Tương lai của HLV Park: Không thể theo vết xe đổ Calisto
Bóng đá Việt Nam cần ông Park nhưng ông Park cũng khó sống thiếu Việt Nam. Rời Việt Nam với HLV Park Hang-seo cũng là trò quay xổ số mà phần thắng khó thuộc về người chơi.
HLV Park Hang-seo có gì trước khi tới Việt Nam? 2 năm thất nghiệp ở Hàn Quốc, làm việc tại đội hạng Ba Changwon City.
Bóng đá Việt Nam có gì trước thời ông Park? 9 năm liên tiếp vắng mặt ở các trận chung kết khu vực, thảm bại 0-3 trước Thái Lan tại SEA Games 2017.
Một bên sắp hết thời, một bên là nền bóng đá thất bại. Vậy mà khi kết hợp lại, đôi bên đã cùng tạo nên hàng loạt chiến công.
Chúng ta đã nói rất nhiều về giả thuyết bóng đá Việt Nam không có Park Hang-seo. Vậy còn điều ngược lại? Sẽ ra sao nếu ông Park không có bóng đá Việt Nam?
HLV Park Hang-seo xuất chúng nhưng không phải tất cả
Năm 2014, FOX Sport lần đầu dùng khái niệm “Next Generation” (thế hệ mới) để nói về lứa Công Phượng của bóng đá Việt Nam. Năm 2016, họ sử dụng khái niệm mới “Rising Generation” (thế hệ đang lên).
Lứa đầu tiên là những cầu thủ trưởng thành từ Học viện HAGL JMG, chơi thứ bóng đá kiểm soát, ban bật, đã đóng góp rất nhiều cho tuyển Việt Nam mà đỉnh cao là danh hiệu Quả bóng bạc của Xuân Trường hồi năm 2016. Lứa thứ hai xuất sắc hơn, gồm những cái tên tới từ PVF, Viettel và nhất là CLB Hà Nội. Lứa cầu thủ này đưa Việt Nam tới World Cup trẻ đầu tiên trong lịch sử.
Những người như Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Duy Mạnh... đều trưởng thành từ các lò đào tạo mới xuất hiện sau niềm cảm hứng chiến thắng của AFF Cup 2008. Chức vô địch ở Mỹ Đình ngày ấy truyền cảm hứng cho những người làm bóng đá Việt, giúp họ có thêm niềm tin vào con đường phía trước, khiến họ hiểu rằng đào tạo trẻ là cách tốt nhất đưa nền bóng đá tiến về tương lai.
Niềm tin và cảm hứng ấy đã dẫn tới sự ra đời của Học viện JMG hồi năm 2007, Viettel, PVF 2008, CLB Hà Nội 2009... Gần một thập kỷ sau ngày đó, những lò đào tạo ấy giờ là nòng cốt của 2 đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam dưới thời Park Hang-seo.
Họ không phải thành tựu riêng của thầy Park.
Nếu nền bóng đá là một hình nón thì tuyển quốc gia là đỉnh, bóng đá phong trào, đào tạo trẻ là chân đế. Đỉnh muốn cao và xa thì chân đế phải mạnh. Thành công lâu dài, bền bỉ thì nền móng phải vững vàng. Những chiến thắng liên tiếp của HLV Park Hang-seo trong một năm rưỡi vừa qua là bằng chứng khẳng định chân đế của các đội tuyển. Đó rõ ràng là công sức của VFF, các CLB và hệ thống đào tạo trẻ.
HLV Park Hang-seo xuất chúng nhưng vai trò của ông chỉ giới hạn ở 2 đội tuyển.
Ngay cả tại đó, ông cũng chỉ là thủ lĩnh trong một tập thể có hơn 30 con người. Ông Park biết ra lệnh nhưng ông cũng cần những người đủ khả năng thực hiện mệnh lệnh. Tài năng của Quang Hải, cái chân trái của Văn Hậu, tính đột biến từ Công Phượng, tư duy chiến thuật của Xuân Trường, những điều đó ông Park không tạo ra được.
Bóng đá Việt Nam may mắn vì có Park Hang-seo nhưng ông Park cũng may mắn vì đang sở hữu “thế hệ vàng” Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam đã thay đổi sự nghiệp của thầy Park
Ngày còn ở Hàn Quốc, Park Hang-seo chưa từng là một HLV danh tiếng. Sự nghiệp của ông phần lớn gắn liền với các CLB nhỏ, chưa từng vô địch K.League, chưa được góp mặt tại Champions League châu Á. Đỉnh cao của ông trước khi tới Việt Nam là thành tích hạng 4 World Cup 2002 với vai trò trợ lý Guus Hiddink. Tuy nhiên, khi được bổ nhiệm dẫn dắt U23 Hàn Quốc dự ASIAD ngay sau đó, ông không thể đưa đội bóng tới ngôi vô địch và bị sa thải.
