Một phi công Mỹ đã có dịp nghiên cứu khả năng bay cũng như hệ thống điện tử hàng không của tiêm kích Su-30MKI hiện đại do Nga chế tạo trong cuộc tập trận với Không quân Ấn Độ (IAF).
Viên phi công nói trên là Đại tướng Ken Wilsbach, ông hiện là Tư lệnh lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ. Điều cần nói đến ở đây chính là ông Wilsbach có nhiều kinh nghiệm cầm lái chiếc F-22 Raptor.
Một bức ảnh chụp vị tướng Mỹ ở ghế hoa tiêu trên chiếc Su-30MKI hai chỗ ngồi đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Sự tham gia của phi công Mỹ trong cuộc tập trận chung đã được người phát ngôn IAF chính thức xác nhận.
Nhiệm vụ huấn luyện chung nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận Ấn - Mỹ mang tên Cope India 2023. Sự kiện được tổ chức từ ngày 10/4 đến 24/4 tại căn cứ Kalaikunda - nơi đóng quân của một phi đội tiêm kích thuộc Không quân Ấn Độ.
Sự hiện diện của Tướng Ken Wilsbach trên tiêm kích Su-30MKI có thể được coi là một sự kiện. Không phải ngày nào phi công của Không quân Mỹ cũng có cơ hội chiếc lái máy bay chiến đấu vốn là một phần xương sống của ngành hàng không quân sự Nga hiện nay.
Rõ ràng bất kỳ cơ hội nào để có cái nhìn cận cảnh hơn về các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất đều mang đến lợi ích cho cả phi công Mỹ và đồng minh của họ. Không còn nghi ngờ gì nữa, ấn tượng của vị tướng sẽ được chia sẻ với Lầu năm góc.
Trong diễn biến liên quan, Tướng Ken Wilsbach đã nói chuyện với Tư lệnh Không quân Ấn Độ. Ông đã cung cấp thông tin bổ sung về chiếc khinh khí cầu Trung Quốc đã bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Mỹ.
Phương tiện nói trên đã bị bắn hạ bởi một tên lửa không đối không do chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor phóng đi. Sự kiện từng làm bùng lên sóng gió trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngay sau khi khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ, chiếc Raptor đã nhận được hình vẽ tượng trưng cho những mục tiêu mà chiếc máy bay này đã bắn hạ trong lịch sử. Trớ trêu thay, đây là huy hiệu đầu tiên trên thân tiêm kích F-22 Raptor.
Quay trở lại với vị tướng không quân Mỹ, Không quân Ấn Độ và Mỹ đều không công bố thông tin chi tiết về nhiệm vụ huấn luyện của Tướng Wilsbach trên tiêm kích Su-30MKI. Tuy nhiên hoạt động này được tiến hành trong hai giai đoạn.
Đợt đầu tiên bắt đầu vào ngày 10/4, nhằm khai thác các chuyến bay tiêu chuẩn và tương tác với máy bay vận tải hoặc máy bay tiếp nhiên liệu. Trong đó tiêm kích Ấn Độ sẽ hộ tống máy bay vận tải Mỹ.
Khoa mục huấn luyện tiếp dầu trên không cũng cực kỳ quan trọng, nó sẽ đánh giá khả năng tương tác giữa các máy bay của Mỹ và Ấn Độ khi thực hiện nhiệm vụ chung.
Trước đó New Delhi đã cử 4 chiếc Su-30MKI của mình tham gia các hoạt động phối hợp với tiêm kích F-15 của Nhật Bản. Các phi công của Tokyo cũng được phép tìm hiểu chi tiết hơn về máy bay chiến đấu nguyên bản do Nga chế tạo.