 'Bà má tham mưu' và phút Giải phóng Sài Gòn
Trong hồi ức tướng Nguyễn Huy Hiệu, cuộc gặp gỡ định mệnh với 'Bà má tham mưu' và trận đánh quyết định tại cửa ngõ Sài Gòn đã khắc họa đậm nét tình quân dân và khí thế hào hùng của Đại thắng Mùa xuân 1975.
Bằng cuộc hành quân “thần tốc”, chỉ trong 12 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 đã vượt chặng đường dài hơn 1.700km, kịp thời tham gia chiến đấu trên hướng Bắc Sài Gòn; chuyển “yếu tố thời gian thành lực lượng”, cùng các lực lượng khác đập tan sức đề kháng cuối cùng của địch, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Làm nên chiến thắng đó, có tấm bản đồ chỉ lối của “bà má tham mưu”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại câu chuyện về tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu, góp phần cho đại thắng mùa xuân 1975. Ảnh: Thuận Văn.
Cuộc hành quân 1.700km và "Bà má tham mưu" với tấm bản đồ chỉ lối
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, ngày 18/3/1975, khi đó ông đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 30B, Quân đoàn 1. Đơn vị với quân số gần 3.000 người (bao gồm cả lực lượng tăng cường) nhận lệnh di chuyển từ Tam Điệp vào Đông Hà, sẵn sàng làm lực lượng dự bị cho mặt trận Huế - Đà Nẵng. Tuy nhiên, diễn biến chiến trường mau lẹ đã khiến Huế và Đà Nẵng được giải phóng sớm hơn dự kiến. Trung đoàn được lệnh quay ra Đông Hà, qua đèo Ang Bun và bắt đầu cuộc hành quân theo đường Trường Sơn Đông, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thời điểm đó, đường đến Ang Bun đang là mùa khô nên đất bazan bụi mù mịt. Hành quân suốt ngày đêm mệt nhọc, bụi phủ khắp người, thức ăn của người lính chỉ là lương khô, gạo rang và thịt hộp, chỉ khi nào gặp nơi có suối mới dừng lại để nấu cơm.
Khi Trung đoàn 27 hành quân đến đèo Ang Bun thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.
"Tôi phổ biến mệnh lệnh này cho cán bộ, chiến sĩ. Anh em lúc đó quên hết mệt nhọc, bừng dậy, tiếp tục hành quân!", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói. Sau 12 ngày đêm không nghỉ, đơn vị đã tập kết tại Đồng Xoài.

Má Sáu Ngẫu ở Lái Thêu cung cấp bản đồ và chỉ đường cho Trung đoàn 27 tiến công vào Sài Gòn (ảnh tư liệu).
Đêm 29/4, khi Trung đoàn chỉ còn cách Lái Thiêu (Bình Dương) khoảng 10km, một cuộc gặp gỡ mang tính quyết định đã diễn ra. Trong lúc cùng tổ trinh sát làm nhiệm vụ, ông phát hiện một căn nhà lá đơn sơ ven rừng. Sử dụng tín hiệu đã quy ước "Hồ Chí Minh", họ nhận được lời đáp "Muôn năm" từ bên trong. Người gặp gỡ họ là má Sáu Ngẫu (tên thật Huỳnh Thị Sáu), một cơ sở cách mạng địa phương.
Khi biết đây là quân giải phóng chuẩn bị tấn công Lái Thiêu, đánh chiếm cầu Vĩnh Bình và Bộ Tư lệnh thiết giáp ngụy, má Sáu đã không ngần ngại hỗ trợ. Má lấy ra tấm bản đồ thành đô Sài Gòn cũ từ năm 1961 của người chồng đã hy sinh, trên đó có những ghi chú chi tiết do chính tay má cập nhật về hệ thống phòng thủ của địch từ Lái Thiêu vào nội đô. Thông tin này, theo Thượng tướng Hiệu, là vô cùng quý giá. Má Sáu còn cung cấp tin tức về trại Huỳnh Văn Lương gần đó với 2.000 lính, khuyên nên kêu gọi họ đầu hàng, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải chiếm bằng được cầu Vĩnh Bình, chốt chặn cuối cùng được phòng thủ kiên cố.
Thượng tướng Hiệu hỏi: “Thưa má, còn con đường nào khác không?” Má trả lời: “Có đường sắt Lái Thiêu, nhưng xe tăng các con không đi được. Sáng mai má và hai con của má sẽ ngồi lên xe tăng để dẫn đường cho các con tiến công vào Gò Vấp”. Thượng tướng đáp lại: “Thưa má, má già rồi, các em còn nhỏ. Chúng con đánh xong sẽ quay lại cảm ơn má và đồng bào”.
