Tùy bút: Hành trình hiện thực hóa khát vọng cất cánh

Bình Phước - miền đất giàu truyền thống cách mạng đã sinh ra, dưỡng nuôi những người con nghĩa tình, thủy chung, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và khi rời cuộc chiến lại khắc khoải những ước mong dựng xây quê hương. Thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Bình Phước hầu hết là những người bước ra từ chiến tranh. Họ từng được đồng bào chở che, nhường những bữa cơm độn mì, nhường hầm trú ẩn, thậm chí nhường cả mạng sống. Những tên gọi: Làng Hai, Căn cứ Nửa Lon, sóc Bom Bo… là hiện thực sinh động của tình quân - dân trong cuộc chiến giữ nước. Ân tình ấy đã được sử sách, thi ca, nhạc, họa lưu giữ. Những người đang sống hôm nay làm sao có thể lãng quên!

Cái mạch nguồn nhân ái, nghĩa tình ấy đã không ngừng được khơi thông, tuôn chảy trên mảnh đất thân thương này và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thời chiến khó khăn là đương nhiên, nhưng ai từng có mặt tại Bình Phước những ngày đầu tái lập tỉnh sẽ không thể quên được những khó khăn chất chồng lúc ấy. Gần như những gì thuận lợi nhất của Sông Bé đều thuộc về Bình Dương. 5 huyện khó khăn nhất của Sông Bé được “chia” cho Bình Phước. Hạ tầng gần như không có gì, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người mù chữ cao, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu... Trong hoàn cảnh ấy, lãnh đạo tỉnh không thể “trải thảm đỏ” để mời gọi những người tài về đầu quân cho tỉnh và giữ chân những người có năng lực ở lại địa phương. Chính sự đồng cam cộng khổ, sẻ chia, những lời động viên, khích lệ chân thành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong những bữa cơm đạm bạc ở các bếp ăn tập thể dã chiến trong ngày đầu tái lập tỉnh đã giữ chân những người thật sự gắn bó, muốn cống hiến cho vùng đất gian khó này.

Thành phố Đồng Xoài là trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước, với hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ, hiện đại tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị - Ảnh: Phú Quý

Thành phố Đồng Xoài là trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước, với hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ, hiện đại tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị - Ảnh: Phú Quý

Bao người lính từ mọi miền Tổ quốc, vì sứ mệnh trai thời chiến đã xả thân, đổ máu trên chiến trường miền Đông, khi rời tay súng đã chọn đất này lập nghiệp và trở thành những cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi. Rồi những cư dân từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về đây, cùng với người dân địa phương tạo dựng nên những làng mạc trù phú, điểm tô cho bức tranh Bình Phước những gam màu tươi sáng. Đội ngũ cán bộ đang giữ các vị trí chủ chốt của tỉnh hôm nay cũng từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về đây. Điều đó thể hiện sinh động tinh thần đoàn kết, sự khách quan trong sử dụng con người. Cho dù là thường dân hay cán bộ, công chức, khi tìm đến với vùng đất này, họ đã được tin tưởng, được trao cơ hội, trọng trách, được khơi dậy tiềm năng, đánh thức khát vọng cống hiến để thành công. Và họ đã chọn Bình Phước làm quê hương của mình.

Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Bình Phước đã khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, là tài nguyên đất, là đặc điểm khí hậu rất phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, là truyền thống đoàn kết và đã đạt những thành tựu đáng tự hào. Điều quan trọng là những tiềm năng phát triển đang ngày càng lộ diện, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư từ nhiều châu lục. Dù quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với các địa phương khác, song tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu người ở Bình Phước hiện xếp thứ 20 trong cả nước, tạo cơ hội việc làm rất lớn cho lao động địa phương và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế đang lan tỏa mạnh trong bối cảnh Bình Phước từ vị trí “dự trữ” vươn lên thành “động lực” phát triển của toàn vùng. Bình Phước cũng ít chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu so với các tỉnh, thành khác, lại có quỹ đất lớn và màu mỡ. Đặc biệt, với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình của các thế hệ lãnh đạo từ khi tái lập tỉnh, khát vọng về một Bình Phước cất cánh không hề viển vông mà hoàn toàn có cơ sở. Đúng như đánh giá của các chuyên gia hàng đầu cả nước trong “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh và định hướng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn 2050” là: Đến năm 2050, Bình Phước sẽ trở thành địa phương dẫn đầu trong nhóm khá của cả nước và trở thành một động lực cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ; trở thành miền đất hứa cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Để đạt được các mục tiêu ấy, tỉnh phải có một đội ngũ cán bộ, công chức, trí thức được đào tạo bài bản, có năng lực và khát khao cống hiến. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Phước đã có nhiều chương trình, đề án phát triển, thu hút nguồn nhân lực. Riêng ngành y tế đã có 2 lần HĐND tỉnh ban hành nghị quyết đặc thù nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y về tỉnh. Những đột phá trong công tác cán bộ thời gian qua đã khiến Bình Phước trở thành một trong những tỉnh thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về tinh giản, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy; về công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số... Tuy nhiên đến thời điểm này, Bình Phước vẫn chưa thu hút được nhiều người tài giỏi về đầu quân cho tỉnh; cũng chưa thực sự trở thành “miền đất hứa” để thu hút những người khá giả về sinh sống và phát triển kinh tế.

Làm gì để thu hút người tài giỏi, để người khá giả chọn Bình Phước sinh sống và cống hiến là câu hỏi mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh trăn trở. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, không thể chỉ chờ đợi vào tinh thần tự nguyện, sự cảm thông chia sẻ khó khăn như những ngày đầu tái lập tỉnh. Bởi thế, tỉnh cần tiếp tục có chính sách thu hút nhân tài, để những người đã chọn Bình Phước làm quê hương nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng cống hiến tài năng. Năm 2016, tỉnh phát động cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” và đã đạt những kết quả rất tích cực. Nét đẹp riêng có này của Bình Phước cần tiếp tục được tuyên truyền, cổ vũ và lan tỏa. Điều quan trọng là phải khơi dậy được khát vọng cống hiến ở mỗi cán bộ, công chức, ở mỗi đơn vị, tập thể và phải có cơ chế, chính sách khuyến khích những người dám “xé rào” vì lợi ích cộng đồng. Thật đáng mừng là Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận số 14 được ban hành thật đúng thời điểm, với những nội dung sâu sắc và thiết thực, là mũi tên dẫn đường cho các ngành, địa phương, trong đó có Bình Phước “mạnh tay” trong sử dụng người tài, người có khát vọng cống hiến một cách hiệu quả nhất.

Một mùa xuân mới đang về - mùa xuân của tuổi hai mươi sáu phơi phới trên quê hương Bình Phước thân yêu. Với đội ngũ cán bộ trẻ trung, năng động, lại được đào tạo bài bản hiện nay; với những tiềm năng, lợi thế cả về điều kiện tự nhiên và truyền thống quê hương cách mạng, cùng các chính sách về phát triển, thu hút nguồn nhân lực, chúng ta vững tin trong tương lai không xa, vùng đất thiêng Bình Phước sẽ nở hoa và cất cánh.

Linh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/140222/tuy-but-hanh-trinh-hien-thuc-hoa-khat-vong-cat-canh