Tượng vàng Oscar đầu tiên của Liên Xô ảnh hưởng đến kết cục Thế chiến 2
Năm 1943, Giải thưởng Viện Hàn lâm cho Phim tài liệu hay nhất đã được trao cho 'Moscow Strikes Back', bộ phim nói về chiến thắng trước Đức Quốc xã ở ngoại ô Moskva. Các nhà sử học coi đây là một động thái chính trị ảnh hưởng đến cục diện của Thế chiến thứ 2.
Lễ trao giải Oscar năm 1943 diễn ra tại hộp đêm Coconut Grove của khách sạn Ambassador ở Los Angeles. Không ai mặc tuxedo, váy dạ hội hay đeo trang sức đắt tiền và kim cương, mọi thứ đều khá đời thường, nhiều diễn viên thậm chí còn mặc quân phục. Dàn tượng Oscar nổi tiếng được làm bằng thạch cao. Hầu như tất cả các phim được đề cử đều liên quan đến chiến tranh, với kỷ lục 25 phim đua tranh chiến thắng ở hạng mục Phim tài liệu hay nhất. Cuối cùng bốn phim đã chia nhau giải thưởng, trong đó có "Moscow Strikes Back" (Moskva phản công).
“Thực sự mang tính lịch sử, bởi vì đây là giải Oscar đầu tiên mà Nga giành được”, diễn viên Tom O’Neill, một người tham gia buổi lễ trao giải thưởng Viện Hàn Lầm lần thứ 15, nhớ lại. Trên thực tế, theo các nhà sử học, lý do bộ phim giành giải Oscar hoàn toàn là vấn đề chính trị.
Stalin - "Giám đốc sản xuất phim"
Sau khi thực hiện cuộc không kích đầu tiên vào Liên Xô, lực lượng không quân Đức (Wehrmacht) đã hy vọng nhanh chóng chiếm được phần châu Âu của đất nước này. Và mặc dù một chiến thắng nhanh chóng và mang tính quyết định là điều không cần bàn cãi, họ đã tiến nhanh về phía thủ đô của Liên Xô.
“Vào đêm 23/7/1941, lực lượng của Hitler đã thực hiện cuộc không kích đầu tiên vào Moskva. Thủ đô chờ đợi một dàn gồm 220 phi cơ ném bom” - nhà quay phim tiền tuyến Mikhail Poselsky nhớ lại - “Chúng tôi đã bắt gặp một cảnh tượng kinh hoàng ở phố Arbat. Một quả bom nặng nửa tấn đã xuyên thủng mái nhà hát Vakhtangov và phát nổ bên trong khán phòng. Có năm nhân viên làm nhiệm vụ tối hôm đó và tất cả đều thiệt mạng. Buổi sáng, tôi quay những thước phim chiến tranh đầu tiên của mình - những dấu vết của trận bom đầu tiên vào thủ đô”.
Một tháng sau sự kiện đó, Moskva chìm trong lửa đạn. Theo các nhà sử học, trong 4 tháng chiến tranh, tính đến tháng 10/1941, tổn thất của Liên Xô lên tới một triệu người. Người Đức chắc chắn Moskva sẽ thất thủ đến mức họ tiếp cận thủ đô của Liên Xô trong đồng phục nghi lễ, dừng lại cách thành phố 100 km.
Nhưng tâm lý lo lắng dần vơi đi khi nhà lãnh đạo Joseph Stalin quyết định ở lại Moskva và bố trí lực lượng phòng thủ. Liên Xô đã tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng Cách mạng Tháng Mười như mọi năm. Quyết định mạo hiểm đó được coi là cần thiết để nâng cao nhuệ khí quốc gia. Một đoạn phim về cuộc diễu binh lịch sử ngày 7/11/1941 đã được đưa vào bộ phim.
Vài ngày sau cuộc duyệt binh, lãnh tụ Stalin tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với người đứng đầu bộ phận quay phim, Ivan Bolshakov. “Quân đội của chúng ta sắp chuyển sang một cuộc tấn công bên ngoài Moskva. Chúng ta sẽ tung ra một đòn có sức mạnh phi thường nhằm vào quân Đức. Tôi nghĩ chúng sẽ không chịu được và phải lùi bước… Chúng ta cần quay tất cả những điều đó và tạo ra một bộ phim chất lượng”, ông Bolshakov dẫn lại lời lãnh tụ Stalin.
Quay phim trong lửa đạn
Không có nhiều nhà quay phim ở lại Moskva vào thời điểm đó. Xưởng làm phim tài liệu chính đã được đưa ra khỏi Moskva 1.000 km. Chỉ một nhóm nhỏ còn trụ lại để ghi lại cuộc kháng cự của Moskva.
Việc ghi hình bắt đầu ngay lập tức theo một kế hoạch rất thô sơ, nhưng với một mục tiêu nghiêm ngặt: thể hiện sức mạnh của Hồng quân và phá hủy “huyền thoại” về Đức quốc xã bất khả chiến bại.
Công việc diễn ra trong điều kiện khắc nghiệt. Thời tiết buốt giá ập đến. Nhà quay phim Teodor Bunimovich nhớ lại: “Trước mỗi buổi quay, tôi phải nằm trong tuyết, ủ ấm máy quay dưới chiếc áo khoác da cừu. Đôi tay đông cứng của tôi không chịu cử động đúng ý”.
Cuộc giao tranh cuối cùng đã diễn ra trên vùng lãnh thổ dài tới hơn 1.000 km, được quay bởi một êkíp chỉ có 30 người và mọi người phải tản ra để không bỏ lỡ bất kỳ cảnh quay quý giá nào.
