Tướng Mỹ khen ngợi kỹ năng 'bậc thầy' của Không quân Thụy Điển
Tướng Hecker khen ngợi, Không quân Thụy Điển có kỹ năng phân tán máy bay chiến đấu tốt hơn bất cứ lực lượng Không quân nào khác trên thế giới.
Theo tờ EurAsian Times, lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu (USAFE) dự định sẽ học hỏi Không quân Thụy Điển kỹ năng phân tán máy bay chiến đấu trong thời chiến, đồng thời gửi nhân lực tới quốc gia châu Âu này để được "mở mang tầm mắt".
Trả lời các phóng viên, Tư lệnh USAFE - Tướng James B Hecker cho biết ông sẽ cử các quân nhân của mình tới Thụy Điển "để xem họ thực hiện tốt việc đó (phân tán lực lượng chiến đấu cơ) như thế nào".
Theo Tướng Hecker, một nhóm đại diện thuộc Bộ chỉ huy Chiến đấu đường không của Không quân Mỹ sẽ đến Thụy Điển trong những ngày sắp tới.
Nhu cầu phân tán lực lượng
Trước những thách thức ngày càng lớn, năm 2018, ông James Mattis - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ đã vạch ra cách tiếp cận chiến lược mới cho quân đội Mỹ, trong đó chuyển trọng tâm từ các hoạt động chống nổi dậy và phòng bị ở nước ngoài sang những hình thái thích hợp hơn để đề phòng trường hợp nổ ra xung đột với các đối thủ ngang tầm trong khu vực.
"Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ ưu tiên các lực lượng mặt đất, trên không, trên biển và lực lượng vũ trụ. Đây là những lực lượng có thể triển khai, hoạt động, cơ động, sống sót và phục hồi khi bị tấn công.
Chiến lược quốc phòng Mỹ năm 2018 sẽ chuyển đổi từ những cơ sở hạ tầng lớn và có tính chất tập trung sang những cơ sở hạ tầng nhỏ hơn, được phân tán, có khả năng phòng thủ chủ động và thụ động" - Tài liệu Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ năm 2018 nêu rõ.
Trong những năm qua, các đối thủ của Mỹ đã phát triển nhiều loại hỏa lực tầm xa, đặt ra thách thức lớn đối với công nghệ của các hệ thống phòng không hiện đại và khiến các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài dễ bị tấn công.
Washington nhận thấy điều cần thiết đối với quân đội Mỹ là có thể nhanh chóng triển khai, phân tán lực lượng và cơ động năng lực tác chiến trên khắp khu vực xung đột.
Chiến lược của Thụy Điển
Theo Tướng Hecker, Không quân Thụy Điển có kỹ năng phân tán máy bay chiến đấu tốt hơn bất cứ lực lượng Không quân nào khác trên thế giới.
Điều này là do mối đe dọa từ phía Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã thúc đẩy Thụy Điển phát triển chiến lược xây dựng hệ thống triển khai có khả năng phân tán máy bay chiến đấu trên khắp lãnh thổ, khiến Liên Xô khó lòng tiêu diệt toàn bộ các phi đoàn máy bay chiến đấu của Thụy Điển trên mặt đất trong trường hợp tấn công bất ngờ.
Chiến lược của Thụy Điển còn có tên gọi là "Dự án BAS 90", trong đó nước này xây dựng một số đường băng ẩn trong rừng và gia cố những tuyến đường cao tốc tiếp giáp với các đường băng chính để làm đường băng dự phòng. Các máy bay chiến đấu của Thụy Điển cũng được thiết kế để có thể hoạt động từ những đường băng nhỏ và trên những đường cao tốc như vậy.
Ví dụ, máy bay chiến đấu Gripen E phiên bản mới nhất của Thụy Điển có thể hạ cánh trên đường băng dài 600m và cất cánh trên đường băng dài 500m. Đường băng hạ cánh chỉ cần rộng khoảng 16m. Khả năng cất cánh và hạ cánh ngắn này cho phép Gripen có thể bay từ các sân bay dân dụng cỡ nhỏ hoặc từ đường cao tốc.
Gripen còn được thiết kế các cánh mũi, giúp tạo ra nhiều lực nâng hơn khi máy bay ở tốc độ chậm trong quá trình hạ cánh, đồng thời giúp tăng góc tấn của máy bay.
Một khi đáp xuống mặt đất, chiếc máy bay cần phải dừng lại nhanh chóng. Đối với yêu cầu này, SAAB 37 Viggen - mẫu máy bay tiền nhiệm của Gripen - trang bị một bộ đảo chiều lực đẩy giúp máy bay di chuyển chậm lại và dừng lại. Tuy nhiên ở Gripen, hãng SAAB đã quyết định bỏ hệ thống này, thay vào đó, họ sử dụng cánh mũi và hệ thống phanh ở bánh xe.
Eddy de la Motte, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của SAAB Gripen E/F nói với tờ FlightGlobal: 'Chúng tôi sử dụng cánh mũi và cánh đuôi đứng để tạo ra lực khí động học cho phép hệ thống phanh hoạt động hiệu quả hơn".
Ngoài ra, thay vì bảo dưỡng máy bay tại các kho sửa chữa cố định, Thụy Điển tổ chức các đội bảo dưỡng lưu động, mang nhiên liệu, đạn dược và các bộ phận cần thiết đến vị trí của máy bay.
SAAB tuyên bố rằng, quá trình tiếp nhiên liệu trên không và tái trang bị - như nạp thêm đạn cho súng, lắp tên lửa không-đối-không cho máy bay - có thể hoàn tất trong vòng chưa đầy 10 phút chỉ với 1 kỹ thuật viên và 5 thợ máy.
Toàn bộ thiết bị bảo dưỡng nằm gọn trong một thùng vận chuyển cỡ nhỏ, các khu vực bảo dưỡng máy bay được thiết lập một cách dễ dàng.
Trong trường hợp cần thay thế, động cơ có thể được tách ra khỏi khung máy bay chỉ bằng cách tháo một vài bu-lông, ngắt nhiên liệu, hệ thống thủy lực và hộp số, sau đó được hạ xuống bằng cách sử dụng tời quay tay giống như cần câu cá. Công cụ này cũng có thể được sử dụng để đưa tên lửa lên giá treo máy bay.
Sau khi hoàn thành việc tiếp nhiên liệu và tái trang bị cho máy bay, đội bảo dưỡng sẽ nhanh chóng rút lui, nhất là các nhóm và thiết bị được triển khai gần đường băng, để tránh bị đối phương phát hiện và tiêu diệt.