Tương lai không sáng sủa của cây mía vùng Tây Nam Bộ
Người trồng mía miền Tây Nam Bộ không trông cậy vào nhà máy đường, còn nhà máy đường thì thua lỗ triền miên. Đó là một câu chuyện buồn về duyên nợ mía đường vùng này.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có trồng 5 công (1 công = 1.000m2) mía. Ông cho biết: “Gần 5 năm nay nhà tôi trồng mía không có lời. Giá mía bấp bênh từ 900 ngàn đến 1,3 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, 1 công mía khi thu hoạch lời từ 1 - 2 triệu đồng/vụ. Chính vì vậy nhiều người đã bỏ mía chuyển sang trồng cây khác”.
“Tôi biết một số nơi người ta hợp đồng với công ty mía đường để công ty đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, tình hình thu nhập vẫn không cải thiện mấy, không hấp dẫn người trồng mía”, ông Thanh nói thêm.
Chính vì thế, trên cánh đồng mía bạt ngàn dọc theo đường Quản Lộ - Phụng Hiệp đến Mỹ Tú (Sóc Trăng), giờ đây nông dân trồng thêm các loại cây khác như lúa, tràm, sầu riêng xen lẫn trong đó. Lý giải về việc chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân ở Phụng Hiệp nói rằng trồng mía bán cho nhà máy đường rất bấp bênh. Mấy năm nay, nhiều nông dân trong vùng trồng mía bán giá rất thấp nên không dùng vốn để tái canh.
Tuy nhiên, có những nông dân bị thua lỗ khi trồng mía, nhưng vẫn nhiều người có lời. Chính vì vậy, các cánh đồng mía ở Hậu Giang, Sóc Trăng đang dần hồi sinh.
Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã An Thạnh huyện Cù Lao Dung là nông dân trồng mía bán “mía lấy nước” cho các thương lái từ TP.HCM, Bình Dương. Ông Bảy cho biết: “Gia đình tôi trồng được 3 công mía. Do mía đẹp nên thương lái mua mão với giá 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 50 triệu đồng. So với trồng mía nguyên liệu làm đường thì trồng mía bán cho những người ép lấy nước lời cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, tùy thời điểm, tùy mía đẹp xấu mà giá cao hay thấp”.
Trao đổi với ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Hậu Giang, ông cho biết trước đây diện tích mía của tỉnh Hậu Giang lúc cao điểm hơn 12.000ha. Hiện nay diện tích mía còn hơn 2.500ha. Diện tích mía giảm nhiều bởi khoảng 4 - 5 năm nay người trồng mía bị thua lỗ vì giá cả bấp bênh. Để tạo ra vùng nguyên liệu cho nhà máy đường, Công ty Casuco có nhiều cải tiến như hỗ trợ giống, phân bón, kết nối, bao tiêu sản phẩm đối với người hợp đồng với Casuco... Tuy vậy, các biện pháp này vẫn chưa hấp dẫn người trồng mía do hiệu quả kinh tế không cao.
Cũng theo ông Long, vấn đề hiện nay là hiệu quả kinh tế, Công ty Casuco mua mía giá cao, nông dân trồng có lời bằng hoặc hơn các nông sản khác sẽ thu hút người dân tăng diện tích mía. Hiện nay người dân có quay lại trồng mía, tuy nhiên, đầu ra của nó là bán cho thương lái TP.HCM và các tỉnh mua đi bán lại cho người ép mía lấy nước. Vì vậy, giá mía có tăng cao, một số người trồng mía có lợi nhuận hấp dẫn nhưng ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo là thị trường này tiêu thụ không nhiều và không bền vững.
Trở lại chuyện công ty mía đường, trong những năm qua hoạt động phần lớn đều bị thua lỗ. Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) được xem là “đại gia” trong lĩnh vực này ở miền Tây. Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco đã có tờ trình số 04/TTr-HĐQT/2022 về việc thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022-2023. Mục tiêu được đơn vị này đề ra đối với sản lượng mía thô đưa vào sản xuất là 30.000 tấn (tương đương 28.800 tấn mía sạch). Theo kế hoạch, sản lượng đường sản xuất từ mía đạt 2.770 tấn; sản lượng đường tiêu thụ đạt 2.770 tấn với tổng doanh thu đạt 58.477 tỉ đồng.
Điều đáng chú ý, Casuco đặt mục tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trong niên vụ 2022-2023 lỗ 28,949 tỉ đồng. Đây là mức lỗ khá cao khi niên vụ 2021-2022 đơn vị này ghi nhận mức lỗ chỉ 1,951 tỉ đồng.
Gần đây, ngành sản xuất mía đường có nhiều khởi sắc sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định về áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan cũng như việc áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía.
Tuy nhiên, Casuco cho rằng tình hình nhập lậu đường và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp. Những việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong những lý do khiến Casuco đưa ra mục tiêu kết quả bi quan như trên.
Ngoài ra, việc thiếu mía nguyên liệu, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu bền vững cũng như tình hình vật tư nông nghiệp tăng cao… cũng chính là những lý do tác động đến kế hoạch lợi nhuận của Casuco.
Trước thực trạng này, một nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Hậu Giang có góp ý rất sát thực: “Vùng nguyên liệu mía đường Hậu Giang, Sóc Trăng rất lớn nhưng hiện nay gần như phá sản bởi người trồng mía không thể chịu đựng nổi trồng mía thu nhập bấp bênh và thua lỗ nhiều năm. Người ta không còn tin nhà máy đường đem lại sự khá giả cho họ nhờ trồng mía.
Người dân Hậu Giang hiện nay trồng mía là để cung cấp cho người bán nước mía. Việc này dù có thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng cung ứng cho nhà máy đường nhưng tương lai không bền vững.
Riêng về nhà máy đường, thời đại hội nhập, cạnh tranh, Casuco muốn lôi kéo nông dân về với mình hợp đồng sản xuất mía trước tiên Casuco phải có công nghệ tiên tiến, nông dân làm ăn với Casuco phải có lời hấp dẫn. Nếu kế hoạch năm 2022-2023 tiếp thục thua lỗ thì Casuco sẽ đi đến đâu và vùng nguyên liệu mía Hậu Giang, Sóc Trăng ngút ngàn ngày nào có thể chỉ còn trong dĩ vãng.