Tượng Phật đản sanh trong những ngôi chùa xưa xứ Trảng

Hằng năm, vào trung tuần tháng tư âm lịch, trong trái tim của mỗi người con Phật lại hân hoan chào đón ngày Phật đản, kỷ niệm ngày đức Phật lịch sử - Thích Ca Mâu Ni hiện diện nơi cõi đời đem đến những giá trị an vui, hạnh phúc và giác ngộ giải thoát cho chúng sanh.

Nghi thức tắm Phật tại chùa Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng.

Nghi thức tắm Phật tại chùa Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng.

Sau khi đức Phật nhập niết bàn, chánh pháp của ngài được rộng truyền trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 1698, Chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất phía Nam, khi đó Tây Ninh chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Cùng theo chân cuộc Nam tiến có các nhà sư đưa Phật giáo đến vùng đất mới. Sau khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập được cơ cấu hành chính tại Gia Định, Phật giáo lan tỏa sang nhiều vùng khác ở Nam bộ.

Trong quá trình khai phá vùng đất Tây Ninh đến giữa thế kỷ XIX, đã có nhiều lưu dân đến định cư. Trong đó, Trảng Bàng là vùng đất được khai phá từ rất sớm của tỉnh. Cùng trong thời gian này, các nhà sư chọn vùng đất Trảng Bàng định cư, lập chùa tu hành và rộng truyền Phật pháp. Tại những ngôi chùa xưa ở xứ Trảng hiện nay còn gìn giữ nhiều hiện vật quý của Phật giáo từ những buổi đầu, trong đó có tượng Phật đản sanh.

Tượng Phật đản sanh chùa Phước Lưu

Chùa Phước Lưu tọa lạc tại khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Hiện tại, chùa Phước Lưu thờ 2 pho tượng Phật đản sanh bằng gỗ và gốm. Đây là 2 trong các pho tượng xưa tại chùa đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của ngôi cổ tự Phước Lưu.

Nguyên vào giữa thế kỷ XIX, cư dân nơi đây dựng một am tranh thờ Phật. Sau có 2 ni cô pháp danh là Chơn Trinh tự Diệu Tiết và Chơn Tăng tự Tiên Cốt theo cuộc Nam tiến đến vùng đất Trảng Bàng định cư rồi đến cải tạo lại am tu hành, thờ Phật và hành thiện bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh cho cư dân trong vùng.

Tượng Phật đản sanh đầu tiên được tạc bằng gỗ mít nài, một loại gỗ mềm, bền, không bị mối mọt. Tượng tạc đức Phật sơ sanh đứng trên tòa sen với tổng chiều cao khoảng 3 tấc, gương mặt tươi cười toát lên sự an vui, phúc hậu của bậc giác ngộ.

Tay phải bắt ấn “Tuệ kiếm” đưa hai ngón tay trỏ và giữa chỉ lên trời với ý nghĩa tượng trưng cho trí tuệ của Phật và cắt đứt phiền não, bàn tay trái hướng xuống đất với ý nghĩa tiếp dẫn. Tượng tạc trong tư thế đắp y hở ngực với những nếp gấp áo tạo nên sự mềm mại, tinh xảo. Tượng được sơn son thếp vàng, là kiểu trang trí truyền thống của tượng thờ xưa. Đây là một trong những pho tượng được tạc đầu tiên để thờ ở am Bà Đồng, tiền thân của chùa Phước Lưu.

Hòa thượng Trừng Lực thuộc đời thứ 42, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán kế thế trụ trì chùa và đặt lại hiệu là “Phước Lưu”. Hòa thượng mở lớp dạy Gia giáo, giảng dạy về Phật học, giới luật, kinh điển, Nho học, y học và đặc biệt là nghi lễ Phật giáo.

Năm Canh Tý (1900), Hòa thượng Trừng Lực huy động đóng góp của cộng đồng người Việt và người Hoa trong vùng để cải tạo lại chùa. Năm Ất Tỵ (1905), cư dân địa phương cùng người Hoa ở Trảng Bàng và Chợ Lớn đóng góp hiến cúng bộ tượng Phật bằng gốm do lò gốm Bửu Nguyên ở Chợ Lớn tạo tác, trong đó có tượng Phật đản sanh.

Tượng Phật đản sanh thứ hai này là tượng bằng gốm, thuộc dòng gốm Cây Mai Sài Gòn xưa. Pho tượng cao khoảng 3 tấc trong tư thế không đắp y, đứng trên tòa sen, có gương mặt tròn phúc hậu. Hai tay Phật bắt ấn “Duy ngã thiên thượng thiên hạ”, tay phải chỉ xuống đất, tay trái chỉ lên trời.

