Slovakia quay ngoắt vào phút chót, EU 'bật đèn xanh' gói trừng phạt thứ 18 với Nga, siết chặt mọi con đường
Thủ tướng Slovakia Robert Fico vừa cho biết, quốc gia này đã nhận được sự đảm bảo từ EU liên quan đến giá khí đốt và nguồn cung. Các đại sứ EU lập tức dự kiến thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga ngay trong ngày 18/7, sau khi Slovakia rút quyền phủ quyết.

Slovakia 'quay ngoắt' vào phút chót, EU ráo riết hoàn tất gói trừng thứ 18 nhằm vào Nga. Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Slovakia Robert Fico trong một cuộc gặp tại Nga. (Nguồn: TASS)
Các đại sứ EU dự kiến sẽ phê duyệt gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga vào hôm nay 18/7, sau khi Slovakia tuyên bố bỏ chặn các lệnh trừng phạt mới của EU đối với Nga.
Trước đó, Slovakia đã chặn gói trừng phạt Nga do lo ngại về một đề xuất riêng của EU, nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt từ Moscow. Thủ tướng Slovakia Robert Fico vừa cho biết, nước này sẽ chấm dứt việc chặn gói trừng phạt mới của EU đối với Nga.
Slovakia vốn đã trì hoãn gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga do lo ngại về một kế hoạch riêng của EU nhằm ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga bắt đầu từ năm 2028. Ông Fico cho rằng, việc tiếp tục chặn các lệnh trừng phạt của EU là “phản tác dụng”.
Bất kỳ gói trừng phạt mới nào cũng cần có sự chấp thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Trước đó, ngày 15/7, trước khi bắt đầu cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại, Đại diện cấp cao của EU Kaja Kallas đã từng đưa ra tuyên bố rằng - EU kỳ vọng đạt được thỏa thuận chính trị về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, ngay trong ngày.
Tuy nhiên, mục tiêu của EU đã không thể đạt được do lá phiếu phủ quyết của Slovakia, vì những bất đồng liên quan quan điểm trừng phạt Nga, có thể tác động mạnh lên lợi ích kinh tế của quốc gia này, mà mấu chốt là việc bảo đảm nguồn cung khí đốt tự nhiên trong tương lai với mức giá hợp lý.
Slovakia hiện đang có hợp đồng nhập khẩu khí đốt với Nga đến hết năm 2034. Bratislava phải đối mặt nhiều vấn đề khi nguồn cung khí này bị cắt, như giá cả tăng, mất nguồn thu từ phí trung chuyển, đồng thời phải trả thêm chi phí vận chuyển nếu chuyển sang nhập khẩu từ các nguồn khác. Ngoài ra, Slovakia còn đứng trước nguy cơ bị Tập đoàn Gazprom của Nga kiện ra tòa do vi phạm hợp đồng đã ký kết.
Thủ tướng Robert Fico cũng từng nói rõ - không phản đối gói trừng phạt thứ 18 của EU nhằm vào Nga, nhưng Bratislava phải nhận được các cam kết từ phía EU bảo đảm nguồn cung năng lượng trong tương lai cho Slovakia và được bảo vệ khỏi khả năng bị Gazprom kiện cáo.
"Tại thời điểm này, việc tiếp tục chặn gói trừng phạt thứ 18 sẽ phản tác dụng", ông Fico phát biểu trong một video đăng trên mạng xã hội Facebook. Ông cho biết, Slovakia đã nhận được sự đảm bảo từ EU liên quan đến giá khí đốt và nguồn cung.
Tuy nhiên, ông Fico nhấn mạnh, vẫn "cần phải có thêm đối thoại" để đảm bảo an ninh năng lượng của Slovakia.
Ngay sau tín hiệu "bật đèn xanh" của Thủ tướng Fico, các đại sứ EU dự kiến sẽ nhóm họp ngay vào ngày hôm nay (18/7) để chính thức thông qua gói trừng phạt mới nhất này. Những nỗ lực trước đó nhằm thông qua các lệnh trừng phạt mới đã thất bại trong cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Brussels hôm đầu tuần.
Vậy chi tiết về gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga có gì đáng chú ý?
EU công bố gói trừng phạt thứ 18 vào tháng 6/2025, nhằm gia tăng áp lực lên Nga, với trọng tâm là lĩnh vực năng lượng và hệ thống tài chính. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng thời phản ánh nỗ lực của EU trong việc siết chặt các nguồn lực tài chính phục vụ chiến tranh.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), một trong những điểm nhấn của gói trừng phạt là cấm toàn bộ giao dịch liên quan đến hai tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp và nhà khai thác tại châu Âu không được phép thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào thông qua các đường ống vận chuyển khí đốt chiến lược này.
Đáng chú ý, EU cũng quyết định hạ trần giá dầu xuất khẩu của Nga từ 60 USD xuống 45 USD/thùng, nhằm hạn chế tối đa nguồn thu của Moscow. Ngoài ra, danh sách “hạm đội bóng tối” – nhóm tàu bị cáo buộc lách lệnh trừng phạt để vận chuyển dầu Nga – được mở rộng thêm 77 tàu.
Song song, EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu chế biến từ dầu Nga để chặn đường "lách luật" qua nước thứ ba.
Trong lĩnh vực tài chính, EU ban hành lệnh cấm hoàn toàn giao dịch với 22 ngân hàng Nga, đồng thời mở rộng trừng phạt đối với các tổ chức ở nước thứ ba bị phát hiện hỗ trợ Nga lách luật. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và các công ty con cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt lần này.