Tương lai của bao bì xanh

Tập đoàn Amcor, một trong những công ty hàng đầu thế giới về bao bì, vừa khai trương một trung tâm nghiên cứu mới tại Gand (Bỉ).

Nhiệm vụ chính của trung tâm này là phát triển các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Tập đoàn Amcor. Ảnh: Amcor

Tập đoàn Amcor. Ảnh: Amcor

Tại khu công nghiệp ngoại ô Gand, tòa nhà mới toanh của trung tâm nghiên cứu và phát triển Amcor trải dài trên diện tích 5.000 m². Tập đoàn bao bì khổng lồ này (với 41.000 nhân viên và doanh thu 14,7 tỷ USD) đã đầu tư 24 triệu euro vào khu vực nhà máy sản xuất màng nhựa tại Bỉ để xây dựng trung tâm, với mục tiêu phục vụ thị trường châu Âu.

Bên trong trung tâm, khoảng 50 chuyên gia đang miệt mài nghiên cứu để tạo ra các loại bao bì của tương lai. Đây là một thách thức lớn, khi ngành công nghiệp bao bì đang phải tự đổi mới.

Quy định mới của Ủy ban châu Âu (EC) về bao bì và chất thải bao bì, được thông qua vào tháng 4 vừa qua, yêu cầu giảm khối lượng bao bì và làm cho chúng trở nên bền vững hơn, bằng cách đảm bảo chúng có thể tái chế, tái sử dụng, và được làm từ vật liệu tái chế. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà trước hết các nhà sản xuất bao bì phải giải quyết, dưới áp lực từ các khách hàng lớn của họ là các thương hiệu nổi tiếng.

* Cam kết của Amcor

Amcor đã không chờ đợi đến khi có quy định của châu Âu mới bắt đầu hành động. "Từ năm 2018, chúng tôi đã quyết định xem xét lại danh mục sản phẩm của mình", bà Delia Harabula, trưởng bộ phận bền vững, cho biết. "Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chỉ sử dụng các loại bao bì có thể tái chế, có thể phân hủy hoặc có thể tái sử dụng". Đến cuối năm 2023, tỷ lệ này đã đạt 90%. Công ty cũng đã nâng cao tham vọng về việc sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, với mục tiêu đạt 30% vào năm 2030.

Tại trung tâm nghiên cứu ở Gand, nhiều hướng đi đang được khám phá để làm cho bao bì "xanh" hơn. Đầu tiên là thiết kế để tái chế. Các sản phẩm được thiết kế ngay từ đầu để có thể tái chế. Để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ, trung tâm nghiên cứu được trang bị một phòng thí nghiệm mô phỏng các điều kiện tái chế bao bì.

Amcor đang đặc biệt chú trọng đến vấn đề bao bì đa vật liệu, bao gồm các lớp nhựa và nhôm dán chồng lên nhau, thường được sử dụng cho đựng thức ăn cho thú cưng, cà phê, túi đựng trái cây nghiền... Đây là cơn ác mộng của các trung tâm phân loại vì các vật liệu khác nhau gần như không thể tách rời.

Để giải quyết vấn đề này mà vẫn giữ được các lớp bảo vệ khác nhau, Amcor đã phát triển một loại bao bì đa lớp làm từ một loại vật liệu duy nhất. "Tất cả các lớp đều làm từ polypropylene, nhưng mỗi lớp có các tính chất khác nhau như chống oxy hóa, mùi, ánh sáng...", ông Toon Coppejans, Giám đốc marketing và đổi mới, giải thích. "Để đạt được những tính chất này, chúng tôi sử dụng các loại nhựa khác nhau và các phương pháp xử lý cơ học để thay đổi đặc tính của vật liệu".

Một hướng khác là điều chỉnh kích thước bao bì để giảm trọng lượng. Các nhà nghiên cứu của Amcor đang phát triển các màng nhựa mỏng hơn và thay thế nhựa cứng bằng nhựa dẻo. "Sử dụng ít vật liệu hơn, do đó giảm lượng CO2 sản xuất", ông Toon Coopejans cho biết. "Chúng tôi cũng đang phát triển các giải pháp thay thế có thể tái sử dụng. Bên cạnh chai dầu gội cứng, chúng tôi cung cấp các túi nhựa dẻo để đựng lại. Các thương hiệu ngày càng quan tâm đến những giải pháp này. Một số thậm chí yêu cầu chúng tôi chỉ phát triển các loại túi. Chúng tôi chưa đạt đến mức đó. Cần phải giải quyết các vấn đề về độ ổn định. Túi phải có khả năng đứng thẳng trên bề mặt".

Các sản phẩm thân thiện với môi trường của Amcor. Ảnh: Amcor

Các sản phẩm thân thiện với môi trường của Amcor. Ảnh: Amcor

* Sự lên ngôi của giấy

Amcor cũng đang khám phá việc sử dụng các vật liệu thay thế. "Xu hướng lớn trong ngành là chuyển sang sử dụng giấy", ông Toon Coppejans giải thích. Điều này có nghĩa là thay thế nhựa bằng giấy. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế không phải vậy. Giấy dễ rách và không chống thấm nước. Thường cần phải thêm một lớp màng nhựa để giữ các tính chất bảo vệ và độ bền của bao bì, điều này có thể gây ra vấn đề khi tái chế. Trong quá trình này, các sợi giấy và màng nhựa được tách ra. Các bao bì thực phẩm bằng giấy có thể tái chế được thiết kế rất đặc biệt, để ít nhất 80% sợi giấy được thu hồi.

Trong một số ứng dụng, việc chuyển sang dùng giấy có lợi, nhưng trong những trường hợp khác thì không. Để biết được điều gì là tốt nhất cho môi trường, cần phải thực hiện phân tích vòng đời của sản phẩm. Ông Toon Coppejans nhấn mạnh: "Ở nhiều quốc gia, việc thu gom rác thải giấy được tổ chức tốt hơn so với rác thải nhựa, điều này ủng hộ việc sử dụng giấy".

Để giúp các thương hiệu đưa ra lựa chọn đúng đắn, Amcor đã phát triển một công cụ - dựa trên hơn 1.600 phân tích vòng đời – cho phép tính toán lượng khí thải CO2 liên quan đến từng loại bao bì cũng như mức tiêu thụ nước của nó. Theo bà Delia Harabula, tất cả các thương hiệu ngày nay đều có chiến lược giảm thiểu carbon và đặt ra các mục tiêu về tính bền vững. Cung cấp cho họ loại dữ liệu này là rất quan trọng.

Trung tâm nghiên cứu mới của Amcor tại Gand không chỉ là một bước tiến trong công nghệ bao bì, mà còn là một cam kết mạnh mẽ đối với sự bền vững và bảo vệ môi trường. Với những nỗ lực không ngừng, Amcor đang tiên phong trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp bao bì, hướng đến một thế giới xanh hơn và bền vững hơn./.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-cua-bao-bi-xanh/341002.html