Tương lai cho học sinh khuyết tật - Kỳ 1: Đứt gãy đường học

Trên con đường hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, chỉ cần một chặng ngắn thiếu sự hỗ trợ, học sinh (HS) khuyết tật cũng có thể chới với, thậm chí dừng bước, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Giải pháp hỗ trợ bền vững cho các em là điều các cấp, ngành, chính quyền và xã hội đang nỗ lực thực hiện.

Giờ học tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh.

Giờ học tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh.

Kỳ 1: Đứt gãy đường học

Buổi họp phụ huynh tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh (viết tắt là trung tâm, thuộc Sở Y tế) cuối năm học 2023 - 2024 không rộn ràng như ở các trường phổ thông, bởi nhiều phụ huynh có con trên 16 tuổi nhận được thông báo dừng học theo quy định. Cha mẹ khóc, thầy cô cũng khóc. Đây là nỗi niềm diễn ra hàng năm ở đây.

Nỗi niềm “tuổi 16”

Bà Phan Vũ Quế Hương (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) có con từng học ở trung tâm. Nhớ lại chuyện 9 năm trước, bà rưng rưng: “Năm con tôi 16 tuổi, trung tâm thông báo không thể tiếp tục nhận cháu, tôi chết lặng, rồi chạy đôn chạy đáo, huy động mọi mối quen biết, hỏi tất cả các cơ sở để xin học cho con, nhưng không được. Cơ sở bảo trợ xã hội cũng không nhận đối tượng như con tôi. Trưa 4-9, trong khi các giáo viên đồng nghiệp đã sẵn sàng bước vào năm học mới, tôi vẫn ôm con ngồi ở quán cà phê, gọi điện thoại năn nỉ và khóc vì bế tắc. Chiều muộn, khi tôi đã tắt hy vọng thì điện thoại rung, một người quen nhẹ nhàng nói: “Mai chị cho cháu tới học nhé”. Tôi chợt vỡ òa hạnh phúc. Cảm giác run rẩy không biết ngày mai ra sao biến mất, mọi lo âu trút sạch”.

Giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh luôn đồng hành cùng học sinh khuyết tật.

Giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh luôn đồng hành cùng học sinh khuyết tật.

Con bà Hương, em Phạm Hữu Minh Luân, được phát hiện tự kỷ khi 15 tháng tuổi. Một mình bà Hương nỗ lực “hòa nhập vào thế giới của con”, chấp nhận cho Luân cào cấu, giật tóc để giúp con giải tỏa cảm xúc bất ổn. Không ít lần, bà năn nỉ các em nhỏ đừng trêu chọc, kích thích Luân phản ứng tiêu cực. Có lần, Luân đi lạc, bà hớt hải chạy từ phường Phước Long ra đường Trần Phú, chạy dọc bờ biển, gặp ai cũng giơ hình con ra hỏi thăm. Lần khác, bà cho con chơi ở công viên Võ Văn Ký để tập hòa nhập, thấy Luân biểu hiện khác lạ, lực lượng chức năng tưởng nhầm người nghiện ma túy. Luân cắm đầu chạy, các anh tăng tốc truy đuổi. Lo con bị thương do không biết kiểm soát nguy hiểm, bà cuống cuồng lao theo, la đến lạc giọng: “Con tôi không phải tội phạm! Con tôi khuyết tật!...”. Khi mọi việc dừng lại, Luân ổn định tâm lý, bà mới òa khóc tức tưởi…

Cuối năm học 2023 - 2024, ông Lê Văn Thuận A (phường Phương Sài, TP. Nha Trang), phụ huynh em Lê Khôi Nhật Nam, cũng rối bời lo lắng khi nhận được thông báo dừng học của trung tâm. “Tôi làm nghề chụp ảnh. Trước đây, tôi tranh thủ làm trong thời gian con ở trường để khi con tan học, tôi có thể tập trung hỗ trợ vợ chăm sóc con. Nếu con phải dừng học, tôi chỉ dám nhận chạy giao hàng vào buổi trưa hoặc tối, khi con ngủ; thu nhập sẽ giảm gần 80%. May là gia đình có 2 con lớn đã đi làm, nếu không…”, ông Thuận A nói. Ông đã gửi đơn khắp nơi xin cho con học tiếp. Độ tuổi của con ông được coi là đã lớn, nhưng về tuổi phát triển trí tuệ vẫn chỉ như trẻ nhỏ, thiếu kỹ năng tự vệ, giao tiếp... nên để bảo vệ con, cha mẹ chỉ còn cách gác lại công việc. Đây cũng là tâm tư của nhiều phụ huynh như các ông, bà: Nguyễn Thị Bích Thùy (thị xã Ninh Hòa), Lữ Ngọc Thảo (huyện Vạn Ninh), Lê Thị Hoa, Ngô Hoàng Sơn (TP. Nha Trang)…

Còn những khoảng trống

Bà Hương tâm sự, trẻ tự kỷ nhìn thế giới theo cách khác biệt nên khó ứng xử như nhiều bạn cùng tuổi. Nếu các con không được học tiếp, quá trình hòa nhập cũng dừng lại, thậm chí thụt lùi. “Tôi rất biết ơn trung tâm đã giúp con tôi biết tự phục vụ, biết đọc, biết viết, giao tiếp đơn giản, tham gia hoạt động với các bạn. Nhưng giờ ở nhà, cháu không phát huy được. Để các con hòa nhập, rất cần sự hỗ trợ lâu dài của Nhà nước”, bà Hương nói.

