Tuồng Thạch Lỗi đứng trước nguy cơ mai một
Để bảo tồn nghệ thuật hát Tuồng cổ truyền thống, năm 2022, Thạch Lỗi đã thành lập Câu lạc bộ hát Tuồng Thạch Lỗi với 26 thành viên là những người đam mê với Tuồng cổ.
Thạch Lỗi là xã hiếm hoi của huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương còn lưu giữ được nghệ thuật truyền thống diễn Tuồng cổ từ lâu đời. Trong thời kỳ kháng chiến, người dân phải đi sơ tán nên hoạt động biểu diễn tuồng của xã không được duy trì thường xuyên.
Năm 1960, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã hỗ trợ người dân trong xã phục dựng lại nghệ thuật Tuồng cổ. Tuy nhiên, những người gắn bó với nghệ thuật Tuồng cổ ở đây còn không nhiều. Hiện cả xã chỉ còn khoảng 30 người chủ yếu là người cao tuổi còn giữ lại được hát Tuồng cổ. Những người này thường xuyên trăn trở về việc truyền nghề cho lớp trẻ để gìn giữ nghệ thuật truyền thống này. Mặc dù đã tìm kiếm nhiều năm, nhưng việc tìm được người trẻ vừa có giọng hát, vừa đam mê mà lại tâm huyết với Tuồng là rất khó. Tuồng cổ Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng đang đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu thế hệ kế cận.
Những người cao niên gắn bó với Tuồng cổ Thạch Lỗi rất mong mỏi tìm được người tâm huyết để truyền nghề. Tuy nhiên, nghệ thuật Tuồng có đặc điểm là một loại hình sân khấu tổng thể. Hát tuồng vừa mang yếu tố ca hát, vũ nhạc được phát triển hài hòa trong nghệ thuật biểu diễn. Tuồng là sự kết hợp yếu tố của sân khấu cổ điển và hiện đại, mang trong mình giá trị nghệ thuật, văn hóa tinh thần đặc trưng của dân tộc.
Bà Lê Thị Lý, đội Tuồng xã Thạch Lỗi, năm nay đã gần 80 tuổi, là một trong những người ít ỏi trong xã đã gắn bó với tuồng từ năm 1963. Bà Lý chia sẻ, tuồng là môn học khó nên nhiều người trẻ đều không kiên trì để theo đuổi. Nhưng khi đã hiểu và đam mê với nghệ thuật Tuồng thì sẽ yêu thích và gắn bó suốt đời.
Năm 2018, xã Thạch Lỗi đã đưa môn học này vào trường học để giảng dạy ở các buổi ngoại khóa cho học sinh Tiểu học và Trung học Cơ sở. Sau một thời gian học, các học sinh không được trau dồi, biểu diễn thường xuyên nên phần lớn đã quên và không nhớ được lời hát. Hiện nay, lớp trẻ thường thích những loại hình văn hóa sôi động, hấp dẫn khác nên không còn mặn mà với nghệ thuật hát Tuồng tại quê hương.
Chị Vũ Thị Mai, xã Thạch Lỗi mới biết đến nghệ thuật Tuồng khi đã ngoài 50 tuổi. Trước kia chị đã tham gia hát Chèo từ nhỏ. Nhưng khi đến với nghệ thuật hát Tuồng chị thấy khó hơn nhiều. Với niềm đam mê và mong muốn gìn giữ bộ môn nghệ thuật này, đến nay chị đã biết hát Tuồng. Chị Mai chia sẻ, cái khó của hát Tuồng là các giọng luyến láy, hát Khách, hát Than giọng Nam Ai, Nam Xuân, hát Tẩu,… của từng vở diễn, với người không có niềm đam mê, yêu thích, rất dễ nản chí và bỏ cuộc.
Để bảo tồn nghệ thuật hát Tuồng cổ truyền thống của xã, năm 2022, Thạch Lỗi đã thành lập Câu lạc bộ hát Tuồng Thạch Lỗi với 26 thành viên là những người đam mê với Tuồng cổ. Phần lớn hoạt động của Câu lạc bộ Tuồng là nguồn kinh phí tự túc nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đào tạo và thu hút thế hệ trẻ tham gia.
Ông Hoàng Đình Quý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng Thạch Lỗi cho biết, đây là bộ môn vừa khó học mà lại rất kén khán giả xem. Câu lạc bộ vẫn cố gắng duy trì mỗi tuần hai buổi sinh hoạt hát Tuồng. Để mọi thành viên có thể cùng tham gia, Câu lạc bộ cũng chọn những vở phù hợp với nhiều thành viên để mọi người cùng có sân chơi chung trong các vở tuồng.
Anh Lê Huy Hậu, Công chức văn hóa của xã Thạch Lỗi cho biết, xã đã có nhiều giải pháp cùng với Câu lạc bộ để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nghệ thuật Tuồng cho thế hệ trẻ. Để tìm được thế hệ kế cận, xã cũng mong muốn có sự giúp đỡ của cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí, tìm ra những nhân tố mới có năng khiếu về hát Tuồng, phát triển nghệ thuật Tuồng của địa phương. Khi có sự đầu tư đúng mức và có người đào tạo bài bản, nghệ thuật hát Tuồng Thạch Lỗi mới có thể gìn giữ, bảo tồn và trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-thach-loi-dung-truoc-nguy-co-mai-mot/313356.html