Tuy Đức sắp ra khỏi danh sách huyện nghèo

Sau những nỗ lực vượt bậc trong công tác giảm nghèo, huyện Tuy Đức sắp hoàn thành mục tiêu 'ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước' vào cuối năm 2023.

Ấn tượng mô hình điểm, cầm tay chỉ việc

Gia đình ông Điểu Vinh thuộc diện hộ nghèo ở bon Bu NĐơr, xã Quảng Tâm (Tuy Đức). Tháng 8/2022, Hội Nông dân huyện Tuy Đức hỗ trợ gia đình ông 1.000 phôi giống nấm linh chi, hệ thống tưới nước, kỹ thuật trồng nấm.

Ông còn được hỗ trợ đi thăm quan các mô hình trồng nấm linh chi hiệu quả ở các tỉnh khác. Sau đó, gia đình ông bắt đầu trồng nấm linh chi dưới tán điều.

Ông Điểu Vinh cho biết, việc trồng nấm linh chi khá đơn giản. Lần đầu tiên trồng nấm, nhưng ông đã có thể chăm sóc tốt sau khi được hướng dẫn các kỹ thuật.

Từ khi triển khai mô hình đến nay, ông Điểu Vinh đã thu hoạch được 21kg nấm linh chi khô, bán với giá dao động trên dưới 1,5 triệu đồng/kg tùy loại.

Hiện nay, mô hình trồng nấm linh chi của ông Vinh đang được nhiều người dân trong vùng tìm hiểu để nhân rộng, tạo nguồn thu nhập.

Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng của ông Điểu Vinh, ở bon Bu NĐơr, xã Quảng Tâm (Tuy Đức)

Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng của ông Điểu Vinh, ở bon Bu NĐơr, xã Quảng Tâm (Tuy Đức)

Tại Tuy Đức, mắc ca được xem là cây thoát nghèo của nhiều hộ dân. Những năm qua, nhiều người dân trên địa bàn đã được hỗ trợ giống mắc ca để trồng, tạo nguồn thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như gia đình ông Điểu Pao, ở xã Quảng Trực (Tuy Đức), đã thoát nghèo nhờ cây mắc ca. Cách đây ít năm, gia đình ông được hỗ trợ 400 cây giống mắc ca; được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này.

Sau một thời gian trồng và chăm sóc, giờ đây cây mắc ca đã cho thu hoạch. Gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm và vươn lên thoát nghèo.

Mắc ca là cây thoát nghèo của nhiều hộ dân huyện Tuy Đức

Mắc ca là cây thoát nghèo của nhiều hộ dân huyện Tuy Đức

Năm 2022, Tuy Đức còn 4.624 hộ nghèo, chiếm 30,78% dân số. So với năm 2021, huyện giảm được 1.340 hộ nghèo, đạt 14,42%. Trong đó, huyện giảm 680 hộ nghèo là dân tộc thiểu số, đạt 20,39%; giảm 397 hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ, đạt 16,16%.

Nhiều thành quả ấn tượng

Tuy Đức là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 44% dân số. Huyện có đặc thù dân cư sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 2020 - 2025, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ đột phá mà huyện Tuy Đức đặt ra. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, huyện đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Cụm dân cư ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) ngày càng đổi mới

Cụm dân cư ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) ngày càng đổi mới

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Tuy Đức đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên điều kiện, đặc thù và nguồn lực của địa phương.

Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Công tác giảm nghèo được gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Huyện đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề số 06 về công tác giảm nghèo bền vững tại 6 bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện nghị quyết này, huyện đã nghiên cứu, phân tích điều kiện, cuộc sống của từng hộ dân, từng bon để đưa ta các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo.

Đơn cử như bon Bu NĐơr, xã Quảng Tâm, dựa trên tình hình thực tế, huyện đã ưu tiên lồng ghép nguồn vốn phát triển kinh tế, xã hội từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 2 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, bảo vệ phát triển rừng… cho hàng chục hộ, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện hỗ trợ 117 triệu đồng tiền điện cho 199 hộ; 4 tỷ đồng vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất cho 96 hộ.

100% người dân trong bon được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước. UBND xã Quảng Tâm đã kêu gọi, vận động xã hội hóa được hơn 190 triệu đồng để hỗ trợ, giúp bà con trong bon Bu NĐơr phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Kết quả, năm 2022, bon Bu NĐơr đã giảm được 82 hộ nghèo. Đây là kết quả giảm nghèo hiệu quả nhất của bon từ trước tới nay.

Theo Huyện ủy Tuy Đức, thực hiện Nghị quyết 06, các xã trên địa bàn đã linh động trong việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân.

Kết quả công tác giảm nghèo tại 6 bon theo Nghị quyết 06 trên địa bàn huyện Tuy Đức năm 2022 đã chuyển biến rất rõ nét. Trong đó, so với năm 2021, bon Bu Boong, xã Đắk Búk So, giảm 44 hộ nghèo; bon Bu NĐơr, xã Quảng Tâm giảm 82 hộ; bon Bu Kóh, xã Đắk R’tíh, giảm 13 hộ; bon Đắk N’Jút, xã Quảng Tân, giảm 30 hộ; bon Bu Sóp, xã Quảng Trực, giảm 26 hộ; bon Phi Lơ Te, xã Đắk Ngo, giảm 18 hộ.

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức cho biết, trong thời gian tới, huyện tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để trợ giúp người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo có cuộc sống ổn định.

Đồng thời, huyện thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Trong đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo cải thiện đời sống.

Huyện tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ giảm nghèo bền vững ở địa phương. Đặc biệt, huyện thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, dựa trên các tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến đến cuối năm 2023, Tuy Đức đủ điều kiện thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tuy-duc-sap-ra-khoi-danh-sach-huyen-ngheo-156291.html