Tương lai bất định của IMF
Mặc dù nguồn vốn huy động hay cam kết từ các nước tăng vọt khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã không thể giải ngân cho vay như mong muốn.
Theo tờ Economist, để đối phó với đại dịch, các nước giàu đã cam kết hỗ trợ IMF đến 482 tỉ đô la Mỹ vốn để cho vay; IMF cũng sẵn sàng 650 tỉ đô la “quyền rút vốn đặc biệt”, một dạng tiền của IMF dựa trên giá trị rổ tiền của các nước thành viên lớn để ngân hàng trung ương các nước vay.
Thế nhưng mặc cho gần 1.000 tỉ đô la được bơm vào quỹ, số dư cho vay của IMF chỉ tăng được 51 tỉ đô la. Quỹ chỉ phê duyệt được 2 tỉ đô la cho những khoản vay mới, từ các khoản vay để ứng phó với biến đổi khí hậu đến giải quyết nạn thiếu lương thực – thậm chí tiền chỉ được phê duyệt, còn chưa ra khỏi két IMF.
Có ba lý do giải thích sự bất lực của IMF: sự cứng nhắc của chủ nợ Trung Quốc đối với các con nợ là các nước nghèo; sự bất ổn của các nước thu nhập trung bình đang gặp khó khăn kéo dài; cuối cùng là khả năng có hạn của IMF trong việc sử dụng các nguồn lực và triển khai kế hoạch.
Lý do đầu tiên liên quan đến các khoản nợ Trung Quốc cho các nước vay. Thông thường, trước khi IMF có thể giải ngân cho các nước vay họ phải bảo đảm nước đó có khả năng trả nợ. Điều này thường có nghĩa là một thỏa thuận tái cấu trúc các món nợ đã vay, tức làm sao để cắt giảm nợ cũ.
Trước đây việc đàm phán giảm nợ cũ tương đối thuận lợi, vì IMF chủ trì đàm phán với các nước chủ nợ là thành viên của Câu lạc bộ Paris. Nhưng Trung Quốc không thuộc nhóm này; trong 20 năm qua lại trở thành chủ nợ lớn của nhiều nước nghèo. Ít nhất 65 nước đang nợ Trung Quốc đến 10% tổng nợ nước ngoài của họ, và Trung Quốc không chịu đàm phán giảm nợ cũ thì IMF cũng bó tay, không thể giải ngân nợ mới.
Trung Quốc có hai điểm bất đồng chính đối với cách thức đàm phán của IMF. Thứ nhất, các ngân hàng chính sách của nước này, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, được xem là bên cho vay thuộc nhà nước chứ không phải là bên cho vay tư nhân (bên cho vay tư nhân thì dễ bàn chuyện tái cấu trúc nợ hơn).
Thứ hai, các cơ quan bên trong Trung Quốc cũng chưa thống nhất với nhau về chuyện giảm nợ, làm tình hình càng thêm phức tạp. Ngược lại, IMF lo ngại nếu Trung Quốc không tham gia tái cấu trúc nợ, các khoản giải cứu mới của IMF có nguy cơ chảy vào túi Trung Quốc để trả nợ cũ.
Có một cách giải quyết mà IMF đang cân nhắc; đó là các nước đi vay cam kết tiền vay về không được dùng để trả nợ cũ cho các bên cho vay từ Trung Quốc cũng như không được vay tiếp từ nguồn này trong tương lai, nếu không sẽ bị cắt nguồn giải cứu từ IMF.
Với lý do thứ nhì, các nước có thu nhập trung bình bị IMF cáo buộc là không có khả năng theo đuổi cải cách cho đến tận cùng, nên IMF cũng không mặn mà cho vay tiếp. Chẳng hạn, từ năm 2000 đến nay, tức trong vòng 23 năm, Pakistan đã có đến 14 năm nằm trong tình trạng khẩn cấp của IMF, phải cầu viện đến 7 chương trình cho vay, trong đó có 3 chương trình họ chưa trả được đồng nào. Nước này chưa hoàn tất điều kiện tài khóa nào theo các thỏa thuận; IMF cũng 17 lần yêu cầu Pakistan thu thuế nội địa và cải cách thuế doanh thu trong mọi lần kiểm tra IMF tiến hành.
Pakistan không phải là trường hợp duy nhất. Ai Cập đã có đến 4 chương trình vay trong chưa đầy một thập niên. Argentina trong lần giải cứu gần đây nhất, trị giá 44 tỉ đô la ký vào năm ngoái, đã phải thay đổi mục tiêu. Nhìn chung trước đây người ta tin IMF rất mạnh tay, có thể kiểm soát các nước yếu kém, ép họ phải thắt lưng buộc bụng, nhưng nay dường như IMF bị các nước này dẫn dắt. Hàng loạt các nước khác cũng cải cách nửa chừng như thế, làm hai phần ba các khoản vay của IMF rơi vào tình trạng “tiền vào nhà trống”.
Hậu quả là IMF ngày càng chẻ nhỏ các khoản vay, không dám bàn các gói giải cứu lớn nhưng cũng không dám hủy luôn các cuộc đàm phán như thế.
Lý do thứ ba nằm ở chỗ IMF đảm đương quá nhiều mục tiêu cho vay, từ bình đẳng giới đến các xã hội yếu thế. Vấn đề là các mục tiêu cho vay này lại không dính líu đến sứ mệnh của IMF là can thiệp vào các vấn đề liên quan đến cán cân thanh toán của một nước và giám sát tính ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Trong những năm gần đây IMF lại dựa vào các mục tiêu đa dạng này để khởi động lại các chương trình cho vay. Tháng tư năm ngoái quỹ thành lập dự án cho vay đến 40 tỉ đô la nhắm tới các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu và y tế. Một dự án khác nhằm giải quyết các vấn đề trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Cách cho vay này trái ngược với truyền thống lâu nay của IMF là cho ngân hàng trung ương các nước vay thành các gói cải cách kinh tế, chứ không phải quản lý vi mô các vấn đề như môi trường. Thực tế sau một năm, quỹ 40 tỉ đô la chỉ cho vay được 2,6 tỉ đô la mà thôi.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tuong-lai-bat-dinh-cua-imf/