Tướng Mỹ tuyên bố sẵn sàng 'đấu' với Nga và Trung Quốc ngoài vũ trụ
Trước sự phát triển nhanh chóng của Nga và Trung Quốc ở lĩnh vực không gian, Mỹ cũng bắt đầu chạy đua cho một cuộc chiến trong môi trường chiến đấu mới.
Theo Guardian, Mỹ đã sẵn sàng chiến đấu với Nga và Trung Quốc ngoài vũ trụ "ngay trong hôm nay". Tướng Morehouse của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết, những công nghệ hiện đại mà Washington đang phát triển nhằm mục đích răn đe ngoài không gian.
Một quan chức quân sự cấp cao khác cho biết Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột không gian, vì nước này đã phát triển công nghệ chống vệ tinh để đối phó với các mối đe dọa từ các quốc gia "khiêu khích" như Nga và Trung Quốc.
Chuẩn tướng Jesse Morehouse của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, cơ quan quân sự chịu trách nhiệm tiến hành các hoạt động không gian, cho biết các hành động của Nga và nỗ lực của Trung Quốc để trở thành cường quốc thống trị vào giữa thế kỷ này, đã khiến Mỹ "không còn lựa chọn nào khác" là phải sẵn sàng đối đầu với các đối thủ.
"Mỹ sẵn sàng chiến đấu trong không gian ngay lúc này nếu được yêu cầu. Nếu bất kỳ ai đe dọa Mỹ hoặc bất kỳ lợi ích nào của chúng tôi, bao gồm cả lợi ích của các đồng minh và các đối tác mà chúng tôi có thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực quốc phòng, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu”.
Vệ tinh là xương sống của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hiện đại, từ hệ thống ngân hàng đến dự báo thời tiết, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự thông qua thu thập thông tin tình báo, liên lạc, điều hướng và hướng dẫn. Nhưng sự phụ thuộc quá mức vào các vệ tinh có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào các hệ thống này đều có thể gây ra hậu quả sâu rộng cho quốc gia đó.
Nỗi lo của Mỹ
Bốn quốc gia, cụ thể là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nga, đã thử nghiệm khả năng chống vệ tinh bằng cách phá hủy các vệ tinh của chính họ bằng tên lửa từ mặt đất. Nhưng những cuộc thử nghiệm như vậy đã gây ra những đám mây mảnh vỡ không gian khổng lồ đe dọa các vệ tinh khác trong nhiều thập kỷ tới.
Khi Nga bắn hạ một trong những vệ tinh của mình vào năm 2021, vụ nổ tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ trong quỹ đạo. "Khi bạn tạo ra một đám mây mảnh vỡ như thế và nó ở trong quỹ đạo trong nhiều thập kỷ, bạn có thể sẽ phải trả giá vì hành động này", Morehouse cảnh báo.
Trong cuộc đua vũ trụ mới, Mỹ sẽ tiếp tục phát triển công nghệ chống vệ tinh, Morehouse nói, "không phải vì chúng tôi muốn chiến đấu, mà vì đó là cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột bắt đầu".
Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo tàu vũ trụ có khả năng thực hiện các hoạt động chống vệ tinh. Năm 2020, Washington cáo buộc Moskva phóng một tên lửa từ vệ tinh để bám theo vệ tinh do thám của Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh với cánh tay robot có khả năng tóm lấy các vệ tinh khác và phát triển cách đặt chất nổ vào vòi động cơ của phương tiện địch. Chất nổ được thiết kế để tàng hình trong thời gian dài và thời điểm chúng phát nổ giống như một sự cố động cơ vô hại.
Ngoài vũ khí khóa mục tiêu, đâm vào hoặc bắn hạ chúng, còn có những cách tiếp cận khác có thể gây nhiễu sóng vệ tinh hoặc làm hỏng thiết bị bằng cách sử dụng tia laze, bình xịt hóa học hoặc vi sóng cực mạnh.
"Chúng tôi có một số công cụ mà chúng tôi có thể sử dụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ cho phép duy trì khả năng ngăn chặn đáng tin cậy và những phương tiện này có thể vô hiệu hóa vệ tinh của đối phương, nhưng không gây ra những mảnh vỡ trong không gian", Morehouse nói.
Starlink trong cuộc xung đột Nga - Ukraine
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Moskva đã đe dọa tấn công các vệ tinh thương mại của phương Tây nếu như chúng được sử dụng cho mục đích quân sự.
Elon Musk đã đồng ý gửi các vệ tinh Starlink tới Kiev, điều này nhanh chóng đóng góp tích cực cho các hoạt động của quân đội Ukraine. Nhưng vào tháng 2/2023, công ty của Elon Musk cho biết sẽ không cho phép sử dụng Starlink để điều khiển máy bay không người lái của Ukraine. Công ty cho biết họ không bao giờ có ý định sử dụng công nghệ của mình cho "mục đích tấn công".
Morehouse cho biết một bài học từ cuộc xung đột Ukraine là Starlink đã tỏ ra hiệu quả như thế nào. Mạng thông tin liên lạc này bao gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo thấp của Trái đất, dễ dàng thay thế và nâng cấp để đối phó với các mối đe dọa.
"Thật vô nghĩa khi Nga cố gắng bắn hạ một trong số chúng, bởi vì có hàng nghìn vệ tinh như vậy và người Nga đơn giản là không có đủ hàng nghìn tên lửa để chống vệ tinh", Morehouse nói.
Hiện tại thì Ukraine không có phương tiện quân sự không gian nào để có thể trở thành mục tiêu bị tấn công. Nhưng người Nga đang rất tích cực phát triển nhiều thiết bị để vô hiệu hóa các loại vệ tinh không gian.
“Trong tương lai, theo quan điểm của tôi, điều này sẽ trở thành một phần không thể thiếu của bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào. Thông tin liên lạc vệ tinh đang trở nên phổ biến hơn trong lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia và do đó, việc chống lại nó là điều mà nhiều người quan tâm", tướng Mỹ nói thêm.