Giờ học của học sinh khiếm thính.

Giờ học của học sinh khiếm thính.

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tại Khánh Hòa, giáo dục HS khuyết tật gồm giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Theo quy định, các cơ sở giáo dục chuyên biệt dạy chương trình riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ 6 đến 7 năm đối với cấp tiểu học, có thể điều chỉnh cho phù hợp (được Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, chấp thuận). Thực tế, học viên tại trung tâm có khi cần 10 năm để hoàn thành tiểu học. Đối với giáo dục hòa nhập, trường phải có kế hoạch giáo dục cá nhân, có hồ sơ theo dõi từng HS và điều chỉnh giảm nội dung; có phương pháp dạy phù hợp; điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá sự tiến bộ của trẻ. Các em này khi hoàn thành tiểu học được tuyển thẳng lên THCS; hoàn thành THCS được tuyển thẳng lên THPT. Tuy quy định về giáo dục hòa nhập không nêu rõ mức độ khuyết tật của đối tượng tiếp nhận, song lâu nay, các trường thường tiếp nhận các em khuyết tật mức độ nhẹ và vừa; còn các em khuyết tật nặng, nhất là về trí tuệ thì các trường không thể tiếp nhận vì không thể dạy được. HS khuyết tật nặng cần được học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc trung tâm cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 3794, ngày 9-11-1999 của UBND tỉnh, trung tâm tiếp nhận HS khuyết tật từ 6 đến 16 tuổi. Hàng năm, trung tâm đều thông báo cho ra trường các HS trên 16 tuổi không đủ điều kiện học tiếp để tiếp nhận vào học các em ở độ tuổi trẻ em bị khuyết tật, không thể theo hình thức giáo dục hòa nhập. Theo chỉ tiêu, hàng năm, trung tâm được giao tiếp nhận 90 HS, đến năm học 2024 - 2025, trung tâm có khoảng 150 HS, trong đó 25 HS trên 16 tuổi. Vì vậy, các thầy cô phải dạy 13 - 14 HS/lớp (định mức không quá 12 HS/lớp); chưa kể, gần 75% trong tổng số HS là khuyết tật trí tuệ, thần kinh, tâm thần, tuy tuổi đời lớn nhưng tuổi phát triển trí tuệ vẫn ở lứa tuổi mầm non nên giáo viên phải dạy những kiến thức cơ bản như dạy trẻ mầm non thông thường. Các thầy cô còn kiêm hoạt động văn nghệ, thể dục, hướng nghiệp nghề, hoạt động ngoại khóa khác. Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuy nhiên, với số HS ngày càng tăng, trung tâm không đủ giáo viên để dạy. Trong khi đó, 25 em nêu trên ra trường cũng chưa có cơ sở giáo dục nào tiếp nhận, khiến phụ huynh rất bức xúc, lo lắng nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của trung tâm. Trung tâm đã tham mưu Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh cho phép trung tâm tiếp nhận HS đến hết 18 tuổi và tăng biên chế giáo viên. Khi các em qua tuổi 18, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch xây dựng cơ sở để tiếp nhận các em vào học hướng nghiệp, học nghề, tạo việc làm sau này.

Học sinh khuyết tật được hỗ trợ cải thiện tình trạng rối loạn giác quan.

Học sinh khuyết tật được hỗ trợ cải thiện tình trạng rối loạn giác quan.

Toàn tỉnh hiện có 26.669 người khuyết tật, trong đó có 24.235 người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên; 23.605 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; 179 người khuyết tật đủ điều kiện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 1.349 HS khuyết tật được học hòa nhập; 71 HS được tuyển vào lớp 10; 27 HS được xét miễn thi tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh có 4 cơ sở giáo dục chuyên biệt với 374 HS.

Bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, khoản 1 Điều 45 Luật Người khuyết tật quy định: “Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội”. Như vậy, người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên, có gia đình nuôi dưỡng, chăm sóc sẽ không được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Điểm đ khoản 2 Điều 2 Quyết định số 2059, ngày 31-8-2023 của UBND tỉnh về tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, sáp nhập Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội thị xã Ninh Hòa, tổ chức lại Trung tâm Bảo trợ xã hội Khánh Hòa thành Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh cũng quy định, đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội (không bao gồm người khuyết tật thần kinh, tâm thần, rối nhiễu tâm trí từ đủ 16 tuổi trở lên) thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng. Vì vậy, cơ sở này cũng không có nhiệm vụ tiếp nhận người khuyết tật có nhu cầu vào chăm sóc có thu phí.

Theo ông Phạm Thái Đài - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, tất cả người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên có nguyện vọng, đủ điều kiện theo Luật Người khuyết tật đều được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội. Hiện nay, các cơ sở trợ giúp xã hội công lập chưa đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị… để tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc có thu phí đối với người khuyết tật có nhu cầu.

NHÓM P.V

Kỳ 2: Mở ra hướng đi mới

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202409/tuong-lai-cho-hoc-sinh-khuyet-tat-ky-1-dut-gay-duong-hoc-c8d3a78/