Tương lai 'nghiệt ngã' của thế hệ lao động nhập cư lớn tuổi Trung Quốc
Từng là một bộ phận quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc, những người lao động nhập cư cao tuổi đang đứng trước tương lai mịt mờ và bấp bênh khi đứng trước nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường do những thay đổi trong chính sách tuyển dụng và các quy định mới về an toàn nơi làm việc ngày càng nghiêm ngặt.
Một buổi sáng tháng Tư, ngay từ tờ mờ sáng, Hội chợ việc làm Shuitun ở ngoại ô Bắc Kinh đã nhộn nhịp người tìm việc.
Giống như rất nhiều hội chợ việc làm khác chuyên cung cấp các việc làm ngắn hạn, Hội chợ Shuitun tập trung khá nhiều người lao động lớn tuổi. Phần lớn người lao động là nam giới, dáng người khắc khổ, khuôn mặt rám nắng, thô ráp, những nếp nhăn hằn sâu theo năm tháng. Họ mang theo những túi vải với đủ loại công cụ, xẻng, thước đo và găng tay…
Nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường lao động
Những người lao động nhập cư lớn tuổi từng là một bộ phận quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc. Họ chủ yếu sinh vào những năm 1950-1960, trưởng thành và bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động từ những năm 1980-1990 khi Trung Quốc bắt đầu quá trình cải cách và mở cửa.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố tháng 4/2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có 300 triệu lao động nhập cư vào năm 2021, trong đó những người trên 50 tuổi hiện chiếm 27,3%, tương đương khoảng 80 triệu người.
Mặc dù đã có nhiều năm đóng góp, nhiều người lao động lớn tuổi Trung Quốc đang bị đào thải khỏi thị trường do những thay đổi trong chính sách tuyển dụng và các quy định mới về an toàn nơi làm việc ngày càng nghiêm ngặt.
Số lượng nam công nhân ở độ tuổi trên 55 tại nhiều công trường xây dựng lớn của Bắc Kinh đang giảm dần. Nhiều người được hỗ trợ rất ít hoặc gần như không được hỗ trợ thất nghiệp do trình độ học vấn thấp, kỹ năng hạn chế và năng lực làm việc giảm sút.
Phần lớn các người lao động nhập cư đều xuất thân từ các làng quê. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc năm 2021, bình quân các hộ nông dân sở hữu trang trại rộng khoảng nửa ha.
Với quy mô khá nhỏ, người nông dân thường thu được rất ít lợi nhuận từ hoạt động nông nghiệp. Mặc dù chính quyền đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích và trợ cấp thuế, rất khó để người nông dân có thể thực sự kiếm sống bằng nghề nông.
Ông Wang Kaipin (60 tuổi), một công nhân nhập cư cho biết, thu nhập ròng hàng năm của gia đình từ nghề nông chỉ dừng ở mức 10.000 NDT (khoảng 1.500 USD), sau khi trừ đi chi phí hạt giống, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.
Trong khi đó, chi tiêu hộ gia đình cho một gia đình 3 người ở vùng nông thôn Trung Quốc ít nhất là 30.000 NDT/năm. Vì vậy, lên thành phố làm việc là cách duy nhất để ông Wang có thể nuôi sống gia đình mình.
Bằng nghề hàn, ông Wang có thể kiếm được 60.000 NDT/năm. Với số tiền kiếm được trong nhiều thập kỷ, ông đã trả hết được khoản vay lãi cao 3.000 NDT vay mua nhà, học phí từ 7.000 – 30.000 NDT/năm cho 2 người con và chi phí vài chục nghìn NDT để chi trả cho việc phẫu thuật của vợ.
Hai năm trước, con trai ông Wang cần chi trả 400.000 NDT để mua nhà và ông đã lấy hết số tiền tiết kiệm có được trong nhiều năm để đưa cho con trai. Ông nói: “Tôi lại trở về con số 0, sau nhiều thập kỷ làm việc”.
Khó "chồng" khó
Thời gian qua, các ngành công nghiệp sản xuất, xây dựng và dịch vụ cấp thấp từ lâu đã thu hút được lượng lớn lao động nhập cư vì mức độ dễ kiếm việc làm.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố vào tháng Tư vừa qua, tỷ lệ lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng lần lượt là 27,1% và 19%, trong khi con số này trong ngành dịch vụ là 50,9%.
Tuy nhiên, với sự chuyển đổi và nâng cấp của các khối ngành này, cùng chính sách tuyển dụng chặt chẽ hơn, khả năng hấp thụ lao động nhập cư đang giảm dần.
