Tuy Phong: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp có nhiều chuyển biến
Thời gian qua, lãnh đạo huyện Tuy Phong đã tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp có chuyển biến rõ nét. Sản lượng lương thực ổn định và đạt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm (năm 2022, đạt 28.311 tấn/KH 25.300 tấn; đạt 111,9%; 9 tháng năm 2023: đạt 24.073 tấn/KH 28.900 tấn, đạt 83,29%.
Theo đó, các sản phẩm chủ lực của ngành được xác định và chú trọng phát triển theo đúng định hướng. Một số sản phẩm nông nghiệp bước đầu khẳng định được thương hiệu, chất lượng như cây nho, cây táo. Trong 2,5 năm qua, có 7 sản phẩm được đưa vào đăng ký thực hiện Chương trình OCOP, trong đó, 1 sản phẩm đạt 3 sao - Gạo Đài thơm 8 của DNTN Mỹ Phố - xã Phú Lạc; 3 sản phẩm (rau, nho, táo) của HTX Phước Thể; 3 sản phẩm (nước nho đỏ, nước nho xanh và du lịch tham quan vườn nho) của DNTN Tư Thành. Bên cạnh đó, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao vào cuối năm 2023 là táo Phong Phú và nho Hồng Nhật - Phước Thể.
Vườn táo ở Tuy Phong.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật ở một số khâu, đặc biệt là việc triển khai thực hiện các mô hình theo hướng VietGap trên lĩnh vực cây trồng được chú trọng thực hiện. Năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản từng bước được nâng lên. Các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được duy trì thực hiện như: Sản phẩm nho của DNTN Tư Thành - xã Phước Thể; sản phẩm gạo của cơ sở xay xát lương thực Mỹ Phố; sản phẩm lúa của nhà máy xay lúa Tân Hồng Phong tại xã Phú Lạc; sản phẩm thanh long tại xã Phong Phú và Chí Công của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phong Phú và Chí Công; mực ống của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Ánh thị trấn Liên Hương. Ngoài ra, mô hình liên kết du lịch sản phẩm nông nghiệp tại các vườn nho - xã Phước Thể của các hộ dân đã thu hút khách du lịch đến tham quan, tiêu thụ sản phẩm…