Tương lai tươi sáng đang chờ đợi Tập đoàn Hà Đô?
Từ năm 2023, Tập đoàn Hà Đô cũng bắt đầu khảo sát các khu công nghiệp tiềm năng, tổng cộng 450 ha tại một số tỉnh phía Bắc...
Theo báo cáo phân tích doanh nghiệp của Chứng khoán Vietcap, dự kiến Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) mở bán dự án Charm Villas, giai đoạn 3 vào nửa cuối năm 2024.
Khả năng HDG sẽ bàn giao khoảng 80 căn tại dự án này vào năm 2024 với mức giá trung bình là 90 triệu đồng/m2, thấp hơn so với kế hoạch của HDG là 100 - 120 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó Vietcap cũng lùi thời gian ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của ba dự án bất động sản thêm một năm, bao gồm Hado Green Lane tại TP.HCM, từ 2025 - 2028 sang 2026 – 2028; Hado Minh Long ở TP.HCM, từ 2025 - 2027 sang 2026 - 2028 và dự án cao ốc văn phòng CC3 tại Hà Nội, từ 2025 sang 2026.
Đối với hai dự án tại TP.HCM, HDG cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, thương mại sang đất ở và xin cấp phép đầu tư lại. Ban lãnh đạo Hà Đô kỳ vọng sẽ hoàn thành các yêu cầu pháp lý đối với các dự án này vào cuối năm 2024 và bắt đầu mở bán từ năm 2025.
Hiện nay, HDG đang mở rộng sang phát triển bất động sản công nghiệp. Vào tháng 1/2023, Tập đoàn Hà Đô đã nhận được chấp thuận của chính quyền tỉnh Ninh Thuận để khảo sát và lên kế hoạch cho hai dự án là cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, gần cảng biển Cà Ná, với tổng diện tích 100ha.
Từ năm 2023, HDG cũng bắt đầu khảo sát các khu công nghiệp tiềm năng, tổng cộng 450 ha tại một số tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định và Quảng Ninh.
Đồng quan điểm với Vietcap, Chứng khoán MBS cũng cho rằng, Charm Villa sẽ bàn giao khoảng 34% số căn hộ trong 2024, đem về 713 tỷ đồng doanh thu và 330 tỷ đồng lợi nhuận ròng. 41% số căn hộ sẽ được bàn giao trong 2025 và còn lại 25% số căn hộ sẽ bàn giao trong 2026.
Về mảng thủy điện, trong bối cảnh pha El Nino dự kiến duy trì đến ít nhất quý 2/2024, sẽ vẫn có những khó khăn về huy động sản lượng thủy điện trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, MBS kỳ vọng sẽ có một sự phục hồi nhẹ 5% so với cùng kỳ đạt 1.221 triệu kWh, hỗ trợ bởi pha thời tiết thuận lợi hơn từ nửa cuối năm. Doanh thu và lợi nhuận gộp theo đó tăng 4,6% và 5,8% so với cùng kỳ đạt lần lượt 1.400 tỷ đồng và 1.052 tỷ đồng.
Nhìn sang 2025, dự phóng sản lượng sẽ duy trì quanh mức trung bình 3 năm, đạt 1.246 triệu kWh, tăng 2% so với cùng kỳ. Doanh thu và lợi nhuận gộp theo đó đạt 1,423 tỷ đồng tăng 1,6% và 1,073 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng thủy điện duy trì ở mức cao, hỗ trợ bởi các nhà máy có sản lượng tối ưu cùng suất đầu tư rẻ.
Còn mảng năng lượng tái tạo, MBS cho rằng, cần theo dõi những diễn biến đối với các dự án điện mặt trời SP Infra 1, điện mặt trời Hồng Phong 4 của HDG được điểm tên trong danh sách sai phạm.
Vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, ghi nhận lợi nhuận gộp đem về 585,8 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh doanh đạt 372,5 tỷ đồng, tăng 10,2% so với quý 4/2022.
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần đem về 2.881 tỷ đồng, giảm 19,5%. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản giảm gần 75% xuống 281,8 tỷ đồng; doanh thu từ thủy điện và điện mặt trời, điện gió là 1.938 tỷ đồng, giảm 8,4%; doanh thu xây lắp đem về 239 tỷ đồng, tăng mạnh so với 1,5 tỷ đồng của năm 2022.
Còn doanh thu cung cấp dịch vụ và cho thuê bất động sản đầu tư khác đạt 314 tỷ đồng, tăng 7,7%; doanh thu dịch vụ khách sạn ở mức 106,9 tỷ đồng, tăng 78%. Doanh thu hoạt động tài chính đem về 40 tỷ đồng, giảm 51,9%; Lợi nhuận khác đem về 2,2 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là lỗ 10,2 tỷ đồng.
Trong năm 2023, chi phí tài chính của HDG tăng 10,6%, nằm ở mức 571,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng là 8,2 tỷ đồng, tăng 78,4% và chi phí quản lý doanh nghiệp là 171 tỷ đồng, tăng 7,5%.
Như vậy, cả năm Tập đoàn Hà Đô lãi ròng 905,8 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 33,5% so với năm trước. Đây là lần đầu doanh nghiệp này mất mốc lãi trên 1.000 tỷ đồng, sau 4 năm, kể từ năm 2019.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Hà Đô là 10.946 tỷ đồng, giảm 4,2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.661 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 30,2% xuống 208 tỷ đồng, hàng tồn kho là 1.050 tỷ đồng, giảm 22,5%.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tính đến cuối năm 2023 nợ phải trả của Hà Đô là 7.292 tỷ đồng, giảm 15,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.395 tỷ đồng, giảm 28,5%. Đáng chú ý, trong năm 2023 doanh nghiệp này đã tất toán thành công gần 210 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn trả.
Về dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hà Đô giảm từ 1.941 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 461 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tương ứng giảm 76,2%. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 231,7 tỷ đồng, con số này ở đầu năm là âm 79,6 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền từ từ hoạt động tài chính là âm 667,6 tỷ đồng, con số này ở đầu năm là âm 1.308 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 23/2, cổ phiếu DHG đạt 25.900 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của Long Hậu trên thị trường gần đạt 7.919 tỷ đồng.