Tướng lĩnh Myanmar đối mặt áp lực cả trong lẫn ngoài
Giới lãnh đạo quân đội Myanmar đang chịu áp lực từ các cuộc biểu tình liên tiếp trong nước và sức ép từ cộng đồng quốc tế, bao gồm việc bị Mỹ và châu Âu tăng cường cấm vận.
Những hoạt động phản kháng của người dân Myanmar bước vào tuần thứ 3 liên tiếp. Ít nhất 3 người thiệt mạng trong các cuộc tuần hành chống quân đội. Gần đây nhất, một người đàn ông bị bắn chết trong đêm tại Yangon hồi cuối tuần qua, khi ông đang tuần tra trong khu dân cư để cảnh giác những cuộc đột kích bắt người biểu tình.
Sức ép trong nước
Chính quyền quân sự ngày càng quyết liệt ứng phó với phong trào biểu tình tại Myanmar, theo quan sát của AFP.
Quân đội sử dụng hơi cay, vòi rồng, đạn cao su, và một số ít trường hợp là cả đạn thật, để cố đẩy lùi người biểu tình. Lực lượng an ninh hiện diện ngày càng đông ở Yangon, thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của Myanmar.
Kể từ sau vụ chính biến hồi đầu tháng 2, lực lượng an ninh Myanmar đã bắt hơn 680 người. Những ngày gần đây, quân đội thường xuyên ngắt mạng vào ban đêm, khiến các nhà hoạt động lo ngại việc cảnh sát bí mật tổ chức bắt người.
Những biện pháp mạnh tay từ chính quyền quân sự vẫn không thể ngăn cản biểu tình vài tuần qua. Nhiều cuộc tuần hành, đình công thu hút đến hàng trăm nghìn người tham dự.
Tại Naypyidaw, ngày 22/2, hàng chục nghìn người tập trung phản đối chính quyền quân sự. Họ là những viên chức nhà nước, nhân viên y tế và ngân hàng... Khoảng 100 người bị bắt khi cảnh sát cố gắng đẩy lùi cuộc biểu tình, theo AFP.
Người biểu tình ở Yangon mặc kệ lực lượng an ninh và rào chắn được dựng khắp thành phố, để tổ chức tưởng niệm những người thiệt mạng trong những ngày sôi sục vừa qua.
"Chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện cho họ. Ngay cả khi chúng tôi đau buồn, tiếng nói này sẽ được cộng đồng quốc tế lắng nghe", một sinh viên tên Thura Myo nói.
Cuối tuần qua, chính quyền quân sự tiếp tục cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của họ đang dần cạn. "Người biểu tình đang kích động nhân dân, đặc biệt là giới trẻ và các thiếu niên nhiều cảm xúc, để đi vào con đường đối đầu có thể khiến họ mất mạng", AFP dẫn thông báo của phe quân sự.
Áp lực từ phương Tây
Chính phủ Mỹ nhiều lần cảnh báo hành động đối với phe quân sự Myanmar. Trong động thái mới nhất, vào ngày 21/2, Mỹ bổ sung trừng phạt với 2 thành viên cấp cao trong chính quyền quân sự, gồm tướng không quân Maung Maung Kyaw và thành viên Hội đồng Quản lý Nhà nước (SAC) Moe Myint Tun.
SAC do quân đội kiểm soát đang là cơ quan nắm quyền cao nhất tại Myanmar, khi tình trạng khẩn cấp được phe quân đội tuyên bố trong thời hạn một năm.
"Chúng tôi sẽ không ngần ngại tiếp tục hành động nhắm vào những ai chủ mưu bạo lực và đàn áp ý chí người dân Myanmar", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo.
Washington tiếp tục kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt những cuộc tấn công người biểu tình ôn hòa, nhà báo và nhà hoạt động xã hội.
Mỹ đòi chính quyền của thống tướng Min Aung Hlaing cần lập tức trả tự do cho những người bị quân đội bắt giữ kể từ cuộc chính biến hồi đầu tháng 2, đồng thời "khôi phục chính quyền dân cử".
Vài giờ trước khi Mỹ thông báo trừng phạt, Liên minh châu Âu (EU) cũng phê duyệt các biện pháp cấm vận nhắm vào tướng lĩnh Myanmar cùng các lợi ích kinh tế liên quan.
Cao ủy Đối ngoại EU Joseph Borrell tuyên bố mọi hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các chương trình cải cách ở Naypyidaw sẽ tạm thời đóng băng.
Tuy nhiên, ông Borrell cho biết EU vẫn chưa hạn chế quan hệ thương mại với Myanmar, lo ngại cấm vận kinh tế diện rộng sẽ tác động đến người dân nước này.