Tượng được sơn son thếp vàng, bên ngoài tượng mặc áo lụa vàng, đầu đội mão. Tính độc đáo của tượng loại này được xác lập rõ rệt hơn ở tính chất độc bản của từng sản phẩm, thể hiện sự giao lưu văn hóa Việt - Hoa.

Tượng Phật đản sanh chùa Vĩnh An

Chùa Vĩnh An tọa lạc tại khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Ngôi chùa do sư Thích Phát Huệ đến thành lập vào khoảng đầu thế kỷ XX trên phần đất do nhân dân hiến cúng bên cạnh kênh Trảng Bàng. Dân gian trong vùng hay gọi là “chùa ông 3 Huệ” hay “chùa Cây Cà Na”. Đến nay, ngôi cổ tự đã khoảng trăm năm tuổi. Hiện tại, chùa còn gìn giữ một số tượng thờ bằng gỗ từ những buổi đầu thành lập chùa, trong đó có tượng Phật đản sanh.

Tượng Phật đản sanh chùa Vĩnh An được tạc bằng gỗ mít với kích thước lớn, cao khoảng 7 tấc. Tượng được chạm với tư thế Phật đứng trên tòa sen, bên dưới có trụ đế bát giác đỡ đài sen. Pho tượng có gương mặt tròn, phúc hậu toát lên sự mộc mạc, giản dị.

Tay trái Phật bắt ấn “Kiết tường” hướng lên trời với ý nghĩa mang đến sự bình an, cát tường; tay phải Phật bắt ấn “Dữ nguyện” hướng xuống đất có ý nghĩa các sở cầu, sở nguyện đều được thành tựu.

Trước ngực Phật có khắc chữ “Vạn” sơn son, là một trong các tướng tốt của đức Phật, trên người đắp y được thếp vàng, thắt dây đỏ ngang hông, chân đi hài. Đây là pho tượng Phật đản sanh lớn và có nhiều nét chạm khắc đặc sắc, độc đáo mang đậm tính dân gian so với những pho tượng Phật đản sanh xưa ở Trảng Bàng.

Tượng Phật đản sanh chùa Tịnh Lý

Chùa Tịnh Lý (khu phố An Khương, phường An Tịnh) là ngôi chùa của làng An Tịnh xưa. Tiền thân của chùa Tịnh Lý là ngôi miếu nhỏ ở gốc cây giữa trảng ruộng Bàu Đắng do trẻ chăn trâu trong làng dựng bằng tre thờ các tượng Phật bằng đất sét được nặn từ đất ở bàu. Dần về sau, có nhiều người đến lễ bái, mang xôi chè đến nên người dân quen gọi là chùa Bàu Đắng.

Theo tư liệu ghi chép của làng An Tịnh, năm 1902, Tri huyện Trảng Bàng là ông Nguyễn Vạn Bửu, người gốc An Tịnh nhân đi xem đắp đường thấy ngôi miếu nhỏ, thấp nên cho người trong làng phụ với ông cất một ngôi chùa lớn mé trên Bàu Đắng.

Hương cả Hồ Văn Chư cùng Hương trưởng Nguyễn Văn Định góp công, góp của vào đốc xuất nhân công hoàn thành việc xây cất. Sau khi chùa xây dựng hoàn thành, ông Huyện Bửu cùng dân làng mang lễ vật đến am thỉnh Phật về chùa mới.

Trong lễ khánh thành, làng thỉnh Hòa thượng Trừng Lực ở chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) đến chứng minh và đặt hiệu chùa là “Tịnh Lý”. Cùng lúc đó, làng thỉnh sư Đạt Ân - Diệu Đức đời thứ 38 dòng Tổ Đạo (dân gian thường gọi là thầy Ngãi), nguyên là Hương nhạc làng An Tịnh về trụ trì chùa. Cho đến nay, chùa Tịnh Lý đã ngoài trăm năm tuổi.

Theo tài liệu ghi chép về chùa Tịnh Lý của làng An Tịnh, sau khi dựng miếu, đám trẻ chăn trâu lặn xuống bàu móc đất sét nặn hình Phật thật nhiều rồi đem phơi khô, xong chọn những tượng còn nguyên đem xuống bàu vái rằng: “linh thì nổi, không linh thì chìm”. Rồi chúng bỏ hết xuống nước, phần lớn chìm hết, còn lối 5 hay 6 tượng nổi được đem vô miếu thờ, sau được thỉnh về chùa.

Chùa Tịnh Lý hiện còn gìn giữ cẩn thận 3 pho tượng Phật tạo bằng đất sét, hay còn được gọi là “tượng mục đồng”. Đây là 3 pho tượng cổ gắn liền với quá trình hình thành của ngôi chùa ở làng An Tịnh, trong đó có pho tượng Phật đản sanh.

