Tướng Myanmar khẳng định quân đội không đảo chính, úp mở việc kéo dài thời gian nắm quyền
'Đây không phải là một cuộc đảo chính', Tướng quân đội Zaw Min Tun nói, trong cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ với CNN từ một hội trường ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar.
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: AP
Theo CNN, cuộc phỏng vấn được thực hiện trong chuyến làm việc kéo dài một tuần (từ 31/3 đến 6/4) của các phóng viên ở hai thành phố lớn nhất Myanmar là Yangon và Naypyidaw.
Trước chuyến đi, quân đội đảm bảo với CNN rằng họ sẽ có thể đưa tin độc lập và được tự do đi lại. Nhưng khi các nhà báo yêu cầu ở lại một khách sạn ở Yangon, họ đã bị từ chối. Thay vào đó, nhóm phóng viên được nghỉ trong một khu quân sự có tường bao quanh, và không được tiếp xúc thoải mái với công chúng.
Cũng tại Naypyidaw, nhóm phóng viên CNN đã có cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ với phát ngôn viên quân đội Myanmar – Zaw Min Tun. Trong cuộc phỏng vấn, ông Zaw Min Tun đưa ra nhiều phát ngôn đáng chú ý.
Quân đội sẽ kéo dài thời gian nắm quyền?
Vài giờ sau khi Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing ra lệnh cho quân đội chiếm thủ đô lúc rạng sáng ngày 1/2, ông tuyên bố trên truyền hình rằng tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng trong một năm, sau đó các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức.
Với tình trạng khẩn cấp, mọi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều được chuyển giao cho tướng Min Aung Hlaing.
Phát ngôn viên Zaw Min Tun cho biết tình trạng khẩn cấp có thể được gia hạn thêm "sáu tháng hoặc hơn", "nếu nhiệm vụ vẫn chưa được hoàn thành".
Ông Min Tun không đưa ra thông tin chính xác về thời điểm tổ chức bầu cử, nhưng nói rằng theo hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2008, "chúng tôi phải hoàn thành mọi thứ trong vòng hai năm. Chúng tôi phải tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng trong vòng hai năm này.”
“Chúng tôi hứa rằng chúng tôi sẽ làm điều đó”, ông Min Tun nhấn mạnh.
Nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu quân đội, đã cai trị Myanmar trong nửa thế kỷ từ năm 1962 đến 2011, có sẵn sàng từ bỏ quyền lực một lần nữa hay không. Liệu các cuộc bầu cử có thực sự "tự do và công bằng" hay không, và liệu nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi cùng đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) có được phép tranh cử nữa không.
Ông Zaw Min Tun đã chỉ ra một loạt các cải cách mà chính phủ Myanmar đã thực hiện từ năm 2011 sau khi quân đội từ bỏ quyền cai trị trực tiếp, mở đường cho cuộc bầu cử năm 2015, trong đó bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội. “Nếu chúng tôi không muốn bà ấy lên nắm quyền, thì ngay từ đầu sẽ không có quy trình như vậy”, ông Min Tun nói.
Tuy nhiên, theo hiến pháp năm 2008, quân đội Myanmar nắm một phần tư số ghế trong quốc hội, có quyền phủ quyết đối với các sửa đổi hiến pháp, các tướng lĩnh giữ quyền kiểm soát ba bộ quyền lực - quốc phòng, biên giới và nội vụ.
Về các cáo buộc nhằm vào bà Suu Kyi
Ông Zaw Min Tun nhấn mạnh rằng bà Suu Kyi, người đang bị quản thúc, đang phải đối mặt với năm cáo buộc, bao gồm nhập khẩu trái phép bộ đàm và vi phạm các quy định phòng chống COVID-19. Bà cũng bị buộc tội tham nhũng và hối lộ. Tuy nhiên, cáo buộc nghiêm trọng nhất nhằm vào bà Suu Kyi là vi phạm Đạo luật Bí mật Quốc gia, có mức án tù lên đến 14 năm.
“Những sai phạm bắt nguồn từ tham nhũng ở cấp quốc gia, và các sai sót về thủ tục cấp nhà nước. Chúng tôi buộc tội dựa trên sự thật. Bà Suu Kyi là một người nổi tiếng ở cả Myanmar và trên thế giới, vì vậy chúng tôi sẽ không buộc tội bà ấy một cách vô cớ.”
Đáp lại, các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi đã được luật sư của bà mô tả là "bịa đặt".
Về mục đích lật đổ chính quyền dân sự, ông Zaw Min Tun một mực khẳng định các tướng lĩnh chỉ đơn thuần muốn bảo vệ đất nước sau cuộc bầu cử gian lận, chứ không phải âm mưu đảo chính.
Theo ông Min Tun, chính quyền có "bằng chứng chắc chắn" rằng các cuộc bầu cử là gian lận, nhưng không tiết lộ cụ thể với CNN.
Ông nói: “Số phiếu gian lận mà chúng tôi phát hiện trong cuộc bầu cử là 10,4 triệu. Số phiếu hợp lệ do Ủy ban bầu cử công bố là khoảng 39,5 triệu, và số phiếu gian lận chiếm đến một phần tư.”
Ủy ban Bầu cử trước đó đã phủ nhận có hành vi gian lận cử tri hàng loạt, và những người giám sát bầu cử độc lập cũng cho biết không có vấn đề đáng kể nào đủ nghiêm trọng để lật ngược kết quả.
Trước đó, trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, đảng của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng với 83% phiếu bầu.
Phản ứng quốc tế
Cuộc đảo chính ở Myanmar đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số tướng lĩnh quân đội, cũng như đối với các công ty thuộc sở hữu của quân đội.
Tuy nhiên, trong khi khẳng định các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong tương lai, ông Zaw Min Tun vẫn nhấn mạnh khái niệm dân chủ của quân đội có lẽ sẽ không giống hệ thống tự do kiểu phương Tây.
Ông nói: "Quốc gia dân chủ mà chúng tôi đang xây dựng là quốc gia phù hợp với lịch sử và địa lý của chúng tôi. Tiêu chuẩn dân chủ ở Myanmar sẽ không giống với các quốc gia phương Tây".