Tướng quân đội kể về quyết định 'cân não' khi cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ
Với vai trò chỉ huy lực lượng cứu hộ, cứu nạn QĐND Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ đã cùng 76 chiến sĩ vượt qua nhiều khó khăn, đưa ra những quyết định kịp thời, trợ giúp người dân sau thảm họa động đất.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Trưởng đoàn cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam đã có những chia sẻ với VietNamNet về 10 ngày thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra, 72 giờ đầu tiên là thời gian vàng để cứu nạn, nên nhiệm vụ của 76 thành viên QĐND Việt Nam không chỉ tìm, cứu những người bị mắc kẹt mà còn phải tìm, đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Từ mệnh lệnh trái tim
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết, đoàn Việt Nam được tổ chức bởi 3 lực lượng quân đội, đó là đội công binh, đội quân y và đội chó nghiệp vụ.
Đội chó nghiệp vụ giúp tìm kiếm, đánh hơi, phát hiện thi thể. Sau khi chó nghiệp vụ đánh hơi được vị trí thì đội công binh sử dụng thiết bị chuyên dụng dò tìm (camera thân nhiệt, hệ thống radar xuyên tường...) để tìm chính xác vị trí của nạn nhân.
Còn lực lượng quân y luôn trong tâm thế sẵn sàng bảo đảm y tế, thiết lập bệnh viện để thu dung, điều trị cho các đoàn có thành viên bị thương khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, các bác sĩ quân y của ta cũng điều trị cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết, các lực lượng quốc tế đánh giá cao về công tác tổ chức này của đoàn Việt Nam.
“Chúng tôi xác định thực hiện nhiệm vụ với mệnh lệnh từ trái tim. Tôi nói với nhân dân và lãnh đạo địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ rằng: Quân đội chúng tôi sang đây coi việc tìm kiếm các nạn nhân chính là người thân của chúng tôi, coi sự mất mát đau thương của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính là mất mát, đau thương của nhân dân Việt Nam”, vị trưởng đoàn chia sẻ.
Với vai trò chỉ huy, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ sẽ đưa ra những quyết định quan trọng, trong lần cứu hộ này có những lúc ông phải “cân não” vì sự an toàn của các thành viên trong đoàn.
Ông kể, ngày làm việc thứ 3 tại tòa nhà cao 7 tầng của khu đô thị đã bị đổ sập, trong đó có rất nhiều người còn đang mắc kẹt, bị vùi lấp. Lúc này lực lượng cứu hộ nước bạn đang sử dụng phương tiện hạng nặng máy xúc, máy ủi để bốc dỡ.
“Chúng tôi đến hiện trường thì có vài gia đình nói rằng con họ đang bị kẹt trong đó và họ đề nghị đoàn ta tìm giúp, rồi đến cả lực lượng của bạn cũng đưa ra đề nghị tương tự”, nhìn xung quanh với đống đổ nát, nhà sập bị chênh vênh nguy hiểm", Thiếu tướng Tỵ suy nghĩ vài phút trước khi quyết định.
Nếu cứu hộ Việt Nam không chui vào hầm bê tông của khu nhà thì không thể quan sát, phát hiện được vị trí, nhưng nếu giữ an toàn mà không cho lực lượng của ta vào thì người dân rồi các lực lượng quốc tế sẽ đánh giá ra sao.
Cho nên ông đã quyết định bằng mọi cách phải khắc phục để vào khu nhà sập nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho các thành viên. Các lực lượng hiệp đồng của ta sau đó đã phát hiện được 4 vị trí, trong đó 2 vị trí có dấu hiệu về sự sống.
“Chúng tôi đã bàn giao cho cơ quan chức năng của bạn để giải quyết. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn các nước đã phối hợp đưa nạn nhân ra ngoài. Hôm sau khi chúng tôi quay lại thì các cụ già, người thân đều rất cảm động. Mặc dù người thân họ không còn nhưng đã được tìm thấy, họ khóc trong mất mát nhưng vẫn cảm ơn đoàn Việt Nam... Những tình cảm đó các thành viên trong đoàn không ai quên được”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ chia sẻ.
"Màn trời, chiếu bê tông" nhưng vẫn quyết tâm
Ông còn nhớ mãi hình ảnh những người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã mất tất cả tài sản, họ khóc thương cho người thân đã ra đi nhưng vẫn dành tình cảm đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam.
“Các chiến sĩ của ta mặc dù không đủ ăn nhưng đã chia sẻ một phần lương thực, thực phẩm cho những người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Vào các buổi trưa trong khi lực lượng cứu hộ của bạn nghỉ trưa, tranh thủ máy móc chưa đào xới thì các chiến sĩ ta lại dò tìm trong đống đổ nát. Lúc đó, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa bánh mì, nước mời các chiến sĩ Việt Nam”, Thiếu tướng xúc động kể lại.
10 ngày thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả ở nước bạn nhưng bộ đội ta cũng gặp không ít khó khăn, phải chống chịu với điều kiện thời tiết giá lạnh, đồ ăn, thức uống khan hiếm.
Những ngày đầu trang thiết bị chưa sang đủ và đặc biệt là quân trang, quần áo, các chiến sĩ phải nằm ở “màn trời, chiếu bê tông”. “Thầy trò chúng tôi quây quần bên bếp lửa cho đỡ lạnh, hôm sau 8h sáng vẫn nhận nhiệm vụ như bình thường”, ông chia sẻ.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ bày tỏ, cũng phải hết sức thông cảm với nước bạn vì trong điều kiện hoang tàn, nhiều nơi khó khăn, khó đáp ứng được hết cho các đoàn nên “chúng ta có thiếu tí cũng không sao”.
Theo quy định quốc tế và Việt Nam, người chỉ huy bao giờ cũng phải bảo đảm an toàn cho đoàn cứu hộ, cứu nạn. Còn các thành viên trong lực lượng cứu hộ đều phải có bản lĩnh và ý chí quyết tâm sắt đá.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho rằng, người chỉ huy phải nghiên cứu đánh giá kỹ, kết luận đúng tình hình và quyết đoán trong thực hiện, không được ngại gian khổ và cũng không sợ hy sinh.
“Có những hôm chúng tôi nằm ở sân vận động ‘màn trời, chiếu bê tông’ nhưng rung chấn 6,2-6,4 độ richter, nếu không có lập trường, tư tưởng thì sẽ không thực hiện nhiệm vụ được”, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho hay.
Qua lần thực hiện nhiệm vụ, cũng đã để lại kinh nghiệm thực tiễn trong ứng phó, xử lý các tình huống thảm họa. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết, thực tế Việt Nam ít gặp các thảm họa động đất, sóng thần nhưng không vì thế mà chủ quan, nước ta đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, kế hoạch để ứng phó khi có sự cố.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẳng định, thông qua việc cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhì Kỹ chính là thực tiễn để bổ sung vào lý luận, từ lý luận để điều chỉnh lại giáo trình, giáo án huấn luyện cho sát thực tế, để nâng cao khả năng diễn tập và cơ động kịp thời để không bị động, bất ngờ.