Tượng Phật Thích Ca sơ sanh được tạc với kích thước nhỏ, cao khoảng 3 tấc, trong tư thế không đắp y, đứng trên tòa sen, hai tay bắt ấn “Duy ngã”, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất. Về sau, tượng được vẽ mặt, sơn màu và khoác bên ngoài chiếc y vàng bằng vải. Lối tạc tượng mang đậm tính dân gian nhưng toát lên được sự uy nghiêm của đức Phật.

Tượng Phật đản sanh chùa Phước Thạnh

Chùa Phước Thạnh, dân gian còn gọi là chùa Bàu Lớn, tọa lạc tại khu phố Gia Tân, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng. Đây cũng là ngôi cổ tự do Hòa thượng Diệu Nhẫn thuộc thế hệ thứ 38 dòng Lâm Tế Tổ Ðạo là người từng tham gia vào nghĩa quân Tây Sơn sau khi ở ẩn đã xuất gia, lập chùa và hoằng pháp độ sanh.

Kiến trúc của ngôi chùa xưa nay đã thay đổi, nhưng tại chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ gỗ xưa, trong đó có bức tượng Phật đản sanh. Pho tượng cao khoảng 3 tấc, tượng được tạo trong tư thế không đắp y đứng trên tòa sen, hai tay bắt ấn “Duy ngã”, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất. Tượng được sơn màu và khoác bên ngoài chiếc huỳnh y bằng vải. Điểm đặc biệt của bức tượng đức Phật sơ sanh này là, trên đỉnh đầu có tạc nhục kế là một trong 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của đức Phật.

Tượng Phật đản sanh chùa Long Tiên

Chùa Long Tiên ở khu phố Lộc Chánh, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng được xây dựng bề thế vào khoảng giữa thế kỷ XIX, đến nay đã trải qua 3 đời trụ trì. Trong chiến tranh, chùa là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng.

Khoảng giữa những năm 1960, ngôi chùa bị bình địa bởi quân Mỹ có kế hoạch cô lập nhằm xóa sổ chiến khu Bời Lời nên vừa đánh đập, bắn phá, cho máy ủi càn quét khắp nơi. Sau hòa bình, ông Phan Văn Khuyến xây dựng lại chùa, dùng vỏ quả bom để làm đại hồng chung, may mắn gìn giữ được một số tượng gỗ xưa, trong đó có tượng Phật đản sanh.

Pho tượng Phật đản sanh được tạc bằng gỗ sơn màu có kích thước lớn, tượng tạo dáng đức Phật trong tư thế đứng trên tòa sen, bên dưới có bệ đỡ với chiều cao khoảng 8 tấc. Hai tay Phật bắt ấn “Duy ngã”, tay phải chỉ lên trời, tay trái hướng xuống đất.

Tượng được khoác áo La Hán, đây là thường phục của chư tăng Bắc truyền thường dùng khi sinh hoạt và lao động hằng ngày, áo này có xuất xứ từ Trung Hoa và du nhập vào Việt Nam. Qua đây có thể thấy có sự giao lưu văn hóa Việt - Hoa cùng sự hội nhập của Phật giáo từ những buổi đầu nơi vùng đất mới Nam bộ, được ghi nhận qua lối tạc tượng thờ xưa.

Theo cách phân loại dân gian, căn cứ vào chất liệu, tượng được chia: “Phật đồng, Phật gỗ, Phật đá, Phật thổ”, tượng Phật đản sanh trong những ngôi chùa xưa ở xứ Trảng chủ yếu với chất liệu thường dùng là gỗ, số ít là tượng đất sét và gốm.

Các tượng Phật đản sanh có nghệ thuật tạo hình đa dạng, sinh động, không bó buộc về tư thế, kiểu thức và mang đậm tính dân gian. Mỗi bức tượng là một tác phẩm điêu khắc, không pho nào giống pho nào đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người xưa hướng đến đức Phật mà đặc biệt là qua cách tạo hình, trong đó có các thủ ấn thể hiện được sự từ bi, trí tuệ và tôn quý của đức Phật.

Không chỉ về giá trị nghệ thuật, ở mỗi tượng Phật đản sanh còn ghi nhận sự hình thành và phát triển của những ngôi cổ tự, khái quát được Phật giáo từ những buổi đầu với sự giao lưu, hội nhập văn hóa nơi vùng đất mới Trảng Bàng nói riêng và cả Nam bộ nói chung.

Phí Thành Phát

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tuong-phat-dan-sanh-trong-nhung-ngoi-chua-xua-xu-trang-a145175.html