Tương lai quan hệ Mỹ - Trung sau loạt cuộc gặp cấp cao
Từ các cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung diễn ra liên tiếp thời gian gần đây, có ý kiến cho rằng quan hệ hai bên sắp ấm lại sau thời gian dài lạnh nhạt, điều này khả thi đến đâu?
Sau thời gian khá dài thưa thớt trong liên lạc thì Mỹ và Trung Quốc (TQ) gần đây có nhiều cuộc gặp và liên lạc cấp cao.
Ngày 9-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị có cuộc gặp kéo dài 5 tiếng đồng hồ bên lề Hội nghị bộ trưởng G20 ở Bali (Indonesia). Ngày 7-7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tướng Mark Milley điện đàm với Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương TQ Lý Tác Thành.
Chỉ có 10% trong mối quan hệ Mỹ - Trung là hợp tác, 90% còn lại là cạnh tranh và đối đầu, theo đánh giá của chuyên gia Terry Su, Chủ tịch tổ chức tư vấn chuyên về địa chính trị Lulu Derivation Data Ltd. (Hong Kong).
Ngày 10-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa tại sự kiện Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ngày 13-6, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản TQ Dương Khiết Trì gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ở Luxembourg.
Ngày 18-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói không loại trừ khả năng ông sẽ sớm điện đàm với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, đồng thời cho biết đang cân nhắc bỏ thuế quan, theo hãng tin Bloomberg.
Đằng sau việc Mỹ - Trung tăng gặp cấp cao
Lần gặp vừa rồi là lần hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa ông Blinken và ông Vương kể từ tháng 10-2021. Cuộc gặp ở kỳ Đối thoại Shangri-La cũng là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa ông Austin và ông Ngụy.
Trước cuộc gặp của ông Blinken và ông Vương, các quan chức Mỹ nói rằng sự kiện này được sắp xếp nhằm mục đích giữ cho mối quan hệ khó khăn giữa Mỹ và TQ ổn định, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột. Ngày 10-7, ông Blinken cho biết có khả năng ông Biden và ông Tập sẽ nói chuyện với nhau trong vài tuần tới.
Theo thông cáo của Lầu Năm Góc thì trong cuộc điện đàm ngày 7-7, tướng Milley và tướng Lý đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở”.
Theo hãng tin Bloomberg, các cuộc gặp là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng giữ thông tin liên lạc cấp cao dù căng thẳng có đang âm ỉ. Mặc dù là đối thủ chiến lược chính, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn là đối tác thương mại lớn của nhau.
Trong bài viết trên trang Asia Times, chuyên gia David P. Goldman (Mỹ) cho rằng có lẽ ví dụ khủng khiếp về cuộc chiến ở Ukraine là một phần lý do khiến Mỹ và TQ không muốn căng thẳng thêm với nhau. Mỹ biết rằng mình không thể làm tê liệt hoặc cô lập Nga, còn TQ biết rằng sẽ phải chịu tổn thất không nhỏ khi đối đầu với Mỹ.
Liệu quan hệ Mỹ - Trung sẽ ấm lại?
Từ các cuộc gặp cấp cao vừa rồi và khả năng ông Biden và ông Tập sắp liên lạc, có ý kiến cho rằng quan hệ Mỹ - Trung sắp ấm lại. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng không đơn giản vì giữa hai bên còn nhiều điểm nóng bất đồng, nổi lên như Đài Loan, nam Thái Bình Dương.
Tại kỳ Đối thoại Shangri-La, ông Austin nói rằng Mỹ đã quan sát thấy “sự gia tăng liên tục các hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan”. Theo Bloomberg thì sự lo ngại ở phía Mỹ đang tăng từ việc những tháng gần đây, giới chức quân sự TQ khẳng định rằng eo biển Đài Loan không phải là vùng biển quốc tế.
Đang có nhiều ý kiến rằng Mỹ sẽ bỏ lập trường mơ hồ chiến lược về Đài Loan, sau phát ngôn ngày 23-5 của ông Biden tại Nhật rằng Mỹ sẽ dùng vũ lực bảo vệ Đài Loan nếu TQ tấn công lãnh thổ này.
Bộ Quốc phòng TQ cho biết trong cuộc điện đàm với ông Milley, ông Lý nhắc lại lời kêu gọi Mỹ ngừng quan hệ quân sự với Đài Loan và “tránh những cú sốc cho quan hệ Trung - Mỹ và sự ổn định của eo biển Đài Loan”, nhấn mạnh rằng TQ sẽ không thỏa hiệp hoặc nhượng bộ trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi quốc gia.
Gặp trực tiếp ông Austin cũng như phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, ông Ngụy cũng tuyên bố rằng TQ sẽ “chiến đấu bằng mọi giá” và “chiến đấu đến cùng” vì Đài Loan.
Bên cạnh đó, theo trang Asia Times, Thái Bình Dương và các đảo quốc khu vực này là điểm nóng mới cho cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và TQ. Cả Mỹ và TQ đều đang khẩn trương tranh thủ sự ủng hộ và ảnh hưởng tại khu vực này.
TQ đầu năm nay ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon và vẫn đang kiên trì theo đuổi mục tiêu ký thỏa thuận an ninh - kinh tế với 10 quốc đảo Thái Bình Dương, sau khi nỗ lực ban đầu bị từ chối tháng trước.
Các động thái của TQ báo động đáng kể đến các nước có truyền thống hỗ trợ khu vực lâu nay, trong đó có Mỹ về ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ đối với Thái Bình Dương. Mỹ đầu năm nay đã bổ nhiệm một đặc phái viên tổng thống cho khu vực Thái Bình Dương, phụ trách đẩy nhanh đàm phán với các nước này về các hiệp định tự do sắp hết hiệu lực.•
Mỹ, Trung Quốc tăng cường tranh thủ Thái Bình Dương
15-20 năm qua, TQ tăng cường can dự vào khu vực Thái Bình Dương. Hiện TQ đã tranh thủ được sự ủng hộ đáng kể ở nhiều quốc gia đại dương rộng lớn trong khu vực như Fiji, Tonga, Samoa, Vanuatu, và gần đây là quần đảo Kiribati và Solomon, theo Asia Times.
Các quốc đảo Thái Bình Dương hoan nghênh các sáng kiến cơ sở hạ tầng và các khoản vay ưu đãi của TQ, thường là với các điều khoản được coi là có lợi hơn so với các điều khoản mà các nước khác cung cấp trước đây. Không giống như Mỹ, Úc hoặc các cơ quan quốc tế bao gồm Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, TQ thường không ràng buộc viện trợ của mình vào các cải cách kinh tế và quản trị.
Tuy nhiên, theo trang Asia Times, cục diện đã có dấu hiệu thay đổi. Úc và New Zealand gần đây thay đổi cách tiếp cận. Úc, nước vốn là nhà viện trợ lớn nhất ở Thái Bình Dương, hứa sẽ tăng đóng góp cho khu vực. Ấn Độ và Nhật cũng cam kết sẽ tăng cường gắn kết với khu vực.
Tương tự, Mỹ cũng đang xem xét lại lập trường của mình. Đầu năm nay, Mỹ bổ nhiệm một đặc phái viên tổng thống ở khu vực, phụ trách tăng tốc đàm phán lại các hiệp định tự do sắp hết hiệu lực.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tuong-lai-quan-he-my-trung-sau-loat-cuoc-gap-cap-cao-post689891.html