Tựu trường trước khai giảng, học sinh chỉ được nghỉ hè 2 tuần
PGS Đoàn Hương Mai đề xuất cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng 5/9, không học trước từ tháng 8. Năm học kéo dài, nếu tựu trường sớm, trẻ mất đi kỳ nghỉ hè ý nghĩa.
Chị Nguyễn Quyên, phụ huynh có con theo học bậc mầm non một trường tư thục liên cấp ở Hà Nội, cho biết toàn trường kết thúc năm học ngày 15/7. Trẻ mầm non chỉ nghỉ 2 ngày, sau đó học xuyên hè. Học sinh Tiểu học và THCS được nghỉ hè 2 tuần. Ngày tựu trường của năm học 2020-2021 từ 3/8.
Câu chuyện của chị Quyên cũng là trăn trở của nhiều phụ huynh khác. Do dịch Covid-19, thời gian kết thúc năm học 2019-2020 lùi đến 15/7. Nếu giữ ngày bắt đầu năm học mới như năm ngoái, tại nhiều tỉnh, thành, học sinh chỉ nghỉ hè khoảng 2 tuần đến một tháng.
Thời gian nghỉ hè ngắn cùng việc học sinh phải đến trường trong thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt mùa nóng ở miền Bắc, khiến nhiều phụ huynh, giáo viên lo ngại.
Mong con có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa
Chia sẻ với Zing, chị Nguyễn Quyên nói: “Trong mùa dịch, mọi người nói học là việc cả đời, nên cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn. Bây giờ, họ lại tiếc kỳ nghỉ hè 1-2 tuần của trẻ”.
Nữ phụ huynh chia sẻ thêm thời gian sau Tết, học sinh được nghỉ dài ngày vì dịch Covid-19. Nhưng đó không phải kỳ nghỉ đúng nghĩa khi trẻ thường bị bắt ở nhà.
Vì thế, chị mong muốn con có kỳ nghỉ hè thực thụ, về quê vài ngày hoặc đi biển cùng gia đình. Như vậy, con có thể bỏ qua chuyện sách vở, bố mẹ tạm gác công việc để ở bên nhau trong ít nhất một tuần.
Hơn nữa, việc để con vất vả đi học trong thời tiết mùa hè khắc nghiệt, nắng nóng, mưa giông cũng khiến chị Quyên lo lắng.
Cùng quan điểm, PGS Đoàn Hương Mai, Trưởng Bộ môn Sinh thái học, Khoa Sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, mong muốn con có kỳ nghỉ hè dài hơn.
Bà Hương Mai thông tin con học tại trường ở Hà Nội. Trong 3 tháng nghỉ vì dịch Covid-19, học sinh phải học online trong một tháng. Ngày 4/5, con đến lớp trở lại và phải học đến 14/7 (gần 2,5 tháng). Như vậy, trong học kỳ 2, con học 3,5 tháng. Ngoài ra, chương trình học cũng đã được Bộ GD&ĐT tinh giản.
Trong khi đó, nếu không có dịch Covid-19, học sinh học từ 3/2 đến 24/5, tức chưa đến 4 tháng. Bà Hương Mai đặt câu hỏi với thời gian, chương trình học như thế, thực tế, học sinh và giáo viên có thực sự được giảm tải chương trình không?
Nữ phụ huynh thắc mắc với trường dân lập, tính học phí đủ 10 tháng, liệu việc kéo dài thời gian học có nhằm mục đích thu đủ học phí? Bà khẳng định gia đình sẵn sàng đóng đủ tiền học 10 tháng nhưng mong con có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa.
“Nếu thời tiết thuận hòa, việc các con đi học không sao, vì nhiều gia đình cũng muốn có nơi trông, dạy con. Nhưng với khí hậu khắc nghiệt như miền Bắc hiện nay, tôi thấy không nên bắt con đi học”, bà Hương Mai nêu quan điểm.
Cũng theo người mẹ này, trường chưa thông báo ngày bắt đầu năm học mới. Nếu như các năm trước, ngày 5/8, học sinh tựu trường, trẻ chỉ có khoảng 20 ngày nghỉ.
