Tướng về hưu 'cô đơn' trong gia đình hiện đại

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: 'Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người'. Có lẽ vì thế mà văn học phản ánh sâu sắc những mảnh màu trong cuộc sống, trong đó có cả sự cô đơn.

Người ta gọi xã hội hiện đại là xã hội cô đơn, bi kịch của nỗi cô đơn ngập tràn. Con người mang mặc cảm cô đơn như một “bản án” ngay từ khi sinh ra. Sự gắn kết giữa con người với nhau bằng quan hệ gia đình, xã hội tưởng như sâu sắc và bền chặt nhưng thực ra lại vô cùng lỏng lẻo và dễ đứt. Sự đổi mới quan niệm về con người đó được thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp.

Tướng Thuẫn từ một địa vị cao trở về với cuộc sống đời thường như cá tách khỏi nước, không thể hòa nhập được với cuộc sống mới. Tướng Thuấn cô đơn. Đó là sự cô đơn của ý thức thế hệ. Nhưng đó phải chăng cũng là câu chuyện về bản lĩnh sống?

Những góc nhìn thú vị về cuộc sống thông qua văn học nêu trên được nhà phê bình Văn học - Tiến sĩ Mai Anh Tuấn chia sẻ tại LiT Wonders 2024: Talkshow Văn học và Nghệ thuật “Dạ huyền" - sự kiện chính của Câu lạc bộ Văn học LiT - Literature in Thoughts - trường THPT Chuyên Sư Phạm tổ chức vào ngày 26/5/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội. Chương trình được cho là truyền ngọn lửa đam mê con chữ đến mọi người để Văn học trở thành một phần không thể thiếu trong tâm tưởng.

Nhà phê bình Văn học - Tiến sĩ Mai Anh Tuấn cho rằng, nếu trước nay, bạn đọc cho rằng có lẽ, con người hiện đại đang sống quá đỗi thờ ơ, vô cảm, để người lính về hưu không còn cảm nhận được hơi ấm tình thương gia đình, thì nhà phê bình cho rằng: "Nhân vật chính của truyện ngắn - Tướng Thuần đã về hưu, luôn sống trong sự mến mộ, thần tượng con người chiến công của xã hội. Và khi không thoát ra khỏi vầng hào quang để trở về với cuộc sống, với những gì đời thường nhất, con người cảm thấy “lạc loài". Xã hội đưa vị tướng về hưu lên đỉnh cao danh vọng, nhưng trên đỉnh cao ấy, lại là sự cô đơn tột cùng".

Ban Tổ chức sự kiện Talkshow Văn học và Nghệ thuật “Dạ huyền" - Câu lạc bộ Văn học LiT - Literature in Thoughts

Tại sự kiện, Nhà văn Hiền Trang, cùng Nhà phê bình Văn học Mai Anh Tuấn đã bàn luận về xu hướng viết tiểu thuyết lịch sử trong Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Khi những nhà văn trở nên táo bạo hơn, không đơn thuần chỉ kể lại lịch sử, mà còn dám khai thác những góc nhìn thầm kín hơn một cách khách quan. Nhân vật không còn hiện lên anh hùng sử thi với một mặt cao cả, mà còn được khắc họa với cả những thói hư, tật xấu giờ đây được hiển lộ.

Hai diễn giả của chương trình: Nhà văn Hiền Trang, cùng Nhà phê bình Văn học Mai Anh Tuấn

Hai diễn giả của chương trình: Nhà văn Hiền Trang, cùng Nhà phê bình Văn học Mai Anh Tuấn

Chia sẻ về cách thức người trẻ hiện nay tiếp cận lịch sử, Trưởng Ban Tổ chức chuỗi sự kiện LiT Wonders 2024 - Bạn Trần Thị Hoàng Chúc, cùng Phó Trưởng Ban Tổ chức - Bạn Nguyễn Đỗ Hà Vy nhận định: “Thế hệ trẻ ngày nay có thể tiếp cận lịch sử theo nhiều cách thức đa dạng hơn, năng động hơn. Khi chỉ cần tìm hiểu thông tin trên các trang mạng xã hội, chúng em có thể học được nhiều điều mới về lịch sử dân tộc, qua những loại hình truyền đạt thông tin hấp dẫn hơn, như Video, hay Phóng sự, để có thể ghi nhớ lâu hơn. Đặc biệt, chúng em nhận thấy người trẻ hiện nay rất có ý thức trong việc truyền tải tình yêu lịch sử đất nước, như Câu lạc bộ Văn học LiT đang tổ chức Talkshow về Văn học Việt Nam sau năm 1986 nơi đây, để người tham dự hiểu được một giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện lên sau năm 1986”.

Em Hà Vy (bên phải) - Phó Ban Tổ chức chương trình

Em Hà Vy (bên phải) - Phó Ban Tổ chức chương trình

LiT Wonders 2024: Dạ Huyền được cho đã góp phần nung nấu tình yêu, truyền tải thông điệp về những giá trị lịch sử vượt thời đại qua văn học, nâng cao nhận thức của thế hệ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, cung cấp kiến thức, phương tiện tiếp cận một bản thể văn học được lưu truyền qua nhiều thời đại.

PV

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tuong-ve-huu-co-don-trong-gia-dinh-hien-dai-d198975.html