Trận Cầu Vĩnh Bình nảy lửa và những giờ phút làm nên lịch sử ngày 30/4
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể, rạng sáng ngày 30/4/1975, vào lúc 4h30, Trung đoàn 27 mở màn cuộc tiến công với lực lượng cơ giới. Trước đó, một tiểu đoàn đã bí mật thâm nhập vào Lái Thiêu. Khi vượt qua khu vực này, đơn vị đã chạm trán và tiêu diệt 3 xe tăng địch, đồng thời thu giữ nguyên vẹn khẩu pháo tự hành M107 – được mệnh danh là “vua chiến trường” – hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đơn vị tiếp tục truy kích địch, hướng mũi tiến công về cầu Vĩnh Bình – chốt chặn phòng ngự cuối cùng của địch trước cửa ngõ Sài Gòn. Vấp phải sự kháng cự quyết liệt, Trung đoàn đã huy động toàn bộ hỏa lực mạnh nhất để chế áp đối phương, yểm trợ cho bộ phận cơ giới xung phong chiếm cầu. Đúng như thông tin từ má Sáu, cây cầu được gia cố bằng nhiều lớp dây thép gai và các thùng phuy chứa cát. Lời dặn “Các con phải đánh nhanh” của má càng thôi thúc ý chí chiến đấu.
Vào 9h sáng, cầu Vĩnh Bình hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Trung đoàn 27. Trong trận đánh này, Đại đội trưởng Đại đội xe tăng Hoàng Thọ Mạc đã thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm, tiêu diệt 3 xe tăng địch. Khi xe tăng của mình trúng đạn, ông không lùi bước mà nhảy xuống đất, trực tiếp chỉ huy các tổ B40, B41 tiếp tục chiến đấu, bắn cháy thêm 3 xe thiết giáp khác.
Tuy nhiên, một tổn thất đau xót đã xảy ra khi đồng chí Hoàng Thọ Mạc bị trọng thương và anh dũng hy sinh. Chứng kiến sự mất mát này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã quyết định đưa thi thể người đồng đội quả cảm lên xe, tiếp tục cùng đơn vị tiến vào Sài Gòn.
Tiếp đà thắng lợi, khoảng gần 10h sáng, Trung đoàn 27 làm chủ Bộ Tư lệnh Thiết giáp của quân đội Sài Gòn tại Gò Vấp, đồng thời tiếp quản 13 căn cứ lục quân và công sở khác. Khi tiến vào Tổng Y viện Cộng Hòa (nay là Bệnh viện Quân y 175), Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đối mặt với người đứng đầu Cục Quân y đối phương, Phạm Hà Thanh.
Trong cuộc đối diện, ông Thanh bày tỏ: “Thưa quý ông, tôi làm ngành y, xin quý ông tha.” Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã trả lời dứt khoát, thể hiện chính sách khoan hồng: “Quân giải phóng sẽ khoan hồng, nhưng ông phải chấp hành mệnh lệnh của quân giải phóng”.
Sau khi nắm tình hình, Thượng tướng đã có một quyết định nhân đạo: cho phép thân nhân của binh lính Sài Gòn đưa thương binh của họ rời khỏi bệnh viện trước. Chỉ sau đó, lực lượng quân giải phóng mới tiến vào tiếp quản Tổng Y viện Cộng Hòa, hoàn thành một phần nhiệm vụ trong chiến thắng lịch sử 30/4/1975.
Bồi hồi nhớ lại giờ phút chiến thắng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ niềm tự hào: "Chúng tôi đã thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ căn dặn trước lúc Người đi xa:
"Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, sự giúp đỡ kịp thời và chính xác của má Sáu đã góp phần quan trọng giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp vào thắng lợi chung của dân tộc. Đúng như lời hứa, ngày hôm sau, ông đã chỉ huy 3 xe quay lại Lái Thiêu để cảm ơn má Sáu và đồng bào. Ông xúc động nhớ lại hình ảnh người dân đứng đông nghịt hai bên đường vẫy cờ hoa chào đón và tặng quân giải phóng 3 xe đầy ắp trái cây đặc sản địa phương. "Đấy là một kỷ niệm về sự đóng góp nhỏ bé của chúng tôi vào thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc," Thượng tướng chia sẻ.
Câu chuyện cảm động này sau đó đã được báo Quân đội nhân dân đăng tải với tựa đề "Bà má tham mưu của Trung đoàn" và được nhạc sĩ Văn Thành Nho phổ nhạc trong bài hát "Tấm bản đồ má trao".