Tướng Pháp trích dẫn bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Ukraine

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chỉ ra rằng chiến tranh ngày nay đòi hỏi phải kiểm soát dư luận bằng cách yêu cầu thông tin nào được cung cấp cho mọi người, Tham mưu trưởng Lục quân Pháp nhận định.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được Defense News đăng tải vào Chủ nhật trước thềm Hội nghị Quốc phòng và An ninh Eurosatory tuần này tại Paris, Tướng lục quân Pháp Pierre Schill cho biết, cuộc xung đột ở Đông Âu đã "thay đổi động lực của chiến đấu".

Ông nói thêm rằng, ngoài những tiến bộ quan trọng trên chiến trường - chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái rộng rãi hơn và quân đội áp dụng công nghệ dân sự - cuộc khủng hoảng đã chứng minh rằng, luồng thông tin phải được kiểm soát "để tác động đến cả dư luận trong nước và quốc tế".

"Quân đội đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực thông tin", Schill cho biết. "Nếu không có khả năng thuyết phục và chống lại ảnh hưởng tiêu cực, bất kỳ cuộc giao tranh quân sự nào cũng có thể thất bại. Sự xuất hiện của các mạng xã hội đã củng cố quan niệm này và đã đẩy nhanh đáng kể việc phổ biến thông tin, dù đúng hay sai, đồng thời tăng khối lượng, phạm vi tiếp cận và sự cộng hưởng của thông tin".

Tham mưu trưởng Lục quân Pháp Pierre Schill (trái) đang kiểm tra các học viên sĩ quan Anh vào tháng 4 năm ngoái tại Surrey, Anh. Ảnh: Getty

Tham mưu trưởng Lục quân Pháp Pierre Schill (trái) đang kiểm tra các học viên sĩ quan Anh vào tháng 4 năm ngoái tại Surrey, Anh. Ảnh: Getty

Trong khi các phương tiện truyền thông và chính phủ phương Tây phần lớn đều đi theo quy trình chuẩn trong thông điệp dành cho Ukraine, thì sự ủng hộ của công chúng đối với việc tài trợ cho cuộc xung đột đã giảm sút. Một báo cáo của Harris Poll được công bố vào tháng 2 cho thấy, khoảng 70% người Mỹ muốn chính phủ của họ thúc đẩy Ukraine hướng tới một thỏa thuận hòa bình được đàm phán với Nga. Các cựu nhà Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Gfoeller và David Rundell đã viết vào năm ngoái trong một bài xã luận trên Newsweek rằng, "cỗ máy tuyên truyền" của phương Tây đã "lạm dụng quyền lực" ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.

Tướng Schill cho biết thêm, những bài học khác rút ra được ở Ukraine bao gồm tầm quan trọng của hành vi giám sát bằng máy bay không người lái tầm xa, chiến tranh điện tử và sử dụng vũ khí có sức sát thương lớn hơn. Quân đội cũng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong việc bảo vệ các mục tiêu có giá trị cao, chẳng hạn như các sở chỉ huy, trong thời đại mà những tiến bộ công nghệ giúp phát hiện vị trí của chúng dễ dàng hơn.
Schill lưu ý rằng, Pháp đã triển khai hơn 500 quân đến sườn phía Đông của NATO ở Romania, đóng vai trò là tiểu đoàn "mũi nhọn" của khối này, chỉ 4 ngày sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Những lực lượng này sau đó đã được mở rộng lên hơn 1.000 binh lính, bao gồm một biệt đội phòng không và một đơn vị chỉ huy tiền phương.

“Những đợt triển khai liên tiếp này cho thấy khả năng phản ứng và sự chuẩn bị của quân đội chúng ta”, vị tướng người Pháp cho biết. “Những khó khăn trong lĩnh vực hành chính, hải quan, khả năng tương tác và đào tạo đã được khắc phục. Chúng ta đang rút ra bài học từ các đối tác châu Âu của mình”.
Eurosatory là triển lãm quốc phòng lớn nhất châu Âu. Hội nghị năm nay được coi là sẽ “đánh giá toàn diện” cuộc xung đột Nga-Ukraine./.

Lan Hạ

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/tuong-phap-trich-dan-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-cuoc-khung-hoang-ukraine-10274227.html