Tương lai tươi sáng của quan hệ chặt chẽ và bình đẳng
Đây là thời điểm vô cùng đặc biệt trong mối quan hệ Việt Nam-Australia, không chỉ bởi năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Mặc dù nhận nhiệm vụ tại Hà Nội cách đây không lâu, nhưng tôi có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam - những người vẫn đang tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết và tình cảm với đất nước này. Chính vì vậy, tôi biết chúng ta đã đi cách xa đến thế nào. Cũng giống như bước chuyển mình của đất nước Việt Nam, quan hệ của hai nước đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong thời gian qua.
Nếu có lúc mối quan hệ của chúng ta đã từng đơn thuần là mối quan hệ giữa nhà tài trợ và nước nhận hỗ trợ, mà tôi cho rằng không phải như vậy thì ngày nay cũng chắc chắn không phải. Chúng ta đang duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và bình đẳng trong nhiều vấn đề thông qua việc coi trọng thế mạnh của nhau. Mối quan hệ mang tính hợp tác chứ không chỉ là giao dịch, phản ánh sự công nhận rằng khi một trong hai nước làm tốt thì cả hai bên cùng có lợi.
Điển hình là các mối liên kết kinh tế của chúng ta đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Australia hiện là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Việt Nam. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao. Đồng thời, cả hai nước đang đối mặt với những thách thức giống nhau trong việc quản lý quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu nhanh chóng. Khi chúng tôi tham gia đầu tư vào hành trình đưa mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam, chúng tôi cũng đang đầu tư vào tương lai của chính mình.
Thực tế, có thể coi Australia là nhà đầu tư nước ngoài tiên phong tại Việt Nam. Các công ty Australia đã xây dựng đường dây tải điện cao thế đầu tiên, đường cáp quang biển đầu tiên và trạm vệ tinh mặt đất đầu tiên tại Việt Nam.
Ngoài ra, trường đại học, ngân hàng nước ngoài và công ty luật quốc tế đầu tiên tại Việt Nam cũng đến từ Australia. Hồ sơ đầu tư của chúng tôi đã giảm dần khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang sản xuất quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động.
Tuy nhiên, khi Việt Nam tiến hành chuyển dịch giá trị kinh tế sang các ngành dịch vụ và công nghệ cao, tôi tin rằng Australia sẽ một lần nữa trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, tôi kỳ vọng những cải cách trong lĩnh vực giáo dục đại học và quản lý tài nguyên sẽ thu hút các trường đại học đẳng cấp thế giới của Australia và các công ty khai khoáng bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Hiện tại, Australia có một làn sóng quan tâm đến Việt Nam và chúng tôi mong rằng làn sóng này sẽ mang đến nhiều cơ hội chung cho cả hai nước.
Khi một số nền kinh tế lớn khác trong khu vực tăng trưởng chậm lại và khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trở nên dễ dàng, thông thoáng hơn, tôi tin rằng đất nước hình chữ S sẽ được hưởng lợi từ các xu hướng toàn cầu, hướng tới đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro.
Đối với một quốc gia kiên cường như Việt Nam, sự gián đoạn kinh tế toàn cầu có thể mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức. Điều này phụ thuộc phần lớn vào cách nhìn nhận của các thị trường vốn và doanh nhân quốc tế về Việt Nam. Và công việc của tôi là giới thiệu hình ảnh một Việt Nam hiện đại với thế hệ các nhà đầu tư tiềm năng mới của Australia.
Đồng thời, chúng ta đang tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Việt Nam nổi tiếng là một quốc gia không liên kết và độc lập. Trong khi đó, Australia luôn tìm kiếm an ninh trong các liên minh mạnh mẽ và quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, chúng ta cùng nhìn nhận các thách thức khu vực theo cách tương tự. Chúng ta đều là các quốc gia có biển và quốc gia thương mại cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ. Cả hai nước đều quan tâm đến việc tìm kiếm các lựa chọn để tăng cường hợp tác song phương theo cách phù hợp với các giá trị và lợi ích tương ứng.
Chỉ trong thời gian ngắn ở đây, có một điều tôi nhận thấy là sự tăng cường đáng kể về lòng tin chính trị và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo của chúng ta. Điều này phần nào bắt nguồn từ lịch sử khi ông Gough Whitlam, Thủ tướng Australia, Lãnh đạo Công đảng nổi tiếng, trở thành người đầu tiên gây dựng mối quan hệ giữa hai nước (và Thủ tướng Australia hiện nay, ông Anthony Albanese cũng là Lãnh đạo Công đảng), nhưng chủ yếu vẫn là nhờ việc lãnh đạo hai nước đã thấu hiểu và đánh giá cao lợi ích chung của sự hợp tác song phương chặt chẽ hơn.
Việc tăng cường quan hệ ở cấp lãnh đạo đã dẫn đến nhiều chuyến thăm cấp cao, trao đổi cấp bộ trưởng, các chuyến tham quan học tập của các nhà lãnh đạo trẻ và các chương trình học thuật dành cho các nhà lập pháp quốc hội... Tất cả sự trao đổi này diễn ra chỉ trong thời gian ngắn tôi làm Đại sứ. Tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục và phát triển trong tương lai.
Cuối cùng, tôi muốn đề cập giao lưu nhân dân giữa hai nước. Australia may mắn có một cộng đồng nói tiếng Việt đông đảo và sôi động đang sinh sống tại đây. Nhiều người trong số này là những người trẻ tuổi, quan tâm đến việc đưa hai nước xích lại gần nhau hơn thông qua hoạt động kinh doanh và giao lưu hữu nghị. Khi ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam trở về sau khi học tập tại Australia cũng như việc nới lỏng các quy định về thị thực thu hút thêm nhiều thanh niên Australia đến Việt Nam, những mối liên kết này chắc chắn sẽ tăng cường hơn nữa.
Việc nhắc tới “một tương lai tươi sáng” có lẽ đã trở thành câu cửa miệng của các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, trong trường hợp của quan hệ Việt Nam-Australia, sự mô tả này thực sự không hề nói quá!
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuong-lai-tuoi-sang-cua-quan-he-chat-che-va-binh-dang-251718.html