Vì lý do an toàn tại nơi làm việc, một số thành phố như Thượng Hải, Thiên Tân và Thâm Quyến trong những năm gần đây đã ban hành lệnh hạn chế công nhân xây dựng nhập cư, đặc biệt là các lao động cao tuổi. Đơn cử như tại Thượng Hải, giới hạn độ tuổi trong ngành xây dựng được quy định là 60 đối với nam và 50 đối với nữ.
"Chúng tôi thường sẽ không thuê công nhân trên 55 tuổi”, một quản đốc có trụ sở tại Bắc Kinh, người phụ trách một dự án xây dựng và phá dỡ nói.
Theo người này, khi tìm người cho một dự án phá dỡ trước đây ở quận Trường Bình, Bắc Kinh, ông đã tuyển dụng 200 người, bao gồm 150 công nhân trẻ và 50 công nhân lớn tuổi. Vai trò của những công nhân lớn tuổi là thay thế những người lao động trẻ tuổi trong thời gian họ nghỉ ngơi, mức lương của họ vì thế cũng thấp hơn tương ứng.
Một thách thức nữa đối với người lao động nhập cư cao tuổi là phần lớn đều không có hợp đồng lao động chính thức nên họ đều không được đóng bảo hiểm xã hội. Mặc dù người lao động có thể khởi kiện khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm, nhưng đa số đều e ngại do thiếu kiến thức và chi phí khởi kiện cao.
Khi đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ ba thì việc tìm kiếm việc làm thời vụ ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với những người lao động cao tuổi nhập cư. Ông Niu Changfu, một công nhân nhập cư 67 tuổi, cho biết: “Cơ hội làm việc chỉ còn ít hơn một nửa so với trước đại dịch. Thời gian để tìm được việc làm ngày càng dài: từ ba, bốn ngày đến một hoặc hai tháng”.
Những cuộc "di cư ngược"
Sau nhiều thập kỷ trôi dạt từ thành phố này sang thành phố khác, việc trở về quê hương đã trở thành lựa chọn duy nhất của một số người lao động nhập cư cao tuổi.
Hiện tại, chỉ những thành phố có dân số dưới 3 triệu người mới nới lỏng triệt để các yêu cầu về cư trú. Đối với các thành phố có dân số trên 3 triệu người, việc đáp ứng các yêu cầu về cư trú ngày càng trở nên khó khăn khi dân số tại các thành phố lớn hơn.
Ví dụ, ở một siêu đô thị như thủ đô Bắc Kinh, để đủ điều kiện cư trú, người lao động nhập cư cần phải đáp ứng các yêu cầu về giáo dục, đủ điều kiện tài chính tốt… mà không phải người nào cũng đủ tiêu chuẩn.
Tại thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, điều kiện để được định cư là người lao động nhập cư phải đóng bảo hiểm xã hội 3 năm liên tục, có nơi ở hợp pháp, ổn định và thêm một số điều kiện khác.
Trong khi đó, những người lao động nhập cư chủ yếu lại làm trong khu vực phi chính thức, có tính lưu động cao, tỷ lệ được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội rất thấp. Tính đến cuối tháng 6/2020, đã có 63,75 triệu lao động nhập cư trên toàn quốc tham gia hưởng lương hưu của người lao động, khoảng 22%.
Một cuộc khảo sát do Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh thực hiện vào năm 2018 cho thấy, trong hơn 15.000 người được hỏi, chỉ 77% cư dân thành thị được tham gia chương trình lương hưu cơ bản của người lao động do nhà nước quản lý, trong khi tỷ lệ cư dân nông thôn chỉ là 6,3%.
Theo chương trình, mức chi trả lương hưu trung bình hàng tháng là 2.500 NDT cho những người nghỉ hưu từ các tập đoàn và 4.000 NDT cho những người làm trong khu vực công lập.
Hơn 82% người dân sinh sống ở vùng nông thôn được chương trình lương hưu cư dân cơ bản do nhà nước điều hành chi trả, với mức trung bình hàng tháng là 100 NDT cho những người trên 60 tuổi, thấp hơn nhiều so với mức lương hưu cơ bản cho người lao động.
Rất ít trong số hàng chục công nhân được phỏng vấn có kế hoạch tài chính khi về hưu rõ ràng. Phần lớn quan tâm nhiều hơn đến việc đáp ứng chi phí sinh hoạt hàng ngày, chi phí cho thế hệ sau và đều có quan điểm rằng quỹ hưu trí sẽ là số tiền tiết kiệm sau nhiều năm làm việc chăm chỉ.
(theo Caixin)