Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại
Năm 1993, Tổ chức Hòa bình đường bộ (Road Peace) đã khởi xướng Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ.
Từ năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận và chọn ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì giao thông trên toàn cầu.
Năm 2019, Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì giao thông là ngày 17.11.
Ngày tưởng niệm nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn giao thông gây ra, tưởng nhớ các nạn nhân của tai nạn giao thông và vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ.
Xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân tai nạn giao thông
Tại Việt Nam, ngày 19.11.2012, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng ngày Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì giao thông.
Đến năm 2013, ngày này được tổ chức thường niên trên phạm vi cả nước nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông cũng như cầu siêu cho những người đã khuất.
Các hoạt động hưởng ứng được phát động và tổ chức trên phạm vi cả nước từ ngày 20.10 đến 19.11.2019 thông qua các ấn phẩm truyền thông. Cùng với đó là hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng phối hợp với một số đơn vị trao học bổng cho học sinh là con nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương: Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Nông, Bình Thuận và Bến Tre.
Điểm nhấn của chuỗi các hoạt động này là Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông diễn ra vào chủ nhật, ngày 17.11 tại TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, theo chương trình phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các địa phương chưa tổ chức Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trong dịp rằm tháng bảy vừa qua sẽ tiếp tục tổ chức Lễ cầu siêu trong tháng 11.
Chuỗi hoạt động trong ngày kỷ niệm được thực hiện trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật để phòng tránh tai nạn giao thông; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông năm 2019. Đồng thời, kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông, tạo được sự quan tâm, chú ý của dư luận trong nước và quốc tế.
Hành động vì những con đường an toàn hơn
Tai nạn giao thông không những gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình và xã hội, mà điều đau lòng nhất là nó cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khó khăn về vật chất và thiếu thốn về tinh thần. Đây là thách thức lớn, không chỉ của riêng Việt Nam.
Thống kê cho thấy, mỗi năm có đến 1,3 triệu người chết, 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông, gây thiệt hại khoảng 2% tổng GDP (hơn 1.500 tỉ USD) trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) vẫn là vấn đề gây nhức nhối. Mặc dù tính chung trong 10 tháng đầu năm 2019, số vụ tai nạn, số người chết, và số người bị thương có giảm so với cùng kỳ năm 2018; song trung bình mỗi ngày, vẫn có 21 người ra khỏi nhà và vĩnh viễn không trở về. Nhiều người bị thương và trở thành tàn phế suốt đời.
Vì thế, Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tổ chức nhiều đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT theo các chuyên đề, đặc biệt là cao điểm tổng kiểm soát phương tiện đối với xe ô tô vận tải container, ô tô chở khách và xe mô tô…
Trong 2 tháng cuối năm 2019, Ủy ban ATGT quốc gia đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch Năm ATGT năm 2019; phối hợp với các cơ quan thành viên xây dựng dự thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm trật tự ATGT dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2020; phối hợp với các bộ, ngành thành viên xây dựng kế hoạch Năm ATGT năm 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”…
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện.
Lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là các vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy - nhất là với trẻ em; mở các đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT vào các thời điểm trật tự ATGT diễn ra phức tạp; hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường tỉnh lộ, đường huyện, giải quyết dứt điểm các điểm đen là nguyên nhân gây tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương giảm ít nhất 5% so với cùng kỳ.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/an-toan-giao-thong/tuong-nho-nguoi-di---vi-nguoi-o-lai-120929