Tướng Tô Ân Xô: Người cụt cả hai tay vẫn được cấp bằng lái xe
'Có bệnh nhân nam mà có chứng nhận viêm các bộ phận của nữ giới; hay có người cụt cả hai tay vẫn được cấp bằng lái xe, vì có giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe. Hay muốn chạy tội thì lấy giấy chứng nhận có vấn đề về tâm thần từ đó xảy ra tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật', Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/6, phóng viên đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công an về tình trạng làm giả giấy tờ trục lợi bảo hiểm xã hội, cấp khống bán giấy khám sức khỏe, tiến độ điều tra ra sao?
Trả lời câu hỏi, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, việc cấp khống, bán giấy khám sức khỏe xảy ra từ rất lâu rồi, tại nhiều địa phương. Lực lượng công an và các cơ quan chức năng khác đã tiến hành nhưng chưa ngăn chặn được triệt để.
Lý do, theo ông, nhu cầu giấy khám sức khỏe của người dân rất cao, đi học lái xe, đi lao động, xin việc, đóng bảo hiểm, thậm chí liên quan đến việc chạy tội cũng cần chứng nhận y tế.
"Ví dụ, có bệnh nhân nam mà có chứng nhận viêm các bộ phận của nữ giới; hay có người cụt cả hai tay vẫn được cấp bằng lái xe, vì có giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe. Hay muốn chạy tội thì lấy giấy chứng nhận có vấn đề về tâm thần từ đó xảy ra tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật”, ông Xô thông tin.
Về vụ ở Đồng Nai vừa qua, Tướng Xô cho biết, hiện công an tỉnh này đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 18 đối tượng, và sẽ khởi tố trong thời gian tới.
Đặc biệt, theo ông, vừa qua việc cho nghỉ việc được hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe trên địa bàn thành phố Biên Hòa, qua khám xét, thu giữ trên 130 nghìn giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, 400 tờ giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, mà chưa có thông tin người khám bệnh.
Theo Bộ Công an, bước đầu xác định có hai đối tượng chủ mưu cầm đầu, cấu kết, móc nối với phòng khám bệnh trên địa bàn thành phố Biên Hòa, thực hiện hành vi viết, viết thêm, giả chữ ký người khám bệnh, khám sức khỏe, để lập hồ sơ được hưởng bảo hiểm xã hội; lập hồ sơ rút tiền bảo hiểm xã hội đối với công nhân cho người không bị bệnh, không đi khám bệnh.
Tuy nhiên, các phòng khám này vẫn được hưởng tiền khám chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế, gây thiệt hại thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước.
"Hiện nay Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ các hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan, xử lý theo đúng quy định pháp luật”, ông Xô nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 2/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa đã tạm giữ hình sự 18 đối tượng, gồm 5 bác sỹ và nhiều dược sỹ, nhân viên y tế để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức liên quan vụ khám xét 6 phòng khám làm khống giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm xã hội.
Trong số 18 đối tượng bị tạm giữ, có 3 bác sỹ là trưởng các phòng khám đa khoa Long Bình Tân, đa khoa Tân Long và đa khoa Hiền Phước; 1 bác sỹ là Phó phòng khám đa khoa Tam Đức và 1 bác sỹ chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức. Ngoài ra còn có 13 đối tượng khác là dược sỹ, nhân viên y tế và đối tượng chuyên môi giới để làm giả các loại giấy tờ liên quan.