“Tối muộn, trở lại trường quay, họ mang về hàng nghìn thước phim vô giá, chuẩn bị đồ nghề để quay phim cho ngày hôm sau, xem qua những gì đã ghi được trong các buổi quay trước, và bắt đầu giấc ngủ quý giá chỉ trong một tiếng đồng hồ, rồi lại lên đường ra tiền tuyến” - đồng đạo diễn Ilya Kopalin nhớ lại. Lâu lâu lại có một chiếc ô tô chạy đến, mang theo thi thể một đồng nghiệp cùng với chiếc máy quay bị vỡ hỏng của anh ấy.
Công việc diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm với lịch trình dày đặc. Các nhà làm phim không bao giờ nhìn thấy quang cảnh bên trong một hầm trú bom, ngay cả khi còi báo động không kích rú vang. Cuối tháng 12/1941, một tháng rưỡi sau, công việc hoàn tất và đã đến lúc phải ghép âm thanh.
“Giai đoạn thu âm hào hứng và nghiêm túc nhất bắt đầu: Bản giao hưởng số 5 của Tchaikovsky. Một giai điệu vui tươi của Nga. Trong khi đó, thước phim cho thấy cảnh thành phố đang bốc cháy, giá treo cổ, xác chết và những cảnh quay bạo lực giữa lúc quân phát xít rút lui. Chúng tôi nghe nhạc, xem hình ảnh và khóc. Các nhạc công cũng đã khóc khi họ chơi đàn với đôi tay băng giá”, ông Kopalin nhớ lại.
“Moscow Strikes Back” được phát hành tại các rạp chiếu phim Liên Xô vào ngày 18/2/1942. Cả thảy 800 bản sao đã được gửi đi khắp cả nước, để đồng loạt chiếu trong cùng một ngày. Một phần trong số đó được gửi đến Mỹ, Anh, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng năm đó, bộ phim được trao giải thưởng của Hiệp hội Phê bình phim quốc gia Mỹ, và tiếp theo là giải Oscar danh giá vào năm 1943, kèm theo lời mô tả: “Vì sự thể hiện sống động về chủ nghĩa anh hùng của Quân đội Nga và của nhân dân Nga để bảo vệ Moskva và vì thành tích trong điều kiện hết sức khó khăn và nguy hiểm".
Tuy nhiên, Giải Oscar không chỉ đơn thuần là sự công nhận tài năng xuất sắc của các nhà quay phim Liên Xô, nó còn mang ý nghĩa chính trị - theo nhà sử học điện ảnh Sergey Kapterev.
“Cả Anh và Mỹ đều phải thuyết phục người dân của họ về sự cần thiết phải hỗ trợ Liên Xô, thuyết phục họ rằng Liên Xô đang là nạn nhân cuộc xâm lược của Hitler và là một đồng minh quan trọng”, ông Kapterev nói.
Trong thời kỳ đầu chiến tranh, Liên Xô gần như là một đồng minh của Đức, hai nước thậm chí đã ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau (Hiệp ước Molotov-Ribbentrop). Sau đó, khi Hilter tấn công Ba Lan, một hiệp ước khác được ký kết, giả định sự phân chia Ba Lan giữa Đức và Liên Xô. Nói cách khác, bộ phim nhằm khôi phục hình ảnh Liên Xô trong mắt công chúng phương Tây trong quá trình hình thành liên minh chống Hitler. Để đảm bảo thành công ở Mỹ, nó đã phải được chỉnh sửa cho phù hợp với công chúng Mỹ.
Phiên bản Mỹ
Phiên bản Mỹ năng động hơn, ngắn hơn 14 phút so với phiên bản gốc, với một số điểm mang tính tư tưởng, dành cho người xem Liên Xô, đã bị cắt bỏ. Bộ phim được dựng lại, với sự tham gia của nhà báo Elliot Paul và nhà văn kiêm đảng viên Đảng Cộng sản Paul Maltz. Người đọc lời tiếng Anh là diễn viên Edward G. Robinson, nổi tiếng với những vai “xã hội đen”, nhưng cũng là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong các dự án chính trị và quân sự. Khuôn mặt của Robinson trên các áp phích cũng đã tạo nên sức hút cho bộ phim tài liệu Liên Xô.
Và vì vậy, "Moscow Strikes Back" - bản chính sửa ở Mỹ - đã được công chiếu và đủ điều kiện nhận giải Oscar.
Bộ phim đạt thành công vang dội, thu hút khoảng 16 triệu khán Mỹ và Anh. Tờ New York Times viết: “Đây là một bộ phim thắt chặt nắm đấm và chiếm lấy trái tim bằng sự tức giận [với Đức quốc xã]”. Đối với nhiều người, đó là những hình ảnh gây sốc nhất: chưa từng có bộ phim tài liệu nào có cảnh tượng đau khổ và chết chóc như vậy".
Chỉ vài ngày sau khi ra mắt tại Mỹ vào tháng 8/1942, một giao thức viện trợ Lend-Lease thứ hai đã được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô. “Lend-Lease Protocol” là một chương trình viện trợ của Mỹ đối với Anh, Pháp, Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đồng minh khác, từ năm 1941-1945, với các mặt hàng gồm thực phẩm, dầu mỏ và các trang thiết bị quân sự.
Và mặc dù tới năm sau. 1943, giải Oscar mới được trao cho bộ phim, bức tượng vàng Oscar đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ấn tượng với các nước Đồng minh về sự cần thiết phải đoàn kết với Liên Xô chống lại phát xít Đức.