Tượng voi đá - bảo vật nghìn năm tuổi đặc sắc của mỹ thuật Chăm
Không phải ngẫu nhiên, cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, niên đại nửa sau thế kỷ XII hiện ở Khu di tích thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định được đặc biệt chú ý sau khi lọt vào danh sách 27 bảo vật quốc gia được bảo vệ đặc biệt. Đây thực sự là tác phẩm nghệ thuật nghìn tuổi đáng được trầm trồ về vẻ đẹp mỹ thuật.
Cặp tượng voi mặc dù là tài sản quản lý của Bảo tàng Bình Định, nhưng hiện vẫn đặt ngoài trời, tại chỗ như vốn có. Người dân sống quanh khu vực này cho hay, gia đình họ nhiều thế hệ đã sống ở đây rất lâu và cho biết cặp tượng voi luôn tồn tại ở vị trí này, không ai dịch chuyển cũng như có hành vi xâm hại. Thậm chí, họ cho rằng, hai tượng voi đá này như “hai vị thần” ở đây bảo vệ, che chở cho dân chúng.
Hồ sơ di tích thành Hoàng Đế ghi rõ 2 tượng voi đá này là những tác phẩm thuộc nền điêu khắc Chăm tạo tác từ chất liệu đá sa thạch và được xem là hiện vật gốc, độc bản trong phong cách điêu khắc Chăm ở thế kỷ 12. Tượng khoảng 1.000 năm tuổi, độc bản, kê ngoài trời theo cách được đặt đứng chầu trước cửa Vệ môn thành Nội thuộc khu di tích thành Hoàng Đế.
Có thể thấy, cặp tượng voi được đặt ở vị trí 2 bên cổng của một thành quách cổ. Hai tượng hướng nhìn vào nhau, khác nhau rõ rệt và nhìn vào mắt thường cũng thấy đó là một con cái và một con đực. Tượng voi được tạc có đeo trang sức và nhạc khí, chứng tỏ được lấy từ nguyên mẫu tượng voi chiến, thuộc hoàng cung và đã được nhân cách hóa. Các trang sức trên mình voi cũng cho thấy giá trị lịch sử, cái nhìn thẩm mỹ và văn hóa của các triều đại cổ xưa.
Tượng voi cái cao 1,76m, dài 2,2m, rộng 0,85m, trọng lượng ước khoảng 750kg. Tượng được tạo tác trong tư thế động, thân voi thẳng, dáng đang đi, hai chân sau được tạo liền khối với hai chân trước và đế tượng. Trang sức và chi tiết trang trí mang những đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc Champa đặc trưng. Tượng voi đực cao 200m, dài 240m, trọng lượng lớn một chút so với voi cái, tạc trong tư thế động trên bệ đá liền khối. Hai chân bên trái bước tới, đầu hơi quay trái như đang dùng vòi nhổ cây.
Cặp tượng voi tả thực sống động, đứng gần có cảm giác đó là tượng voi có hồn, đang ngoái nhìn đời sống đương đại. Một tác phẩm của bàn tay con người, sờ được vào, nhìn ngắm thỏa thích của nghìn năm trước để lại - như một thông điệp, một chứng nhân lịch sử.
Thành Hoàng Đế được nhà Tây Sơn xây dựng trên cơ sở kinh thành Đồ Bàn của Vương quốc Champa cổ và mở rộng thêm về phía Đông, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1982.
Tỉnh Bình Định hiện nay sở hữu nhiều hiện vật cổ có giá trị của văn hóa Chăm. Ngoài một số ít các hiện vật là phù điêu, tượng văn hóa Chăm được lưu giữ tại bảo tàng thì phần lớn các hiện vật nghìn tuổi đều nằm ngoài trời, khiến công tác bảo tồn, bảo tàng gặp khó khăn. Đầu tiên phải kể đến hệ thống các đền tháp Chăm đều nằm ngoài trời và chưa được khai thác đúng tiềm năng cho du lịch.
Ngoài khu tháp Chăm nằm trong lòng thành phố Quy Nhơn là tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh) được khai thác du lịch và được nhiều người biết đến, các khu vực khác như tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên, tháp Bình Lâm… đều nằm xa trung tâm và khá ít khách du lịch lui tới do không thuận tiện về mặt giao thông. Khu di tích thành Hoàng Đế cũng tương tự, thường vắng vẻ và hoang vu, tư liệu lịch sử ít ỏi, chưa được số hóa theo nhu cầu của khách du lịch và các nhà nghiên cứu.
Giờ đây, khi cặp tượng voi đã trở thành bảo vật quốc gia, nhiều người không khỏi lo ngại, cặp tượng voi sẽ bị thời gian, thời tiết làm hư hại nếu không được các ngành chức năng, chính quyền địa phương lên phương án bảo vệ, gìn giữ giá trị nguyên vẹn của nó. Nhất là phiên bản độc đáo của mỹ thuật Chăm này lại là tác phẩm điêu khắc đá sa thạch rất tinh xảo và hầu như còn nguyên vẹn, trừ phần ngà voi bị gãy và một vài chi tiết khác bổ trợ cho bức tượng có thể bị mất mát, hao hụt qua thời gian. Thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề cần được quan tâm đối với các nhà chức trách, các ngành chức năng trong thời gian tới.
Ngày 30/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg chính thức công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022). Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 265 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.