Các công ty nước ngoài sẽ được thử nghiệm vũ khí trên tiền tuyến Ukraine?
Sáng kiến của tổ chức Brave1 do chính phủ Ukraine tài trợ cho phép các công ty nước ngoài thử nghiệm vũ khí và cải tiến tính năng ngay trên tiền tuyến tại nước này.
Ngày 17-7, Brave1 - nền tảng đổi mới quốc phòng do chính phủ Ukraine tài trợ - đã công bố một sáng kiến mới, cho phép các công ty nước ngoài thử nghiệm công nghệ quân sự trực tiếp trên chiến trường tại Ukraine, theo tờ The Kyiv Independent.
Sáng kiến mang tên "Thử nghiệm tại Ukraine" được công bố ở hội nghị LANDEURO do Hiệp hội Lục quân Mỹ tổ chức cùng ngày tại Wiesbaden (Đức).
Theo Brave1, sáng kiến thử nghiệm vũ khí trên sẽ cho phép các công ty và chính phủ nước ngoài phát triển các giải pháp cho những thách thức thực sự của chiến tranh ngay trên tiền tuyến tại Ukraine. Họ cũng sẽ có thể nhận phản hồi tức thì từ binh lính và cải tiến sản phẩm quân sự dựa trên kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Binh sĩ Ukraine đang chuẩn bị máy bay không người lái ở Pokrovsk (tỉnh Donetsk) ngày 28-6. Ảnh: Francis Farrell/The Kyiv Independent
“Nó giúp chúng tôi hiểu rõ những công nghệ nào hiện đang sẵn có. Nó cũng giúp các công ty hiểu được điều gì thực sự hiệu quả trên tuyến đầu” - ông Artem Moroz, người phụ trách quan hệ với các nhà đầu tư của Brave1, nói với hãng tin Reuters tại hội nghị.
Những ưu tiên hàng đầu trong sáng kiến thử nghiệm vũ khí tại Ukraine bao gồm máy bay không người lái (UAV), tên lửa, hệ thống chống UAV, đạn dược, vũ khí laser,...
Brave1 sẽ cung cấp hai hình thức tham gia sáng kiến thử nghiệm vũ khí. Theo đó, các công ty nước ngoài có thể đến Ukraine để tham gia thử nghiệm, hoặc công ty cung cấp đào tạo trực tuyến, còn phía Ukraine thực hiện đánh giá độc lập và gửi báo cáo chi tiết.
Nhằm thúc đẩy các công ty quốc phòng quốc tế tham gia, Brave1 đã phát hành hướng dẫn để các công ty dễ dàng nhập khẩu thiết bị quân sự phục vụ thử nghiệm vũ khí vào Ukraine.
Hướng dẫn cũng đưa ra các vấn đề thực tế trong quá trình thử nghiệm để các công ty xử lý. Chẳng hạn, khi thiết bị bị hư hỏng hoặc phá hủy trong quá trình thử nghiệm, các công ty có thể quyên tặng thiết bị hư hỏng cho Ukraine hoặc vận chuyển ngược lại về nước.
Sáng kiến thử nghiệm vũ khí tại Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Nga vẫn đang duy trì các đợt tấn công dữ dội trên toàn bộ chiến tuyến và tăng cường các cuộc không kích vào các thành phố của Ukraine trong thời gian qua.