Tương lai của việc làm: Bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp 4.0
Bắt kịp sự thay đổi của thế giới việc làm 4.0, người lao động phải có kỹ năng học hỏi không ngừng và một hệ thống giáo dục nghề nghiệp linh hoạt.
Công nghệ có thể giải phóng người lao động khỏi những công việc vất vả về thể chất, nguy hiểm. Công nghệ số đang mang đến cơ hội để cải thiện mức độ an toàn của công việc nhưng đồng thời cũng tạo ra trở ngại rất lớn đối với người lao động khi nó đang thay đổi các vị trí việc làm và yêu cầu kỹ năng mới.
Khi bàn luận về công nghệ và tương lai của việc làm tại Việt Nam, không thể không nói đến vấn đề tự động hóa, máy móc thay thế con người. Những thách thức trong việc đào tạo lại kỹ năng cho người lao động thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng lớn.
Và, đã đến lúc, giáo dục nghề nghiệp phải thực sự đổi mới toàn diện.
Bài 1: Việc làm thời 4.0: Thay đổi lớn về yêu cầu kỹ năng
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, người lao động sẽ phải có những kỹ năng thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường khi hàng triệu việc làm mất đi bởi robot và những việc làm mới, yêu cầu công việc mới ra đời.
“Cuộc chiến” giữa con người và robot
Các chuyên gia cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi bản chất của các công việc trong tương lai. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của cách mạng công nghiệp này không hẳn là mất việc làm mà chính là thay đổi về yêu cầu của công việc.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, nếu hội nhập tác động tới thị trường lao động theo xu hướng đem đến cho thị trường này một chiều đo quốc tế thì cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh hơn nhiều. Nó khiến thị trường lao động chuyển hóa sang một giai đoạn phát triển mới, hình thành thế giới việc làm 4.0.
“Trong thế giới việc làm 4.0, con người cạnh tranh với robot trong một môi trường làm việc số hóa và tự động. Trong cuộc cạnh tranh này, robot sẽ thay thế con người trong một loạt công việc và nghiệp vụ lặp đi lặp lại, dù là trí óc hay chân tay. Nhưng chính nhờ được giải phóng khỏi việc làm nhàm chán, con người sẽ có điều kiện và bắt buộc phải phát huy hết tiềm năng của mình để vượt lên robot,” ông Phạm Đỗ Nhật Tiến nói.
Theo Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng tại Việt Nam giai đoạn 2018-2022 của Navigos Group, 42% các chuyên gia cho rằng robot sẽ thay con người ở nhóm nghề có tính chất lặp lại như “hành chính và thư ký.” Mặc dù ngành nghề “hành chính và thư ký” đang nằm ở top 3 có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2018, nhưng trong 5 năm tới ngành nghề này được dự đoán sẽ gặp phải sự sụt giảm vì có thể bị thay thế bởi máy móc.
Các nhân tố khoa học công nghệ sẽ thay đổi thị trường lao động trong 5 năm tới chính là robot hóa và tự động hóa. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin gồm sự phát triển của mạng di động, công nghệ điện toán đám mây, năng lực xử lý của máy tính và dữ liệu lớn sẽ thay đổi thị trường lao động. Nhóm ngành kỹ sư và kỹ thuật cao là nhóm có triển vọng phát triển mạnh nhất trong vòng 5 năm tới.
Học hỏi để ứng phó
Với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Lao động qua đào tạo tại Việt Nam chỉ chiếm hơn 60% tổng số lực lượng lao động, trong đó chỉ khoảng 21% được đào tạo có chứng chỉ và thời hạn đào tạo từ 3 tháng trở lên. Do đó, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động sẽ gặp thách thức rất lớn về kỹ năng thích ứng với sự thay đổi về thị trường lao động.
Bà Valentina Barcucci, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, nhiều thách thức về làm bền vững trong thị trường lao động của Việt Nam sẽ được giải quyết bằng kỹ năng.
“Con số hơn 19 triệu lao động phi chính thức sẽ giảm nếu trình độ học vấn được tăng lên. Thu nhập cũng sẽ tăng cùng với sự tăng lên của kỹ năng. Đặc biệt, vấn đề giờ làm việc quá mức sẽ được giải quyết khi giờ làm thêm ít đi do kỹ năng lao động cao hơn,” bà Valentina Barcucci nói.
Theo bà, “kim chỉ nam” để định hướng hệ thống kỹ năng nghề chính là đầu tư vào năng lực con người theo hướng hỗ trợ chuyển đổi, học tập suốt đời.
Bà Wendy Cunningham, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhấn mạnh, trong tương lai, người lao động vẫn cần được đào tạo, đòi hỏi trình độ cao hơn. Có 10 nghề được dự báo sẽ phát triển nhanh tại Việt Nam gồm: Lắp ráp; phụ bếp; sản xuất văn phỏng phẩm và vận hành máy; điện, điện tử; y tế; vệ sinh, giúp việc; khoa học, công nghệ; văn thư; kim khí, máy móc; dịch vụ khách hàng, trong đó có tới 6/10 ngành nghề mới đòi hỏi phải qua đào tạo.
Trong tương lai, các nhân tố khoa học công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, dẫn theo sự đòi hỏi về những kỹ năng phức tạp hơn như hợp tác, đánh giá, ra quyết định, quản lý con người, năng lực sáng tạo… Đặc biệt, các nhà tuyển dụng cho rằng học hỏi tích cực sẽ trở thành kỹ năng cơ bản cần thiết nhất của người lao động để đáp ứng được những thay đổi từ thị trường.
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, người lao động không thể chỉ có các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể mà còn phải có những kỹ năng rộng hơn, bao gồm các kỹ năng nền tảng tương đối để ứng phó với sự thay đổi, những kỹ năng người không thể thuật toán hóa như giao tiếp, hợp tác, tư duy phê phán, sáng tạo, hiếu kỳ, kiên trì, bao dung…
Khi tiến bộ công nghệ thay đổi thị trường lao động, yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng thay đổi nhanh chóng và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nhân tài. Một kỹ năng “mở” để học hỏi không ngừng sẽ giúp người lao động đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường lao động. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cũng phải đổi mới để hỗ trợ người lao động học tập suốt đời./.
Bài 2: Giáo dục nghề nghiệp phải làm gì để chạy đua với công nghệ?