Tường Phong chủ động các biện pháp giảm nhẹ thiên tai

Nằm ở cửa suối Tấc chảy ra sông Đà, xã Tường Phong (Phù Yên) có 5 bản nằm dọc theo hai bên bờ suối, địa hình đồi dốc cao, cùng nhiều khe suối nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Những năm qua, xã chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Nặng nhất là mưa lũ năm 2017, xã Tường Phong bị cô lập trong gần 1 tháng; mưa lũ và sạt lở đất đã làm 40 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn; 20 hộ phải di chuyển khẩn cấp; nước lũ cuốn trôi 15 ha hoa màu, cùng 30 con gia súc. Vì thế, công tác phòng, chống lũ bão và giảm nhẹ thiên tại được xã đặc biệt chú ý triển khai các biện pháp chủ động ứng phó.

Tổ phòng chống thiên tai bản Suối Tre, xã Tường Phong (Phù Yên) khảo sát điểm cắm biển cảnh báo nước lũ tại suối Tre.

Tổ phòng chống thiên tai bản Suối Tre, xã Tường Phong (Phù Yên) khảo sát điểm cắm biển cảnh báo nước lũ tại suối Tre.

Ông Vi Minh Hoài, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hàng năm, UBND xã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai đồng bộ công tác PCTT&TKCN. Xã thành lập 5 tổ phòng chống thiên tai tại 5 bản, có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở và thường xuyên theo dõi những diễn biến thất thường của thời tiết để cảnh báo cho người dân. Các thành viên tổ phòng chống thiên tai được tập huấn kỹ năng tuyên truyền, thông tin, cảnh báo tới người dân khi có những diễn biến bất thường của thời tiết; huy động nhân lực và phương tiện tại chỗ để tiến hành di dời nơi ở, tài sản của nhân dân trong trường hợp khẩn cấp.

Qua khảo sát hàng năm, xã đã xác định hai điểm thường xuyên xảy ra sạt lở tại bản Suối Tre và bản Bèo và có giải pháp ứng phó, tránh những thiệt hại đáng tiếc do mưa lũ gây ra. Ông Hà Văn Hoan, Trưởng bản Suối Tre, cho hay: Tổ phòng chống thiên tai của bản thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê các điểm có vết nứt tại bản để cắm biển cảnh báo cho bà con.

Qua rà soát, bản Suối Tre có khoảng 20 vết nứt có thể gây ra sạt lở đất khi có mưa lớn; 20 hộ dân trong bản thuộc diện cần di chuyển do có thể sạt lở đất trong trường hợp mưa lớn kéo dài. Do đó, Ban quản lý bản đã đề nghị UBND xã có công văn gửi các cơ quan chức năng của huyện tiến hành khảo sát để sớm bố trí điểm tái định cư mới cho người dân. Hiện Ban quản lý bản đã hướng dẫn bà con đào rãnh thoát nước ngay phía trên các điểm nứt, gãy tại các sườn đồi, hạn chế nước chảy vào các vết nứt này.

Còn tại bản giáp sông Hạ Lương, bờ sông đoạn cửa suối Tấc đổ ra sông Đà có độ dốc tương đối lớn. Tổ phòng chống thiên tai của bản đã rà soát, thống kê và vận động người các hộ dân sống gần khu vực bờ sông di dời nơi ở, tài sản trước khi xảy ra mưa lũ. Đối với các lồng cá được nuôi ven sông, người dân đã được hướng dẫn kéo lồng cá tới nơi an toàn, tránh các khu vực cửa suối đổ ra sông làm cá bị sặc bùn hoặc bị cuốn trôi. Đồng thời, thường xuyên theo dõi màu nước để kịp thời sục khí khi cần, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, xã Tường Phong đang chủ động ứng phó PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo các bản thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thời tiết đến người dân để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tuong-phong-chu-dong-cac-bien-phap-giam-nhe-thien-tai-40639