Nên có 1,5-2 tháng nghỉ hè
PGS Đoàn Hương Mai đề xuất cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng 5/9, không học trước từ tháng 8. Đặc biệt, hai tháng hè, cao điểm nắng nóng, các em nên được nghỉ.
Đây cũng là mong muốn của nhiều người, đặc biệt khi chương trình học ở nhiều nơi kéo dài đến tháng 7. Cô Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), thông tin trường kết thúc năm học ngày 15/7, dự kiến bắt đầu năm học mới ngày 5/9. Theo đó, học sinh nghỉ hè khoảng một tháng 20 ngày.
Nữ giáo viên đánh giá thời gian như vậy hợp lý, phù hợp thực tế học sinh vừa nghỉ học dài ngày do dịch. Cô nói thêm năm nay, giáo viên khá bận rộn, thời gian nghỉ ít hơn, do phải coi, chấm thi các kỳ tuyển sinh đầu cấp, đồng thời chuẩn bị cho những đổi mới của giáo dục sắp diễn ra. Đây là nhiệm vụ của ngành, cô tin tưởng giáo viên sẵn sàng thích ứng công việc sắp tới.
Từ góc độ phụ huynh, cô mong muốn học sinh được nghỉ hè 1,5-2 tháng. Nếu năm học kết thúc giữa tháng 7, đến giữa tháng 8, học sinh đi học trở lại sẽ vất vả cho cả các em lẫn giáo viên.
Việc thời gian nghỉ hè 1,5-2 tháng giúp học sinh không quên kiến thức, đồng thời có độ giãn sau thời gian chạy nước rút như thời gian qua. Giáo viên cũng có thời gian làm hồ sơ chuyên môn, sổ sách, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn.
Vì thế, cô Huyền Thảo ủng hộ việc cho học sinh đi học đúng ngày khai giảng. Tuy nhiên, tùy địa phương, các trường linh động, lên kế hoạch sao cho phù hợp vấn đề kinh tế, xã hội, tâm lý học sinh.
“Điều kiện thời tiết vùng, miền khác nhau. Các trường cần căn cứ thực tế để chủ động thực hiện. Thời gian nghỉ hè nên linh động. Việc áp dụng cứng nhắc, máy móc sẽ không hợp lý. Điều này dễ ảnh hưởng sức khỏe và khả năng học tập của các em”, cô Thảo nêu ý kiến.
Đề xuất bắt đầu năm học mới từ ngày 5/9 cũng nhận được sự ủng hộ từ ông Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc.
Năm nay, do thời gian nghỉ vì dịch, các trường trên địa bàn kéo dài năm học. Tuy nhiên, vì thời tiết nắng nóng, sở đưa ra điều chỉnh, chỉ đạo các trường tiểu học không lắp điều hòa cho 100% học sinh không dạy buổi chiều. Cấp THCS, THPT chỉ tổ chức ôn thi buổi chiều cho học sinh lớp 9 và 12 theo tinh thần tự nguyện.
Dù vậy, các trường vẫn đảm bảo kết thúc chương trình trước ngày 15/7 theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, một số trường có thể cho học sinh nghỉ học từ cuối tháng 6.
Ông khẳng định Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc ủng hộ việc cho học sinh nghỉ hè sớm, miễn đảm bảo chương trình học. Theo ông, việc để các em đi học trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt ở nơi không có điều hòa, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ông Hà thông tin thêm các năm trước, Vĩnh Phúc thường cho học sinh đến trường trước ngày khai giảng một tuần để dọn dẹp, chuẩn bị năm học mới. Việc học chính thức bắt đầu từ đầu tháng 9.
Như vậy, học sinh được nghỉ ngơi. Giáo viên có thời gian tham gia tập huấn, chuẩn bị cho chương trình mới.
“Nếu học xong vào 15/7 mà học sinh đi học lại từ tháng 8, thời gian nghỉ quá ít. Vĩnh Phúc không làm như vậy”, ông Việt Hà khẳng định.