Tương lai nào chờ thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân Mỹ - Nga?
Đặc phái viên Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov sẽ thảo luận về những chủ đề đã được hai bên nhất trí liên quan đến tương lai của hoạt động kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Áo trong 2 ngày 22 và 23-6.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19-6 cho biết thông tin này, đồng thời nói thêm nước này đã gửi lời mời Trung Quốc tham gia cuộc gặp. Washington cũng nói rõ sự cần thiết của việc cả 3 nước theo đuổi đàm phán về kiểm soát vũ khí một cách thiện chí.
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump không ít lần kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán với Mỹ và Nga về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân thay thế Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), ký kết năm 2010 và dự kiến hết hạn vào tháng 2-2021. Hiệp ước này cho phép Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân.
Hãng thông tấn Tass (Nga) dẫn lời ông Billingslea khẳng định một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới nên bao gồm cả các kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc. "Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Tất nhiên đó là mối bận tâm lớn" - Đại sứ Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí Robert A. Wood nói với đài CBS News. Ông Wood cho rằng Mỹ sẽ không cho phép Nga và Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường kho vũ khí hạt nhân.
Được cho là đang sở hữu khoảng 300 vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ đề xuất của ông Donald Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17-6 cho rằng việc Mỹ nỗ lực đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân là vô lý bởi Washington liên tục tìm cách vi phạm các cam kết trong thỏa thuận hiện có.
Với câu trả lời của Trung Quốc, Washington và Moscow hiện có 3 lựa chọn: Soạn thảo hiệp ước mới, gia hạn New START thêm 5 năm hoặc không có hiệp ước nào liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến lược. Một số nhà quan sát nhận định việc khăng khăng mời Trung Quốc tham gia đàm phán cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không có ý gia hạn New START. Theo họ, Washington sẽ để hiệp ước này hết hiệu lực, lấy cớ Trung Quốc không quan tâm đến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí 3 bên.