Tuy Phong kỳ vọng tạo đột phá trong chuyển đổi số

Với những bước đi quyết liệt, huyện Tuy Phong kỳ vọng tạo đột phá trong chuyển đổi số, tạo ra sức bật mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Những bước tiến quan trọng

Trên cơ sở các kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số năm 2024, UBND huyện Tuy Phong đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, giúp đạt được các chỉ tiêu quan trọng đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy. Đến nay, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% hồ sơ công việc cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước thực hiện trên nền tảng số. Ngoài ra, 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê được tích hợp, chia sẻ trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. Đặc biệt, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt 84,7%; tỷ lệ người dân từ 14 tuổi trở lên có kỹ năng số cơ bản đạt 70%. Các phòng ban, ngành, địa phương cũng tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng số như VNeID, Công dân số Bình Thuận, ví điện tử, chữ ký số cá nhân...

Hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính người dân và doanh nghiệp.

Hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính người dân và doanh nghiệp.

Hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng và di động đã được đầu tư nâng cấp, phủ sóng toàn huyện. Bộ phận Một cửa cấp huyện, xã được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Toàn bộ 11/11 xã, thị trấn đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; 30/30 cơ quan đơn vị và UBND các xã, thị trấn triển khai sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh như Hệ thống thông tin điều hành chính quyền điện tử (BinhThuan Egov), Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng họp trực tuyến, kho dữ liệu dùng chung và ứng dụng Công dân số Bình Thuận.

Năm 2024, huyện tiếp nhận 7.887 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó 2.058 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện đạt 94,75%, cấp xã từ 90 - 99%. Mô hình Chính quyền số cấp xã tại UBND thị trấn Liên Hương và UBND xã Phước Thể bước đầu phát huy hiệu quả, giúp chính quyền hoạt động thuận lợi, phục vụ người dân tốt hơn. Địa phương cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, bệnh viện, cơ sở giáo dục và chi trả trợ cấp xã hội. Hiện có 41,78% đối tượng bảo trợ xã hội và 40% người có công nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.

Huyện còn triển khai thanh toán trực tuyến tiền nước, rác qua ngân hàng và ví điện tử, với hơn 2.800 khách hàng tham gia. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bằng công nghệ số cũng được đẩy mạnh, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Cùng với đó, công tác kết nối với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử và tích hợp các dịch vụ số được triển khai quyết liệt. Đến ngày 20/12/2024, toàn huyện đã thu nhận 140.354 hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD), kích hoạt 73.018 tài khoản định danh điện tử. Việc khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip đã được áp dụng tại Trung tâm Y tế huyện, trong khi chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt cũng đang dần phổ biến. Tổ Công nghệ số cộng đồng với 66 tổ tại 65 thôn, khu phố tiếp tục được củng cố và hoạt động hiệu quả.

Hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt

Hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt

Chuyển đổi tư duy số, lan tỏa kỹ năng số vùng nông thôn

Năm 2025, huyện Tuy Phong sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Theo ông Nguyễn Trung Trực – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về “chuyển đổi tư duy số”, lan tỏa kỹ năng số, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Huyện phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng trong hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ số, phòng chống lừa đảo trực tuyến, bảo vệ thông tin cá nhân. Triển khai các chính sách hỗ trợ thiết bị thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận công nghệ. Huyện tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông phát triển mạng băng thông rộng cố định chất lượng cao và mở rộng hạ tầng mạng di động 5G, đảm bảo kết nối Internet ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành triển khai các nội dung về dữ liệu số, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và kết nối các CSDL chuyên ngành với CSDL quốc gia, kho dữ liệu dùng chung và cổng dữ liệu mở của tỉnh. Điều này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, đồng thời cung cấp dữ liệu phục vụ Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Thuận, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Đẩy mạnh cải cách hành chính với việc số hóa hồ sơ, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục, phát triển dữ liệu công dân số. Huyện cũng triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong lĩnh vực ăn uống để chống thất thu thuế. Chuyển đổi theo mô hình số chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ, làng nghề thủ công ứng dụng công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng hiện đại. Bên cạnh đó, huyện nâng cao trình độ đội ngũ công nghệ thông tin, phát triển nền tảng số phục vụ công tác quản lý, điều hành.

THANH DUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuy-phong-ky-vong-tao-dot-pha-trong-chuyen-doi-so-128065.html