Tùy tiện uống các chế phẩm bổ sung, nguy hiểm thế nào?
Khi nghĩ đến việc hấp thu các chế phẩm bổ sung, điều đầu tiên bạn cần làm là tham khảo ý kiến của bác sĩ - lời khuyên từ các chuyên gia.
Thông thường, không phải sản phẩm nào trên thị trường cũng có chất lượng giống nhau. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm không can thiệp chất lượng của các chế phẩm bổ sung như đối với các loại dược phẩm kê toa và các thực phẩm khác.
Do vậy, các sản phẩm bổ sung dưỡng chất có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại như thông tin về liều dùng không chuẩn xác, nguyên liệu sản xuất bị nhiễm độc - theo chuyên gia về chế độ ăn Wendy Kaplan (New York).
Cần thảo luận với bác sĩ để có lời khuyên cần thiết trước khi dùng các chế phẩm bổ sung - Ảnh minh họa
Các chuyên gia khuyên người dùng cần thông thái trong việc mua và sử dụng các sản phẩm này: nếu không chắc về sự an toàn của một thành phần nào đó, bạn nên tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ; cần xem kỹ chứng nhận độc lập trên nhãn trước khi mua sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đang uống thuốc điều trị được kê toa.
Bên dưới là một số điều lưu ý khi bắt đầu sử dụng các chế phẩm bổ sung:
1. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu
Tự chẩn đoán không phải lúc nào cũng là chiến lược sức khỏe tốt nhất. Với phụ nữ đang mang thai, bổ sung vitamin cho thai phụ là điều quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần đến các chế phẩm bổ sung như vitamin D hay B12.
Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu để chắc chắn bạn đang thiếu vitamin hay khoáng chất nào.
2. Tham khảo kỹ tác dụng của sản phẩm
Các nghiên cứu cho thấy một số chế phẩm bổ sung mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Ví dụ, dầu cá chứa axit béo omega-3 giúp giảm nguy cơ tim mạch; các chế phẩm chứa probiotic và prebiotic tốt cho hệ vi sinh đường ruột, giúp chống lại các bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, bạn cần thảo luận với bác sĩ về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh gia đình để có lời khuyên hợp lý và an toàn thay vì tự mua và sử dụng.
3. Một số chế phẩm không được kiểm định chất lượng
Một số sản phẩm dinh dưỡng bổ sung tự quảng cáo về tác dụng mà không được chứng minh khoa học; đặc biệt là các thuốc bổ não, thuốc tăng đề kháng.
4. Yếu tố nguy cơ liên quan đến lịch sử bệnh gia đình
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi và tự uống viên bổ sung sắt để khắc phục tình trạng này mà không biết bản thân có bệnh lý di truyền.
Việc uống bổ sung này khiến cơ thể hấp thu nhiều sắt hơn và tích tụ lại. Thừa sắt có thể gây phá hủy các cơ quan khác trong cơ thể, trong khi tình trạng mệt mỏi lại không được điều trị.
5. Một số thành phần trong sản phẩm có thể nguy hiểm
Nhiều chế phẩm bổ sung có các tên gọi phức tạp và một số thành phần nguy hiểm được niêm yết dưới các tên gọi làm cho chúng giống như các sản phẩm tự nhiên, an toàn hơn.
Ví dụ các hợp chất độc hại như DMAA, DMBA và DEPEA được niêm yết thiếu trung thực là các trích xuất tự nhiên như dầu cây phong lữ và trích xuất dendrobium. DMAA là chất gây nghiện, có thể gây ra nhiều bất ổn sức khỏe nghiêm trọng như đau tim, theo FDA.
6. Nguy cơ ngộ độc
Bổ sung vitamin A có thể là điều cần và nên làm. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta dự trữ các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E và K nên có thể dễ dàng đưa đến tình trạng quá liều.
Một số sản phẩm dinh dưỡng bổ sung chứa hàm lượng cao vitamin và khoáng chất; nếu bạn uống mỗi ngày, chúng sẽ tích tụ đến một mức có thể gây ngộ độc. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy buồn nôn do hấp thu sắt quá nhiều.
7. Lưu ý trước khi phẫu thuật
Nếu bạn sắp phẫu thuật, cần thông tin cho bác sĩ biết việc uống bổ sung dưỡng chất của bạn vì một số sản phẩm có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật. Danh sách này có chiết xuất gingko biloba (bạch quả), thuốc bổ gan làm từ cây milk thistle và nghệ - theo Đại học Y khoa Stanford.
Các bác sĩ có thể yêu cầu bạn dừng hấp thu các chế phẩm bổ sung một thời gian trước khi phẫu thuật.
8. Tương tác thuốc nguy hiểm
Các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng chủ yếu được bán không cần kê toa và người dùng có thể thiếu kiến thức cần thiết từ bác sĩ. Tùy thuộc vào sự phức tạp của lịch sử sức khỏe, bạn có thể gặp nguy hiểm với những sự tương tác thuốc khi sử dụng các chế phẩm bổ sung.
Chẳng hạn, nếu bạn đang uống thuốc chống đông máu Warfarin, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn không uống các chế phẩm bổ sung vitamin A, E hay trích xuất từ tỏi.
Huệ Trần
(theo Reader’s Digest)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//yhocsuckhoe/2020/06/07/1ec493/