Thất bại ở Á vận hội chôn vùi sự nghiệp của ông Park. 2 năm trước khi tới Việt Nam, HLV Park Hang-seo còn thất nghiệp. Khi VFF tìm tới, ông đang dẫn dắt đội hạng Ba Changwon City. Bản CV của ông Park so với 2 người tiền nhiệm Toshiya Miura hay Nguyễn Hữu Thắng không có gì nổi trội.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi ông có mặt ở Việt Nam.
Bối cảnh bóng đá Việt Nam năm 2017 cũng mang tới thuận lợi cho HLV người Hàn Quốc. Khi ấy, tuyển Việt Nam vừa thua Indonesia ở AFF Cup, U23 Việt Nam thảm bại trước Thái Lan tại SEA Games. Khi tuyển U23 sang Trung Quốc dự vòng chung kết U23 châu Á 2018, rất ít phóng viên Việt Nam đi theo. Điều đó khiến ông Park không phải chịu áp lực, không bị kỳ vọng nhiều.
Về lối chơi, ông Park tiếp quản Việt Nam sau 2 thất bại liên tiếp của Hữu Thắng. Những kết quả ấy khiến bóng đá Việt Nam tỉnh ngộ, hiểu rằng kiểm soát bóng, ban bật không phải là con đường phù hợp đưa đội tuyển tới thành công.
Hãy tưởng tượng nếu ông Park tới Việt Nam hồi năm 2014, lối chơi phòng ngự thực dụng sẽ khiến ông phải nhận bao nhiêu chỉ trích? (như HLV Miura từng trải qua).
Với truyền thông, ông Park có lẽ là HLV nhận được nhiều sự ưu ái nhất. Ông được bầu Đức tham gia tuyển chọn, hỗ trợ trả lương nên nhận được ủng hộ tuyệt đối từ HAGL. Ông tận dụng quân bầu Hiển, nâng tầm Quang Hải nên được phía Hà Nội yêu quý.
Ông là HLV hiếm hoi khiến HLV Lê Thụy Hải phải đề nghị “để yên cho ông ấy làm việc”. Chiến thắng, các danh hiệu khiến ông dễ dàng thu phục nhân tâm. Càng có nhân tâm, công việc của ông với bóng đá Việt Nam càng dễ dàng.
Bài học từ thất bại của Henrique Calisto
Tháng 3/2011, HLV Henrique Calisto chia tay Việt Nam sau lời mời từ CLB Muangthong United. Tại Thái Lan, ông nhận lương hơn 30.000 USD/tháng, cao gấp rưỡi Việt Nam nhưng bị sa thải chỉ sau nửa năm dù thành tích không quá tệ. Đó có phải bài học cho thầy Park?
Ở Việt Nam, những người như Calisto hay Park Hang-seo là truyền kỳ, tượng đài bất tử. Nhưng đến một môi trường khác, họ chẳng là gì. Bóng đá không phải câu chuyện của ngày hôm qua. Bóng đá là chuyện của hôm nay, của chiến thắng, của điểm số. Sẽ rất khó để ông Park lặp lại những chiến tích vừa qua, rất khó để ông đạt được vị thế hiện tại ở bất kỳ nơi nào khác ngoài Việt Nam.
Tại tuyển Việt Nam, ông Park nhận lương 20.000 USD/tháng. Con số ấy được hứa hẹn tăng lên 40.000, 50.000 hay cao hơn nữa nếu VFF không phải trả thuế cho Nhà nước.
Nhưng lương không phải là vấn đề duy nhất. Việt Nam là nơi ông Park đã xây dựng được thương hiệu, khẳng định được danh tiếng. Thứ giá trị vô hình ấy không gì có thể đo đếm nổi. Có thể dễ dàng đưa ra một danh sách dài các thương hiệu lớn đang gắn liền hình ảnh với HLV vĩ đại nhất lịch sử tuyển Việt Nam.
Thành công đã qua thậm chí biến Park Hang-seo thành một biểu tượng, cầu nối cho mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. Hiếm có công dân Hàn Quốc nào liên tục được Tổng thống hỏi thăm, mời dùng bữa, liên tục được báo chí vây quanh dù chỉ làm việc ở “vùng trũng” bóng đá.
Cuộc bầu chọn của Realmeter tiến hành hồi cuối năm ngoái mang tới một kết quả bất ngờ: 25% số người được hỏi chọn Tổng thống Moon Jae-in là nhân vật ấn tượng nhất Hàn Quốc. Người về thứ hai là Park Hang-seo (16,7%), xếp trên cả hiện tượng âm nhạc toàn cầu BTS (9,9%).
30 năm cống hiến tại Hàn Quốc, vào tới bán kết World Cup, những điều ấy cũng không giúp Park Hang-seo đạt được vị thế lớn đến vậy tại quê nhà. Vậy mà chỉ một năm rưỡi ở Việt Nam, ông đã có tất cả.
Tóm lại, bóng đá Việt Nam cần ông Park nhưng ông Park cũng cần Việt Nam. Rời Việt Nam với ông Park cũng là trò quay số trúng thưởng mà phần thắng rất hiếm khi thuộc về người chơi. Với cả đôi bên, tiếp tục mối quan hệ hiện tại là phương án có lợi hơn cả.